Các yếu tố nguy cơ loãng xương có thể là khách quan hoặc do lối sống thiếu khoa học khiến cơ thể dễ mắc bệnh lý này. Xác định nguyên nhân loãng xương là một trong những việc quan trọng giúp điều trị bệnh hiệu quả. Trong bài viết này sẽ cung cấp chi tiết những yếu tố gây loãng xương và biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Loãng xương là gì?
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân gây loãng xương và các yếu tố nguy cơ, cần hiểu rõ loãng xương là gì.
Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa xương, dẫn đến giảm mật độ xương, khiến xương mất đi độ săn chắc và dễ gãy. Bệnh loãng xương thường gặp ở người lớn tuổi và phụ nữ mãn kinh. Trong giai đoạn này, xương rất dễ gãy và khó lành, đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí điều trị.
Các vị trí dễ bị loãng xương và gãy xương bao gồm cổ xương đùi, đầu dưới xương quay, và các đốt sống lưng và thắt lưng.
Loãng xương là một quá trình thoái hóa xương tự nhiên, khi tuổi càng cao, xương khớp càng suy yếu và dễ bị loãng xương. Ngoài ra, lối sống và chế độ dinh dưỡng cũng là những yếu tố nguy cơ khiến loãng xương tiến triển nhanh hơn.
2. Những yếu tố nguy cơ loãng xương
Thiếu hụt canxi được coi là một trong những nguyên nhân gây loãng xương vì làm giảm khả năng hình thành mô xương mới. Ngoài ra, sự thiếu hụt estrogen ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh và suy giảm testosterone ở nam giới cũng là những nguyên nhân chính, khiến xương dễ bị lão hóa hơn.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ loãng xương sớm bao gồm:
2.1. Những yếu tố khách quan
Có những yếu tố nguy cơ loãng xương mang tính khách quan mà người bệnh không thể thay đổi và phải chấp nhận, bao gồm:
- Độ tuổi: Mật độ xương đạt đỉnh điểm khi con người khoảng 30 tuổi. Sau đó, quá trình hình thành xương mới chậm lại, trong khi xương cũ bắt đầu thoái hóa. Bước vào độ tuổi 50, nguy cơ loãng xương tăng cao do tốc độ thoái hóa xương nhanh hơn quá trình tạo xương mới.
- Giới tính: Nam giới thường ít bị loãng xương hơn so với nữ giới. Ở phụ nữ, trong giai đoạn mãn kinh, xương trở nên yếu hơn nhiều do sự thiếu hụt estrogen.
- Tiền sử bệnh lý gia đình: Nếu trong gia đình có người thân bị loãng xương, nguy cơ bị loãng xương sẽ cao hơn những người khác.
- Thể trạng cơ thể: Người có thể trạng thấp bé thường có khối lượng xương thấp hơn, do đó tốc độ mất xương cũng nhanh hơn.
- Tai nạn: Tai nạn hoặc chấn thương xương có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt canxi, khiến người bệnh có nguy cơ bị loãng xương nhanh hơn so với người bình thường.
2.2. Do thói quen sinh hoạt
Bên cạnh các yếu tố khách quan đã nêu, thói quen sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố nguy cơ loãng xương, cụ thể như sau:
- Chế độ ăn uống hàng ngày: Một chế độ ăn thiếu khoa học, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu protein, natri hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,... đặc biệt khi thiếu hụt vitamin D, canxi, phốt pho và magie, sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Ít vận động: Lười vận động, hoặc ngồi và nằm quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Cân nặng: Người thừa cân, béo phì chịu áp lực lớn hơn lên xương và các khớp so với người bình thường, dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, gout, viêm khớp,...
- Công việc: Những người làm công việc văn phòng, phải ngồi hoặc đứng quá nhiều, ít vận động, thường có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
- Sử dụng steroid: Sử dụng steroid trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương mới. Nếu không cần thiết, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra các giải pháp điều trị thay thế.
2.3. Yếu tố bệnh lý
Một yếu tố nguy cơ loãng xương khác là mắc phải một số bệnh lý như:
- Bệnh đường tiêu hóa (dạ dày, ruột...) làm giảm khả năng hấp thu canxi, vitamin D và protein, từ đó tăng nguy cơ loãng xương.
- Bệnh nội tiết như cường giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thận, tiểu đường...
- Suy thận mãn tính hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày, dẫn đến rối loạn chuyển hóa và mất canxi qua đường tiết niệu.
- Bệnh xương khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp...
3. Điều trị loãng xương
Việc điều trị loãng xương phụ thuộc vào mức độ loãng xương, đối tượng bệnh nhân và các biến chứng cụ thể, do đó phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
Loãng xương dù không thể chữa dứt điểm nhưng điều trị sớm kết hợp với chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt đúng cách có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
3.1. Cách điều trị loãng xương không cần dùng thuốc
Trong trường hợp loãng xương được phát hiện sớm và ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị mà không cần sử dụng thuốc bằng cách:
- Thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. Ăn nhiều rau xanh và thực phẩm giàu canxi, vitamin D, phốt pho, magie và omega-3 như trứng, cá, sữa, thịt, các loại rau xanh, hoa quả tươi.
- Tránh sử dụng các thực phẩm có nguy cơ gây loãng xương cao như rượu, bia, cafein, thuốc lá và đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Tăng cường vận động, tập thể dục hàng ngày với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bơi lội và dưỡng sinh.
- Phơi nắng và tập thể dục ngoài trời để tăng cường bổ sung vitamin D.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp hoặc đai lưng để giảm áp lực lên cột sống và xương hông.
- Nếu bị tăng cân hoặc béo phì, hãy thực hiện chế độ giảm cân hợp lý và khoa học để giảm áp lực lên xương và giúp cơ thể khỏe mạnh, săn chắc hơn.
3.2. Điều trị loãng xương bằng thuốc
Có thể bổ sung canxi hàng ngày với liều lượng từ 500 - 1.500 mg và vitamin D từ 800 - 1.000 UI.
Trong trường hợp loãng xương nặng, ngoài các phương pháp điều trị không dùng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để làm chậm quá trình loãng xương, chẳng hạn như:
- Nhóm thuốc Bisphosphonate hoặc Cholecalciferol 2.800 UI được sử dụng để giảm hoạt động của tế bào hủy xương.
- Phụ nữ sau mãn kinh, do có nguy cơ cao bị loãng xương, thường sẽ được chỉ định liệu pháp thay thế estrogen. Tuy nhiên, cần thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro liên quan đến liệu pháp này.
- Thuốc như Strontium ranelate có thể được sử dụng vì vừa ức chế quá trình hủy xương vừa tăng cường tái tạo xương.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp điều trị với các thuốc thúc đẩy quá trình đồng hóa như Deca Durabolin và Durabolin.
- Loãng xương là một bệnh lý xương khớp tiềm ẩn, do đó việc kiểm tra xương định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm và ngăn ngừa loãng xương hiệu quả.
Vì vậy, nếu gặp các triệu chứng như đau nhức xương khớp kéo dài, khó lành,... hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc tiêm thuốc điều trị loãng xương khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
4. Các biện pháp phòng ngừa
Ngoài việc xác định các yếu tố nguy cơ loãng xương, việc phòng ngừa bệnh cũng là một điều rất cần thiết. Dưới đây là những điều cần lưu ý:
- Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D thông qua chế độ ăn uống và viên uống bổ sung phù hợp.
- Kiểm tra sớm nếu có nguy cơ loãng xương để được điều trị kịp thời.
- Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên để xương chắc khỏe và tăng cường sự dẻo dai.
- Không lạm dụng thuốc lá và rượu bia.
- Nên đến bệnh viện để khám và chữa trị kịp thời nếu xuất hiện các bệnh liên quan đến xương khớp.
- Hạn chế việc sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid vì có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng loãng xương.
- Hạn chế tối đa các chấn thương ảnh hưởng đến xương.
Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh loãng xương và các yếu tố nguy cơ loãng xương, giúp mọi người có biện pháp phòng ngừa và phương pháp điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.