Thuốc Pesancort (Acid fusidic) là kháng sinh có tác dụng điều trị thương tổn thâm nhiễm khu trú, vảy nến, sẹo lồi, liken phẳng phì đại, lupus ban đỏ đa dạng, lupus ban dạng đĩa và một số bệnh về viêm da, côn trùng đốt...
1. Công dụng thuốc Pesancort
Thuốc Pesancort với thành phần chính là Acid Fusidic có tác dụng kìm và diệt vi khuẩn. Bên cạnh đó thành phần Betamethasone Valerate trong thuốc cũng là một corticoid tổng hợp có đặc tính kháng viêm, chống dị ứng giúp làm giảm tình trạng đỏ, ngứa trên da.
Dựa vào đặc tính trên, thuốc Pesancort hay được dùng để điều trị các vấn đề sau:
- Thương tổn thâm nhiễm khu trú;
- Liken phẳng phì đại;
- Sẹo lồi;
- Vảy nến;
- Viêm da tiếp xúc;
- Viêm da dị ứng;
- Lupus ban đỏ dạng đĩa (DLE);
- Lupus ban đỏ đa dạng;
- Vết côn trùng đốt.
Hiện nay trên thị trường, thuốc Pesancort được bào chế dưới dạng tuýp kem bôi da với các hàm lượng: 5g, 10g và 15g.
2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Pesancort
Thuốc Pesancort được sử dụng để bôi ngoài da, tuyệt đối không được bôi lên mắt.
Cách thức sử dụng:
- Rửa sạch vùng da bị nhiễm khuẩn trước khi bôi thuốc;
- Dùng tay sạch bôi một lớp mỏng thuốc lên vị trí cần điều trị, tần suất 1-2 lần/ ngày;
*Lưu ý:
- Tránh bôi thuốc thành lớp quá dày;
- Giới hạn thời gian sử dụng thuốc trong 7 ngày (trừ trường hợp điều trị mụn trứng cá). Tránh điều trị trong thời gian dài, nhất là với vùng da mặt, các nếp gấp, vùng bị hăm, ở trẻ sơ sinh và trẻ lớn ;
- Hiện vẫn chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc bôi Pesancort với trẻ em. Tuy nhiên tốt nhất vẫn nên hạn chế dùng các thuốc Corticoid có tác dụng tại chỗ như Betamethasone để bôi cho trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ sơ sinh). Chỉ nên sử dụng nếu có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Trong một số trường hợp, sử dụng thuốc bôi da Pesancort liều cao trong thời gian dài có thể làm mỏng và vân da, giãn mạch máu nông, nhất là khi người dùng băng kín hoặc bôi thuốc ở vùng da có nhiều nếp gấp.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể gặp một số tác dụng phụ ít gặp như viêm da dị ứng, mề đay, phù thần kinh mạch.
Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào ở trên, hãy thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Pesancort
Không nên dùng thuốc Pesancort trong những trường hợp sau:
- Nhạy cảm với các thành phần của thuốc;
- Nhiễm nấm, virus và vi khuẩn;
- Bệnh nhân suy gan;
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú (cân nhắc thận trọng).
Nếu thấy xuất hiện tình trạng kích ứng hay nhạy cảm, cần ngưng điều trị bằng thuốc này và hỏi ý kiến bác sĩ loại thuốc thay thế.
5. Tương tác thuốc
Những loại thuốc có thể tương tác với thuốc bôi Pesancort và phát sinh các phản ứng sau:
- Ciprofloxacin (sinh phản ứng đối kháng);
- Penicillin;
- Thuốc kháng virus ức chế Protease (tăng nguy cơ nhiễm độc);
- Paracetamol (tăng nguy cơ nhiễm độc gan);
- Glycosid digitalis (tăng nguy cơ loạn nhịp tim, hạ kali máu);
- Thuốc điều trị đái tháo đường, Insulin (tăng nồng độ Glucose huyết);
- Phenobarbital, Phenytoin, Rifampicin, Ephedrin (tăng chuyển hóa và giảm tác dụng điều trị của Betamethason);
- Các thuốc chống đông Coumarin (làm tăng hoặc giảm hiệu quả chống đông) ;
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý độc giả những thông tin cần biết về công dụng thuốc Pesancort và cách sử dụng sao cho hợp lý, an toàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.