Thuốc Lovaintas với thành phần chính là hoạt chất Lovastatine được sử dụng để điều hòa lượng cholesterol máu về mức ổn định. Vậy cần sử dụng thuốc Lovaintas như thế nào cho đúng cách, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Lovaintas là gì?
Thuốc Lovaintas có chứa thành phần chính là Lovastatine. Đây là thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị tăng lipid máu nằm trong nhóm chất ức chế HMG-CoA reductase (nhóm Statin). Lovastatine là chất ức chế cạnh tranh với hydroxy-methylglutaryl coenzym (HGM-CoA) reductase và làm ngăn cản chuyển HMG-CoA thành mevalonat (tiền chất của cholesterol), từ đó có tác dụng làm giảm cholesterol trong tế bào gan, kích thích tổng hợp thụ thể LDL và tăng vận chuyển LDL từ máu.
2. Công dụng thuốc Lovaintas
Lovastatin được chỉ định sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng giúp làm giảm cholesterol toàn phần và các cholesterol lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp ở bệnh nhân mới mắc phải tình trạng tăng cholesterol máu (tăng lipoprotein máu type IIa và IIb) khi không đáp ứng với chế độ ăn kiêng hay các biện pháp riêng lẻ khác.
Ngoài ra, Lovastatin còn được chỉ định để làm giảm cholesterol lipoprotein trọng lượng phân tử thấp ở bệnh nhân vừa có tăng cholesterol máu và tăng triglyceride máu.
3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Lovaintas
Liều lượng của thuốc Lovaintas được các bác sĩ khuyên dùng như sau:
- Liều dùng thuốc dao động từ 10 - 80mg/ ngày và chia ra uống một lần hoặc nhiều lần trong ngày.
- Liều khởi đầu là 20mg/ ngày dùng vào bữa tối.
- Liều tối đa ở mức 80mg/ ngày. Nên chỉnh liều cho bệnh nhau sau 4 tuần/ lần hoặc nhiều hơn và dựa trên đáp ứng của từng bệnh nhân.
- Với các bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người bị suy thận thường khởi đầu với 10mg/ ngày và quá 20mg/ ngày. Nên dùng liều 10mg cho phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh tăng cholesterol nhẹ đến vừa.
4. Chống chỉ định của thuốc Lovaintas
Chống chỉ định sử dụng thuốc Lovaintas trong một số trường hợp sau:
- Người có tiền sử mẫn cảm với Lovastatine hoặc tá dược có trong thuốc.
- Người mắc bệnh gan tiến triển hoặc tăng transaminase huyết thanh không rõ nguyên nhân.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
5. Tác dụng phụ của thuốc Lovaintas
- Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc Lovaintas là ở hệ tiêu hóa với các triệu chứng như đầy hơi, táo bón, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
- Ngoài ra, một số phản ứng hiếm gặp khác như nhức đầu, ngứa, phát ban, chóng mặt.
6. Tương tác thuốc
Khi sử dụng cùng một lúc hai hoặc nhiều thuốc thường dễ xảy ra tương tác thuốc dẫn đến hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng.
Thuốc Lovaintas xảy ra tương tác với các thuốc kháng đông, Cyclosporin, erythromycin, gemfibrozil, thuốc ức chế miễn dịch, niacin. Do đó bệnh nhân nên thông báo cho y bác sĩ tất cả các loại thuốc kê toa, không kê toa, thực phẩm chức năng và vitamin đang sử dụng để được tư vấn.
Nguồn tham khảo: thuocbietduoc.com.