Thuốc Atozone S được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, có thành phần chính là Ondansetron Hydroclorid và các tá dược khác. Thuốc được sử dụng trong phòng ngừa buồn nôn và ói mửa do hóa trị ung thư.
1. Thuốc Atozone S công dụng là gì?
1 ống thuốc Atozone-S có chứa Ondansetron Hydroclorid tương đương 8mg Ondansetron cùng các tá dược: Natri clorid, Trinatri citrat dihydrat và nước pha tiêm.
Ondansetron là chất đối kháng chọn lọc thụ thể 5-HT3. Vì hóa trị, xạ trị có thể gây phản xạ nôn bằng cách hoạt hóa dây thần kinh phế vị thông qua thị thể 5-HT nên việc sử dụng thuốc Ondansetron có tác dụng ức chế sự khởi đầu của phản xạ này. Tác dụng của Ondansetron do hóa trị hoặc xạ trị có thể do đối kháng các thụ thể 5HT3 trên dây thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.
Vì vậy, thuốc được sử dụng để phòng ngừa buồn nôn và ói mửa khi điều trị ung thư bằng hóa chất hoặc buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, thuốc Ondansetron không phải là chất ức chế thụ thể dopamin nên không có tác dụng phụ ngoại tháp.
Chỉ định sử dụng thuốc Atozone S:
- Phòng ngừa buồn nôn và nôn mửa liên quan với các đợt hóa trị ung thư có gây ói mửa (bao gồm cả liệu pháp cisplatin liều cao).
Chống chỉ định sử dụng thuốc Atozone S:
- Người bệnh quá mẫn với thuốc.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Atozone-S
2.1 Cách dùng
Cách dùng: Thuốc Atozone-S dùng theo đường tiêm.
Hướng dẫn sử dụng: Để mở, người dùng xé bọc ngoài chỗ khía V, lấy bộ dụng cụ chứa dung dịch ra. Sau đó, ép chắc để kiểm tra rò rỉ. Nếu có rò rỉ thì không dùng thuốc vì có thể sự vô khuẩn đã bị ảnh hưởng.
Lưu ý: Thuốc tiêm Ondansetron sẽ được pha loãng từ trước trong các dụng cụ đựng dung dịch truyền bằng nhựa dẻo chỉ dùng cho đường truyền tĩnh mạch nhỏ giọt. Ondansetron tiêm trộn không nên trộn lẫn với các dung môi cho khả năng tương thích vật lý/hóa học chưa được xác định. Nếu ban đầu đã sử dụng hệ thống truyền dịch nào đó, cần ngưng truyền dịch trong khi sử dụng thuốc tiêm Ondansetron sẽ được pha loãng từ trước. Đồng thời, không được tiêm thuốc nếu dung dịch không trong, dụng cụ đựng thuốc bị hư hại.
Cảnh báo: Không được sử dụng bao bì bằng nhựa dẻo cho việc dẫn truyền dung dịch.
2.2 Liều dùng
Chống buồn nôn và nôn ói do hóa trị liệu
Liều dùng ở người lớn:
- Liều khuyến cáo Ondansetron đường tĩnh mạch: Liều đơn 32mg hoặc 3 liều 0,15mg/kg. Khi sử dụng liều đơn 32mg, nên truyền tĩnh mạch 15 phút, thực hiện trước khi hóa trị 30 phút. Không nên truyền với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ được khuyến nghị;
- Khi sử dụng phác đồ 3 liều, liều đầu tiên truyền trong 15 phút trước khi hóa trị 30 phút. Các liều tiếp theo dùng cách liều đầu tiên 4 giờ và 8 giờ;
- Không được trộn Ondansetron với các dung dịch thuốc khác, nhất là dung dịch kiềm vì có thể gây kết tủa Ondansetron;
- Thuốc trong lọ: Cần pha loãng trước khi sử dụng nhằm phòng ngừa cảm ứng gây buồn nôn và nôn mửa do hóa trị liệu. Thuốc tiêm Ondansetron cần được pha loãng trong 50ml dung dịch Dextrose 5% hoặc NaCl 0,9% trước khi dùng;
- Không pha loãng trực tiếp Ondansetron trong các dụng cụ đựng dịch truyền bằng nhựa dẻo. Thuốc tiêm Ondansetron nên pha loãng từ trước, 32mg trong Dextrose 5%, 50ml.
Liều dùng ở trẻ em:
- Liều dùng cho trẻ em 6 - 18 tháng tuổi là 3 liều 0,15mg/kg. Liều đầu tiên tiêm truyền 30 phút trước khi sử dụng các thuốc có khả năng gây nôn (mức trung bình và cao). 2 liều còn lại sử dụng sau đó 4 giờ và 8 giờ. Nên truyền thuốc trong 15 phút. Hiện có ít thông tin về liều dùng thuốc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bị ung thư;
- Thuốc trong lọ: Cần pha loãng trước khi sử dụng nhằm phòng ngừa cảm ứng gây buồn nôn và nôn mửa do hóa trị liệu. Thuốc tiêm Ondansetron cần được pha loãng trong 50ml dung dịch Dextrose 5% hoặc NaCl 0,9% trước khi dùng;
- Không pha loãng trực tiếp Ondansetron trong các dụng cụ đựng dịch truyền bằng nhựa dẻo. Thuốc tiêm Ondansetron nên pha loãng từ trước, 32mg trong Dextrose 5%, 50ml.
Liều dùng ở người cao tuổi: Tương tự người lớn.
Dự phòng buồn nôn và nôn ói sau phẫu thuật
Liều dùng ở người lớn:
- Liều khuyến cáo dùng đường tĩnh mạch của Ondansetron cho người lớn là 4mg, không pha loãng, tiêm tĩnh mạch trong thời gian trên 30 giây, tốt nhất là 2 - 5 phút ngay trước khi gây mê hoặc ngay sau khi phẫu thuật (nếu bệnh nhân bị buồn nôn hoặc nôn ngay sau khi phẫu thuật);
- Có thể sử dụng liều 4mg không pha loãng tiêm bắp cho người lớn;
- Với bệnh nhân không đáp ứng tốt với phác đồ dự phòng sau khi dùng đơn liều 4m tiêm tĩnh mạch, việc sử dụng liều tiếp theo sau khi phẫu thuật không làm tăng hiệu quả điều trị;
- Không pha loãng thuốc khi sử dụng dự phòng buồn nôn hoặc nôn sau phẫu thuật.
Liều dùng ở trẻ em:
- Liều khuyến cáo dự phòng buồn nôn hoặc nôn sau phẫu thuật ở trẻ em 1 tháng tuổi tới 12 tuổi là liều đơn 0,1mg/kg cho những bệnh nhi dưới 40kg hoặc liều đơn 4mg cho bệnh nhi trên 40kg. Thời gian tiêm tĩnh mạch nên kéo dài trên 30 giây, tốt nhất là 2 - 5 phút ngay trước khi gây mê hoặc ngay sau khi phẫu thuật (nếu bệnh nhi bị buồn nôn hoặc nôn ngay sau khi phẫu thuật);
- Việc dự phòng buồn nôn và nôn xảy ra tiếp sau đó được tiến hành trên những bệnh nhân không sử dụng Ondansetron trước đó;
- Không pha loãng thuốc khi sử dụng dự phòng buồn nôn hoặc nôn sau phẫu thuật.
Liều dùng ở người cao tuổi: Tương tự người lớn.
Liều dùng ở các đối tượng đặc biệt:
- Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc;
- Bệnh nhân suy gan: Với bệnh nhân suy gan nặng (điểm Child-Pugh trên 10) thì dùng liều đơn tối đa hằng ngày là 8mg, truyền trong 15 phút, trước khi điều trị bằng phác đồ hóa trị gây nôn.
Quá liều: Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho thuốc Ondansetron. Với trường hợp dùng thuốc quá liều, việc điều trị hỗ trợ là cần thiết. Một số trường hợp dùng quá liều lên tới 150mg, tổng liều hằng ngày (3 liều) tới 252mg tiêm tĩnh mạch nhưng không gây phản ứng phụ nguy hiểm. Những liều này gấp hơn 10 lần so với liều dùng hằng ngày khuyến cáo.
Khi dùng quá liều Ondansetron, người bệnh có thể bị mù đột ngột trong 2 - 3 phút, táo bón nặng (ở trường hợp dùng Ondansetron tiêm tĩnh mạch liều đơn 72mg). Hạ huyết áp, ngất xỉu có thể xảy ra ở người dùng thuốc Ondansetron đường uống với liều 48mg. Sau khi tiêm Ondansetron liều 32mg trong thời gian 4 phút, có trường hợp bị ngất kèm block tim độ 2 thoáng qua. Tuy nhiên, các trường hợp kể trên đều tự khỏi.
3. Tác dụng phụ của thuốc Atozone S
Khi sử dụng thuốc Atozone S, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
Khi dùng thuốc để phòng nôn, chống nôn do hóa trị:
- Tim mạch: Đau thắt ngực, hạ huyết áp, thay đổi về điện tâm đồ, nhịp tim nhanh;
- Dạ dày - ruột: Táo bón, tiêu chảy;
- Gan: Tăng enzyme ALT và AST;
- Da liễu: Phát ban ngoài da;
- Thần kinh: Phản ứng ngoại tháp, động kinh, đau đầu;
- Tác dụng phụ khác: Hạ kali máu, rối loạn trương lực cấp, ngồi hoặc nằm không yên.
Khi dùng thuốc để phòng nôn, chống nôn sau phẫu thuật:
- Tim mạch: Loạn nhịp tim (nhịp nhanh thất và trên thất, rung nhĩ, co tâm thất sớm), nhịp tim chậm, thay đổi trên điện tâm đồ (đoạn ST dệt, block tim độ 2), nhịp tim nhanh, ngất xỉu;
- Gan mật: Rối loạn men gan, suy gan và tử vong (ở một số bệnh nhân ung thư sử dụng đồng thời với các thuốc gây độc cho gan và kháng sinh);
- Phản ứng tại vị trí tiêm: Đau, nóng, đỏ tại nơi tiêm;
- Hô hấp: Nấc cụt;
- Thần kinh: Cơn xoay mắt, phản ứng loạn trương lực cơ;
- Da: Nổi mày đay, ngứa da, đỏ bừng da;
- Mắt: Nhìn mờ thoáng qua, rối loạn điều tiết, mất thị lực thoáng qua (xảy ra trong khi tiêm, thường tự khỏi trong khoảng 20 phút);
- Tác dụng phụ khác: Đau đầu, chóng mặt, đau cơ xương, mơ ngủ/an thần, rùng mình, khó chịu, mệt mỏi, ứ tiểu, đau ngực (không đặc hiệu), bí tiểu, lo lắng, kích động, hạ huyết áp, sốt, phù Quincke, phù thanh quản, co thắt thanh quản, hơi thở ngắn, thở rít, dị cảm, cảm giác lạnh, co thắt phế quản, đau hậu phẫu, tiêu chảy.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Atozone S, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp xử trí kịp thời.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Atozone S
Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Atozone-S:
- Phản ứng quá mẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với các thuốc đối kháng chọn lọc thụ thể 5-HT3;
- Ondansetron không gây kích thích nhu động ruột, dạ dày. Việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân sau phẫu thuật vùng bụng hoặc người bị nôn, buồn nôn do hóa trị có thể làm che đi dấu hiệu tắc ruột tiến triển hoặc căng dạ dày;
- Hiện có ít thông tin về việc sử dụng thuốc Atozone S cho trẻ em dưới 1 tháng tuổi và dưới 6 tháng tuổi để phòng nôn và buồn nôn sau phẫu thuật. Độ thanh thải của Ondansetron ở trẻ em 1 - 4 tháng tuổi chậm hơn, thời gian bán thải dài hơn khoảng 2,5 lần so với trẻ em 4 - 24 tháng tuổi. Do đó, nên hết sức thận trọng khi dùng thuốc Ondansetron ở trẻ em dưới 4 tháng tuổi;
- Không ghi nhận sự khác biệt về độ an toàn và hiệu quả của thuốc Ondansetron ở người già so với người trẻ tuổi. Do đó, không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh trên 65 tuổi;
- Hiện chưa có đầy đủ nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc Ondansetron trên phụ nữ mang thai. Do đó, chỉ dùng thuốc ở nhóm đối tượng này khi thực sự cần thiết, đã được bác sĩ cho phép;
- Hiện chưa rõ thuốc Ondansetron có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, nên thận trọng khi sử dụng thuốc này ở phụ nữ đang nuôi con bú;
- Thuốc Atozone-S có thể gây đau đầu, hạ huyết áp và mờ mắt thoáng qua nên cần thận trọng ở người lái xe, vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc Atozone-S
Một số tương tác thuốc của Atozone S gồm:
- Ondansetron không gây ức chế, kích thích enzyme chuyển hóa thuốc ở gan cytochrome P450. Do Ondansetron được chuyển hóa bởi các enzyme cytochrome P450 nên các thuốc kích thích hoặc ức chế những enzyme này có thể ảnh hưởng tới thải trừ thuốc, tác động tới thời gian bán thải của thuốc. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu hiện nay, không cần điều chỉnh liều dùng cho những người bệnh đang dùng các thuốc trên;
- Khi sử dụng đồng thời Ondansetron với các thuốc có khả năng gây kích thích CYP3A4 như rifampicin, phenytoin và carbamazepin thì thải trừ của Ondansetron tăng lên đáng kể, làm giảm nồng độ của Ondansetron trong máu. Tuy nhiên, theo kết quả của nhiều nghiên cứu hiện nay, không cần điều chỉnh liều thuốc Ondansetron;
- Thuốc Ondansetron không ảnh hưởng tới tác dụng chẹn thần kinh cơ của atracurium hay ức chế hô hấp của alfentanil;
- Các thuốc carmustine, cisplatin, etoposide không gây ảnh hưởng tới dược động học của Ondansetron;
- Sử dụng Ondansetron đường tĩnh mạch không gây ảnh hưởng tới nồng độ của methotrexate trong máu khi dùng liều cao.
Khi được chỉ định dùng thuốc Atozone S, người bệnh cần phối hợp với mọi hướng dẫn, yêu cầu của bác sĩ. Điều này đảm bảo hiệu quả điều trị buồn nôn và nôn ói cao nhất, giảm đáng kể nguy cơ xảy ra sự cố khó lường.