Công dụng thuốc Kontiam

Với thành phần chính là Cefotiam, thuốc Kontiam có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn Gram (-) và Gram (+). Vậy Kontiam công dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh lý nào. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây!

1. Công dụng của Kontiam

Thuốc Kontiam có thành phần chính là Cefotiam (dưới dạng Cefotiam hydroclorid) 1g và Natri cacbonat khan. Do đó công dụng của thuốc chính là công dụng của Cefotiam. Đây là loại kháng sinh Cephalosporin thế hệ III có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn Gram (-) và Gram (+) như Staphylococcus, Streptococcus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus Influenzae,... Chất kháng sinh này có hoạt tính kháng cầu khuẩn Gram (+) không mạnh nhưng có khả năng ức chế được một số beta-lactamase của vi khuẩn Gram (-) và hoạt tính mạnh với Enterobacter.

Do đó, thuốc Kontiam công dụng được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm trùng huyết
  • Nhiễm trùng vết bỏng hay vết mổ.
  • Viêm tủy xương
  • Viêm cột sống, viêm khớp nhiễm khuẩn.
  • Viêm phế quản, viêm phổi, các bệnh nhân nhiễm khuẩn phổi, viêm Amidan.
  • Viêm tai giữa.
  • Viêm thận, viêm bàng quang, đường niệu, viêm tuyến tiền liệt.
  • Viêm xoang

Mặt khác, chuyên gia khuyến cáo, Kontiam không được phép chỉ định cho những người có tiền sử sốc với cefotiam hoặc dị ứng với kháng sinh nhóm Beta lactam.

2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Kontiam

2.1. Cách dùng

Dưới đây là hướng dẫn sử dụng thuốc Kontiam theo 2 dạng là tiêm tĩnh mạch và tiêm truyền. Người bệnh dù sử dụng thuốc ở dạng nào cũng cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

  • Đối với dạng tiêm tĩnh mạch: Thuốc Kontiam được hòa tan với nước cất pha tiêm, dung dịch natri clorid đẳng trương và dung dịch glucose 5%.
  • Đối với dạng truyền: hòa ta Kontiam liều 0,25 – 2 g vào dung dịch tiêm truyền như: dung dịch glucose, dung dịch điện giải, dung dịch acid amin... Thực hiện tiêm truyền trong vòng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ.

2.2. Liều dùng

Liều dùng của Kontiam được bác sĩ điều chỉnh dựa vào độ tuổi, thể trạng, mục đích điều trị. Dưới đây là liều dùng tham khảo:

  • Người lớn: Tiêm tĩnh mạch 0,5 - 2g/ ngày, chia làm 2 - 4 lần
  • Trẻ em: Tiêm tĩnh mạch 40 – 80 mg/ kg thể trọng/ ngày chia làm 3 - 4 lần.
  • Liều điều trị nhiễm trùng máu ở người lớn có thể lên đến 4 g/ ngày.
  • Liều điều trị nhiễm trùng nặng hoặc kéo dài (như nhiễm trùng máu, viêm màng não) ở trẻ em có thể tăng đến 160 mg/kg/ ngày.
  • Bệnh nhân suy thận: Những bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinine # 16,6 ml/ phút có thể dùng chế độ liều như những bệnh nhân có chức năng thận bình thường.
  • Trường hợp có độ thanh thải creatinine <16,6 ml/ phút, cần phải giảm liều xuống còn 75% so với liều dùng cho bệnh nhân có chức năng thận bình thường với khoảng cách liều là cách mỗi 6 hoặc 8 giờ.

Thuốc Kontiam chưa ghi nhận trường hợp quên liều. Do thuốc được tiêm bởi nhân viên y tế. Trong trường hợp quá liều, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là co giật. Khi đó, người bệnh sẽ được yêu cầu ngưng sử dụng thuốc và tùy vào triệu chứng để có phương pháp xử trí hiệu quả.

3. Tác dụng phụ của Kontiam

Bên cạnh công dụng điều trị bệnh, thuốc Kontiam cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh như:

  • Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng mẫn cảm với thuốc với các biểu hiện như: phát ban, mề đay, ngứa ngáy, sốt...
  • Trường hợp bệnh nhân bị sốc cần được xử trí kịp thời.
  • Ghi nhận trường hợp người bệnh gặp phải hội chứng Steven – Johnson’s hoặc hoại tử biểu bì.
  • Một số ít trường hợp gặp phản ứng huyết học như giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, hoặc tăng tế bào ưa Eozin có thể xảy ra.
  • Các triệu chứng về dạ dày ruột thường gặp hơn như: đau bụng, tiêu chảy, viêm kết mạc ruột
  • Người bệnh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng không mong muốn về hô hấp như: ho, sốt, khó thở...

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ mà bạn có thể gặp khi dùng thuốc Kontiam. Do đó, nếu gặp phải biểu hiện gì bất thường nghi ngờ do thuốc, bạn cũng cần thông báo với bác sĩ để nhận được sự tư vấn kịp thời.

4. Tương tác thuốc

Để sử dụng thuốc an toàn, bác sĩ sẽ không kê đơn Kontiam với kháng sinh họ Cephalosporin hoặc với thuốc lợi tiểu như Furosemide. Bởi các loại thuốc này có thể gây nên tình trạng tương tác thuốc làm giảm hiệu quả của Kontiam hoặc gia tăng các tác dụng phụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Do đó trước khi kê đơn, bạn cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Kontiam

Dưới đây là một số nhóm đối tượng cần lưu ý khi có nhu cầu sử dụng thuốc Kontiam:

  • Chị em đang trong giai đoạn thai kỳ và bà mẹ đang có con bú: Đây là nhóm đối tượng cần thận trọng khi có ý định dùng thuốc. Vì chưa có nghiên cứu đầy đủ và chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
  • Như đã đề cập ở trên, thuốc Kontiam có thể gây nên tác dụng phụ như: đau đầu, chóng mặt... Do đó, người thường xuyên vận hành máy móc và lái xe nên thận trọng khi dùng thuốc.
  • Người dinh dưỡng kém, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch, người già, suy kiệt. Cần theo dõi huyết học ở những bệnh nhân này vì có thể xuất hiện tình trạng máu khó đông do thiếu Vitamin K.

Tóm lại, thuốc Kontiam thuốc nhóm kháng sinh có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn. Tuy nhiên thuốc có thể gây nên những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các chỉ định về liều dùng, cách dùng về thuốc Kontiam của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe