Thuốc Lantazolin có thành phần hoạt chất chính là Lansoprazole với hàm lượng 30mg và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc được bào chế dưới dạng viên nang, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp. Quy cách đóng gói là hộp thuốc gồm 3 vỉ và mỗi vỉ chứa 10 viên nang.
1. Thuốc Lantazolin là thuốc gì?
Thuốc Lantazolin là thuốc gì? Thuốc Lantazolin có thành phần hoạt chất chính là Lansoprazole với hàm lượng 30mg và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc được bào chế dưới dạng viên nang, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp. Quy cách đóng gói là hộp thuốc gồm 3 vỉ và mỗi vỉ chứa 10 viên nang.
1.1. Dược lực học của hoạt chất Lansoprazole
- Hoạt chất chính Lansoprazol là dẫn chất benzimidazol có tác dụng chống tiết acid dạ dày. Cơ chế tác dụng của dược chất Lansoprazol là ức chế bơm proton của niêm mạc dạ dày, do đó loại dược chất này được sử dụng để điều trị chứng loét dạ dày tá tràng và điều trị trong thời gian dài ngày các chứng tăng tiết dịch tiêu hoá bệnh lý.
- Dược chất chính Lansoprazol có công dụng ức chế dạ dày tiết acid cơ bản và khi bị kích thích do bất kỳ tác nhân kích thích nào. Mức độ ức chế tiết acid dạ dày tùy thuộc vào liều dùng và thời gian điều trị. Tuy nhiên, hoạt chất Lansoprazol ức chế tiết acid tốt hơn các chất đối kháng thụ thể H2.
- Lansoprazol cũng được sử dụng để điều trị bệnh viêm dạ dày tá tràng nguyên nhân do bị nhiễm xoắn khuẩn Helicobacter pylori khi phối hợp với một hoặc nhiều thuốc chống nhiễm khuẩn.
- Nếu phối hợp với một hoặc nhiều thuốc chống nhiễm khuẩn, cụ thể như thuốc Amoxicillin, Clarithromycin, thuốc có chứa hoạt chất Lansoprazol có thể có hiệu quả trong việc tiệt trừ viêm nhiễm dạ dày nguyên nhân do H.pylori.
1.2. Dược động học của hoạt chất Lansoprazol
- Hoạt chất Lansoprazol được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, sinh khả dụng sinh học khoảng 80%. Uống thuốc Lansoprazol sau khi ăn làm giảm nồng độ thuốc trong máu đến 50%.
- Hoạt chất Lansoprazol có khả năng liên kết với protein huyết tương khoảng 97%. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt đỉnh được khoảng 1,7 giờ sau khi uống.
- Lansoprazol được chuyển hoá nhiều ở gan thành 2 chất chuyển hoá chính là sulfon lansoprazol và hydroxy lansoprazol. Hai chất chuyển hóa này có rất ít hoặc không còn tác dụng chống tiết acid.
- Khoảng 20% hoạt chất Lansoprazol được bài tiết vào mật và nước tiểu. Thời gian bán thải trung bình ở người khỏe mạnh khoảng 1,5 giờ, thải trừ lansoprazol bị kéo dài ở người bị bệnh gan nặng nhưng không thay đổi ở những người bị suy thận nặng.
2. Thuốc Lantazolin điều trị bệnh gì?
Thuốc Lantazolin có công dụng trong điều trị các bệnh lý, cụ thể như sau:
- Điều trị giai đoạn cấp tính và điều trị duy trì trào ngược dịch dạ dày – thực quản.
- Điều trị loét dạ dày – tá tràng cấp.
- Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison, tăng dưỡng bào hệ thống, u đa tuyến nội tiết.
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Lantazolin
3.1. Cách dùng của thuốc Lantazolin
Thuốc Lantazolin được bào chế dưới dạng viên nang, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp.
3.2. Liều dùng của thuốc Lantazolin
Liều dùng đối với người lớn:
- Điều trị loét dạ dày – tá tràng: uống mỗi ngày 1 viên, dùng trong 4 đến 8 tuần, bạn nên uống thuốc vào thời điểm buổi sáng trước bữa ăn.
- Điều trị phối hợp với thuốc kháng sinh Amoxicillin và Clarithromycin trong điều trị nhiễm Helicobacter pylori đối với những người bị loét tá tràng thể hoạt động như sau:
- Phối hợp 3 thuốc bao gồm 30mg Lansoprazol và 1g Amoxicillin và 500 mg Clarithromycin, dùng 2 lần mỗi ngày, trong thời gian từ 10 đến 14 ngày.
- Phối hợp 2 thuốc bao gồm 30mg Lansoprazol + 1g Amoxicillin, dùng 3 lần mỗi ngày, trong thời gian 14 ngày.
- Điều trị viêm thực quản trào ngược uống mỗi ngày 1 viên, dùng trong thời gian từ 4 đến 8 tuần và có thể dùng thêm 8 tuần nữa nếu chưa khỏi.
- Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
3.3. Trường hợp quá liều và cách xử trí quá liều
- Triệu chứng quá liều thuốc Lantazolin có thể gặp bao gồm hạ thân nhiệt, an thần, co giật, giảm tần số hô hấp.
- Khi gặp trường hợp quá liều, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Phương pháp thẩm tách không loại được thuốc ra ngoài cơ thể.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Lantazolin
Trong quá trình sử dụng thuốc Lantazolin, người sử dụng thuốc có thể gặp một số phản ứng không mong muốn đối với cơ thể, bao gồm:
- Phản ứng quá mẫn: Phát ban và ngứa thỉnh thoảng có thể xuất hiện. Trong trường hợp này, nên ngừng sử dụng thuốc có chứa hoạt chất Lansoprazole.
- Gan: Nguyên nhân là do sự gia tăng chỉ số SGOT, SGPT, Phosphatase-kiềm, LDH hoặc G-GTP xảy ra không thường xuyên, nên theo dõi chặt chẽ. Nếu xuất hiện những bất thường nên ngừng sử dụng thuốc Lantazolin.
- Máu: thiếu máu, giảm số lượng bạch cầu, hoặc tăng số lượng bạch cầu ưa acid có thể xảy ra không thường xuyên, giảm số lượng tiểu cầu hiếm khi xuất hiện.
- Hệ tiêu hóa: Thỉnh thoảng người bệnh có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, khô miệng hoặc chướng bụng.
- Đối với hệ thần kinh: Đau nhức đầu, buồn ngủ có thể xảy ra không thường xuyên hay tình trạng mất ngủ và chóng mặt hiếm khi gặp.
- Những tác dụng không mong muốn khác như sốt hoặc tăng cholesterol toàn phần và acid uric đôi khi xảy ra.
5. Tương tác của thuốc Lantazolin
- Không sử dụng thuốc Lantazolin cùng với các thuốc được chuyển hóa bởi cytochrom P450.
- Thuốc Lantazolin làm giảm tác dụng của thuốc Ketoconazol và các thuốc khác có sự hấp thu cần môi trường acid.
- Sucralfat làm chậm và giảm hấp thu của hoạt chất Lansoprazol.
6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Lantazolin
6.1. Chống chỉ định của thuốc Lantazolin
Những người có cơ địa nhạy cảm hay quá mẫn với hoạt chất chính Lansoprazol hoặc các thành phần khác của thuốc.
6.2. Thận trọng khi dùng thuốc Lantazolin
- Cần giảm liều điều trị đối với người bệnh gan.
- Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc: Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Lantazolin như hoa mắt, chóng mặt, giảm thị lực và ngủ gà có thể xảy ra làm suy giảm khả năng phản ứng. Vậy nên, khi bạn lái xe hay tham gia vận hành các loại máy móc thì bạn nên thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.
- Thời kỳ mang thai: Chưa có thông báo về việc sử dụng thuốc Lantazolin cho người mang thai. Hiện nay vẫn không biết rõ thuốc có đi qua nhau thai vào bào thai không. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng thuốc Lantazolin thời gian lâu dài và với liều cao đã gây ung thư trên cả chuột nhắt và chuột cống đực và cái. Do vậy không nên sử dụng đối với những người đang mang thai.
- Thời kỳ cho con bú: Cả thuốc có chứa hoạt chất Lansoprazol và các chất chuyển hóa đều bài tiết qua sữa ở chuột cống và có thể sẽ bài tiết qua sữa người mẹ. Nguyên nhân là do tác dụng gây ung thư của thuốc trên súc vật đã được chứng minh, nên tránh sử dụng thuốc đối với người đang cho con bú.
Bảo quản thuốc Lantazolin ở những nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp. Bên cạnh đó, cần để thuốc Lantazolin tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi trong gia đình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc Lantazolin khi đã hết hạn sử dụng.
Thuốc Lantazolin có thành phần hoạt chất chính là Lansoprazole với hàm lượng 30mg và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc được bác sĩ chỉ định điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng thuốc. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Lantazolin để điều trị bệnh tại nhà, vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn đến sức khỏe.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.