Thuốc Maica được bào chế dưới dạng dung dịch bôi ngoài da, có thành phần chính là acid boric. Thuốc được sử dụng làm chất bảo vệ da để giảm triệu chứng đau và khó chịu trong trường hợp da khô, nứt nẻ, nổi ban, cháy nắng, côn trùng đốt hoặc các kích ứng khác,...
1. Thuốc Maica có tác dụng gì?
Thuốc bôi da Maica có thành phần gồm: Acid boric, Glycerin và Methylene blue. Trong đó, thành phần chính acid boric là thuốc sát khuẩn tại chỗ, có tác dụng kiềm khuẩn và kiềm nấm yếu. Thành phần này thường đã được thay thế bằng các thuốc khử khuẩn, có hiệu lực và ít độc hơn.
Thuốc Maica trị gì? Thuốc được chỉ định sử dụng để:
- Sử dụng làm chất bảo vệ da để giảm triệu chứng đau và khó chịu trong các trường hợp da bị khô, nứt nẻ, nổi ban, da bị cọ sát, cháy nắng hoặc rát do gió, côn trùng đốt, kích ứng da,...;
- Dùng tại chỗ để điều trị nhiễm trùng da: Ghẻ, vết nhiễm trùng do tiếp xúc, viêm ngứa da, vết trầy gãi nhiễm trùng;
- Dùng tại chỗ điều trị các bệnh nấm da: Lang ben, nấm móng, nấm tóc, herpes vòng, vi nấm da bội nhiễm vi trùng (lở ngứa chân tay, thối móng).
Mặt khác, chống chỉ định sử dụng thuốc bôi Maica với bệnh nhân mẫn cảm với một trong các thành phần thuốc.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Maica
Thuốc bôi Maica được bôi ngoài da. Người bệnh nên rửa sạch vùng da bị tổn thương rồi nhỏ thuốc lên da, dùng bông gòn thấm nước sạch trải rộng, thoa nhẹ 1 lớp thuốc mỏng lên da để thấm vào vùng điều trị. Với trường hợp người bệnh bị lang ben có thể ngừng điều trị nếu thấy vùng da không còn ngứa hay nổi sẩn. Màu trắng của những đốm lang ben (đặc biệt là ở những vùng da ít tiếp xúc với ánh sáng) sẽ dần tự biến mất do có khả năng tái tạo sắc tố da. Thời gian điều trị trung bình đối với bệnh lang ben là 10 ngày; các bệnh vi nấm da khác từ 4 - 6 tuần.
Liều dùng:
- Người lớn: 1 - 2 lần/ngày;
- Trẻ em: Chưa có dữ liệu.
Không được sử dụng thuốc Maica quá liều. Dùng thuốc nhiều hơn so với chỉ định của bác sĩ không giúp cải thiện triệu chứng mà có thể dẫn tới ngộ độc hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu bệnh nhân nghi ngờ bản thân hoặc người xung quanh sử dụng thuốc Maica quá liều thì nên gọi cấp cứu và nhập viện ngay để được chăm sóc sức khỏe sớm nhất có thể.
Triệu chứng quá liều là: Ban đầu buồn nôn, nôn ói, đau thượng vị. Sau khoảng 1 - 2 ngày người bệnh sẽ bị nổi ban da và tróc vảy. Tiếp theo, bệnh nhân gặp triệu chứng thần kinh trung ương như lú lẫn, đau đầu và co giật. Nguy cơ hoại tử ống thận cấp có thể xảy ra với triệu chứng thiểu niệu hoặc vô niệu, tăng natri máu, tăng kali máu và clo máu. Cuối cùng, người bệnh có thể bị sốt cao, tim đập nhanh, giảm huyết áp và sốc.
Cách điều trị quá liều chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp với hỗ trợ tăng cường. Nếu ngộ độc thuốc do uống và nếu còn tỉnh táo, người bệnh cần được rửa dạ dày ngay bằng nước ấm hoặc sử dụng than hoạt tính và thuốc tẩy sổ. Đồng thời, cần rửa sạch thuốc nếu thuốc có trên da hoặc niêm mạc. Sau đó, sử dụng các dung dịch điện giải thích hợp cho bệnh nhân. Người bệnh có thể được điều trị cơn co giật bằng thuốc benzodiazepin hoặc 1 barbiturat có tác dụng ngắn. Ngoài ra, có thể tăng thải trừ borat bằng thẩm tách máu, thẩm tách màng bụng, truyền máu thay thế.
Nếu quên dùng 1 liều thuốc Maica, bệnh nhân nên dùng càng sớm càng tốt. Trường hợp gần với liều kế tiếp thì người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm như đã đặt kế hoạch từ trước.
3. Tác dụng phụ của thuốc Maica
Khi sử dụng thuốc Maica, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Phản ứng nóng, ngứa da, đau rát,... do kích ứng hoặc dị ứng. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, xử trí kịp thời.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Maica
Trước và trong khi dùng thuốc Maica, người bệnh cần lưu ý:
- Không bôi thuốc nhiều lần trên một diện tích da rộng và không bôi lượng lớn thuốc lên các vết bỏng, vết thương, da bị mài mòn hoặc trượt da. Đã có trường hợp bị ngộ độc nặng, thậm chí tử vong sau khi sử dụng một lượng lớn acid boric tại chỗ;
- Nguy cơ nhiễm độc toàn thân khi bôi thuốc Maica tại chỗ tùy thuộc vào nồng độ, thời gian dùng thuốc và độ tuổi của bệnh nhân. Nên thận trọng khi dùng thuốc bôi Maica ở trẻ em vì nhóm đối tượng này thường nhạy cảm hơn người lớn. Đồng thời, không nên dùng acid boric ở trẻ em dưới 2 tuổi. Với chế phẩm dùng ngoài da thì không được bôi lên vùng mắt;
- Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ nếu bản thân bị dị ứng với acid boric hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác hay thành phần có trong thuốc để có sự điều chỉnh phù hợp;
- Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Maica với việc lái xe, vận hành máy móc. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung, nếu bị buồn ngủ, chóng mặt hoặc đau đầu khi sử dụng thuốc thì người bệnh cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc;
- Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Maica khi sử dụng ở phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Theo khuyến cáo chung, nhóm đối tượng này trước khi dùng bất kỳ thuốc gì đều cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về lợi ích và nguy cơ, nhận chỉ định thích hợp nhất.
5. Tương tác thuốc Maica
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ. Tốt nhất người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng, không tự ý dùng thuốc, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa được bác sĩ cho phép.
Một số tương tác thuốc của thuốc Maica gồm:
- Acid boric (thành phần chính của thuốc Maica) là 1 acid yếu, tương kỵ với các carbonat và hydroxyd kiềm;
- Ở nồng độ gần bão hòa, dung dịch acid boric tương kỵ với benzalkonium clorid;
- Khi phối hợp acid boric với acid salicylic thì dung dịch acid boric tạo thành kết tủa borosalicylat.
Khi sử dụng thuốc Maica, người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm da và tránh được một số tác dụng phụ bất lợi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.