Lilonton có thành phần chính là Piracetam, có tác dụng cải thiện nhận thức, trí nhớ và khả năng học tập. Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh lý tổn thương não, suy giảm nhận thức, sau chấn thương hoặc phẫu thuật não, nghiện rượu,...
1. Lilonton là thuốc gì?
Thuốc Lilonton có hoạt chất chính là Piracetam, được xem là một chất có tác dụng hưng trí. Thuốc có khả năng cải thiện chuyển hóa của tế bào thần kinh, cải thiện khả năng học tập và trí nhớ. Ở người bình thường và người bị suy giảm chức năng, Piracetam tác dụng trực tiếp đến não để tăng hoạt động của vùng đoan não, vùng não tham gia vào cơ chế nhận thức, học tập, trí nhớ và ý thức.
2. Tác dụng của thuốc Lilonton là gì?
Thuốc Lilonton được chỉ định trong điều trị các trường hợp sau:
- Điều trị các bệnh do tổn thương não như rối loạn tâm thần, liệt nửa người.
- Điều trị triệu chứng chóng mặt, đau đầu do thiếu máu não.
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính, tai biến mạch máu não.
- Rối loạn hành vi ở trẻ em, chứng khó học, kém tập trung.
- Suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi.
- Sử dụng hỗ trợ sau chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Nghiện rượu mạn tính.
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Rung giật cơ.
Thuốc Lilonton chống chỉ định ở các bệnh nhân sau đây:
- Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 20 ml/phút).
- Bệnh nhân mắc bệnh Huntington.
- Bệnh nhân suy gan
3. Liều dùng của thuốc Lilonton
- Liều Lilonton thường dùng là 30 – 160 mg/kg/ngày, chia đều 2 - 4 lần /ngày.
- Điều trị dài ngày các hội chứng tâm thần thực thể ở người lớn tuổi: Liều 1,2 - 2,4g/ngày, có thể tăng lên 4,8 g/ngày trong những tuần đầu.
- Điều trị nghiện rượu: Liều khuyến cáo là 12g/ngày trong khoảng thời gian cai rượu đầu tiên, điều trị duy trì với liều 2,4g/ngày.
- Điều trị hỗ trợ trong trường hợp suy giảm nhận thức sau chấn thương hoặc phẫu thuật: Liều ban đầu là 9 - 12g/ngày, liều duy trì là 2,4g/ngày, uống ít nhất trong 3 tuần.
- Thiếu máu hồng cầu liềm: Liều khuyến cáo là 160 mg/kg/ngày, chia đều thành 4 lần.
- Điều trị rung giật cơ: Liều khuyến cáo là 7,2 g/ngày, chia làm 2 - 3 lần, tuỳ theo đáp ứng có thể tăng thêm 4,8 g/ngày cho tới liều tối đa là 20g/ngày.
Bệnh nhân suy thận:
- CrCl trên 80 mL/phút: Không cần điều chỉnh liều lượng.
- CrCl 50 đến 80 mL/phút: Liều ban đầu và tối đa giảm xuống còn 2/3 liều bình thường, được chia thành 2 đến 3 lần.
- CrCl 30 đến 50 mL/phút: Liều ban đầu và tối đa giảm xuống 1/3 liều bình thường, chia làm 2 lần.
- CrCl 20 đến 30 mL/phút: Giảm xuống 1/6 liều bình thường, dùng một lần mỗi ngày.
- CrCl dưới 20 mL/phút: Chống chỉ định sử dụng Lilonton.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Lilonton là gì?
Bệnh nhân sử dụng thuốc Lilonton có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:
- Thường gặp: Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng, bồn chồn, kích động, đau đầu, mất ngủ, ngủ gà.
- Ít gặp: Chóng mặt, run, kích thích tình dục
6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Lilonton
- Vì Piracetam được đào thải qua thận, nên cần thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh suy thận. Cần theo dõi chức năng thận ở những bệnh nhân đã bị suy thận từ trước và người cao tuổi.
- Thời kỳ mang thai: Piracetam có thể qua nhau thai. Vì vậy không nên dùng thuốc Lilonton cho người mang thai.
- Thời kỳ cho con bú: Không nên dùng Piracetam cho người đang cho con bú.
7. Tương tác thuốc
Sử dụng đồng thời Lilonton với một số thuốc khác có thể gây tương tác, làm thay đổi hiệu lực và/hoặc gia tăng tác dụng phụ của thuốc. Bệnh nhân nên thông báo cho y bác sĩ tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng để được tư vấn. Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng Lilonton:
- Ðã có báo cáo về tương tác giữa Piracetam và tinh chất tuyến giáp khi dùng đồng thời, dẫn tới lú lẫn, kích thích và rối loạn giấc ngủ.
- Warfarin: Ở một bệnh nhân thời gian prothrombin đã được ổn định bằng warfarin lại tăng lên khi dùng piracetam.
Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc Lilonton. Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế sự hướng dẫn của thầy thuốc. Bệnh nhân nên tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng để thuốc phát huy hiệu quả tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.