Thuốc Lezra được chỉ định điều trị cũng như ngăn ngừa tái phát ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh. Vậy cách sử dụng thuốc Lezra như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Lezra qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Lezra là thuốc gì?
Thuốc Lezra chứa thành phần Letrozole hàm lượng 2,5mg và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc bào chế ở dạng viên nén bao phim, quy cách đóng gói hộp 3 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.
2. Thuốc Lezra có tác dụng gì?
Thuốc Lezra được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:
- Điều trị ung thư vú tiến triển ở phụ nữ mãn kinh, đã thất bại khi điều trị bằng Tamoxifen hoặc các thuốc kháng oestrogen khác.
- Điều trị ung thư vú sớm ở phụ nữ sau mãn kinh đã được điều trị bằng Tamoxifen trước đó.
- Điều trị trước phẫu thuật giữ nhũ hoa cho phụ nữ sau mãn kinh bị ung thư vú dương tính với receptor hormone.
Mặt khác, thuốc Lezra chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân như sau:
- Dị ứng với hoạt chất Letrozole hay các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
- Phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ cho con bú và thai kỳ.
- Bệnh nhân suy gan nặng.
- Không sử dụng thuốc này trước phẫu thuật nếu tình trạng receptor là âm tính hoặc không biết rõ.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Lezra
Thuốc Lezra bào chế ở dạng viên nén bao phim, dùng bằng đường uống. Thuốc nên uống cùng với 1 ly nước đầy, người bệnh có thể uống thuốc lúc bụng đói hoặc no.
Thuốc Lezra chỉ dùng cho người lớn, dưới đây là liều dùng khuyến cáo cho người lớn và người cao tuổi:
- Dùng với liều 2,5mg/lần mỗi ngày.
- Trong điều trị hỗ trợ, thuốc Lezra nên được dùng liên tục trong 5 năm hoặc dùng cho đến khi khối u tái phát, tùy trường hợp nào đến trước.
- Sau liệu trình dùng thuốc Tamoxifen chuẩn, điều trị bằng Lezra nên tiếp tục điều trị trong 3 năm hoặc cho đến khi khối u tái phát, tùy trường hợp nào đến trước.
- Vì không có đầy đủ dữ liệu khi dùng thuốc Lezra, nên không có thời gian sử dụng tối ưu.
- Ở bệnh nhân di căn, nên dùng thuốc Lezra liên tục cho đến khi sự tiến triển khối u trở nên rõ rệt.
- Điều trị trước phẫu thuật: Thường xuyên kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh để cân nhắc liều điều trị phù hợp.
- Đối với người cao tuổi, bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ hoặc vừa phải: Dùng với liều tương tự như liều của người lớn, không cần phải điều chỉnh liều dùng.
- Đối với bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin >10ml/phút, không cần điều chỉnh liều dùng hằng ngày.
Cần lưu ý: Liều dùng này chỉ là liều dùng khuyến cáo của nhà sản xuất. Tùy theo, tình trạng bệnh lý của mỗi bệnh nhân để bác sĩ chỉ định liều dùng phù hợp. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều dùng hoặc đưa thuốc cho người khác khi có các triệu chứng tương tự.
4. Tác dụng phụ của thuốc Lezra
Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Lezra đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Người bệnh phải tuân theo chỉ định của bác sĩ nhằm hạn chế xảy ra các tác dụng không mong muốn. Thuốc Lezra nói chung được dung nạp tốt, tác dụng phụ thường nhẹ hoặc vừa phải, hầu hết do thiếu oestrogen.
Một số tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình dùng thuốc như sau:
Thường gặp:
- Đau khớp, đỏ bừng mặt, chán ăn, thèm ăn, tăng cholesterol huyết thanh, suy nhược thần kinh, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, rụng tóc, tăng tiết mồ hôi, nổi mẩn đỏ, đau cơ, đau xương, loãng xương, nứt xương, mệt mỏi, phù ngoại vi, tăng cân.
Ít gặp:
- Viêm nhiễm đường tiết niệu, đau khối u vú, phù, mệt mỏi, mất ngủ, giảm trí nhớ, loạn xúc giác, loạn vị giác, tai biến mạch máu não, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, viêm tĩnh mạch huyết khối, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, khó thở, ho, đau bụng, viêm lưỡi, khô miệng, khô da, nổi mề đay, viêm khớp, giảm cân, xuất huyết âm đạo.
Hiếm gặp:
- Tắc nghẽn mạch máu ở phổi, huyết khối, thiếu máu não.
Trong trường hợp bệnh nhân dùng thuốc có xảy ra bất kỳ tác dụng nào kể trên hay các tác dụng phụ bất thường nào nghi ngờ do thuốc, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để được tham khảo ý kiến.
5. Tương tác thuốc Lezra
Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc người bệnh đang sử dụng như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược...để hạn chế xảy ra tương tác khi kết hợp các thuốc trong quá trình điều trị.
Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp Lezra với các thuốc khác dưới đây:
- Trên lâm sàng, thuốc Lezra không có tương tác đáng kể với Cimetidin, Benzodiazepine, Barbiturat, các thuốc kháng viêm không steroid, Paracetamol, Furosemid, Omeprazol.
- Không có kinh nghiệm sử dụng phối hợp thuốc Lezra với các thuốc kháng ung thư khác.
6. Các lưu ý khi dùng thuốc Lezra
Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Lezra như sau:
- Không dùng thuốc này cho bệnh nhi, vì hiệu quả và tính an toàn chưa được đánh giá trên các nghiên cứu lâm sàng.
- Không có số liệu về sử dụng thuốc Lezra ở những bệnh ung thư vú nam giới.
- Nên thận trọng sử dụng thuốc Lezra cho bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút.
- Thuốc Lezra có khả năng làm giảm mạnh lượng oestrogen, nên sẽ có nguy cơ giảm mạnh chất khoáng ở xương của người bệnh. Vì vậy trước khi điều trị bằng thuốc này, phụ nữ bị loãng xương hay có nguy cơ loãng xương nên kiểm tra mật độ xương.
- Nên áp dụng biện pháp ngừa thai khi sử dụng thuốc Lezra ở những phụ nữ gần mãn kinh hoặc vừa mới mãn kinh.
- Khi sử dụng thuốc Lezra, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi và chóng mặt, đôi khi buồn ngủ, vì thế nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Lezra. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Lezra theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.