Thuốc Kidopar được bào chế dưới dạng hỗn dịch 100ml, có thành phần chính là Paracetamol và tá dược vừa đủ. Thuốc được dùng chủ yếu cho trẻ em, giúp điều trị các triệu chứng sốt, cảm cúm, cảm lạnh, đau nhẹ đến đau vừa...
1. Thuốc Kidopar có tác dụng gì?
Thuốc Kidopar có thành phần chính là Paracetamol với công dụng giảm đau, hạ sốt. Mỗi 5ml hỗn dịch Kidopar chứa 120mg Paracetamol.
Kidopar thường được chỉ định cho trẻ em để:
- Giảm thân nhiệt cho trẻ khi bị cảm cúm, sốt sau tiêm chủng, do nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, sốt xuất huyết...;
- Giảm đau do mọc răng, hậu phẫu, sau thủ thuật nha khoa, đau xương khớp, đau cơ...
Chống chỉ định sử dụng thuốc Kidopar:
- Người mẫn cảm với các thành phần, tá dược có trong thuốc (đặc biệt là với Paracetamol);
- Bệnh nhân suy gan nặng;
- Bệnh nhân suy thận nặng;
- Người mắc viêm gan virus hay các bệnh liên quan đến rượu.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Kidopar
Cách dùng: Đường uống. Lắc kỹ hỗn dịch thuốc trước khi sử dụng.
Liều dùng:
Liều dùng Kidopar cần được cân nhắc, điều chỉnh theo trọng lượng cơ thể trẻ (trung bình 1 liều đơn là 10-15mg/kg/cân nặng cơ thể) hoặc theo hướng dẫn sau:
- Trẻ từ 3-12 tháng tuổi: Uống 2,5-5ml (tương đương 60-120mg Paracetamol)/lần;
- Trẻ từ 1-6 tuổi: Uống 5-10ml (tương đương 120-240mg Paracetamol)/lần;
- Trẻ từ 6-12 tuổi: Uống 10-20ml (tương đương 240-480mg Paracetamol)/lần.
Lưu ý:
- Trong trường hợp cần thiết, có thể uống tối đa mỗi 4 giờ/ lần. Nhưng không quá 4 lần/ngày. Tổng liều Kidopar tối đa trong ngày là 60mg/kg;
- Chỉ dùng thuốc Kidopar cho trẻ dưới 2 tuổi nếu có chỉ định của bác sĩ. Nếu không có chỉ định cụ thể, không được dùng thuốc Kidopar quá 3 ngày cho trẻ em;
- Khi không tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa thì không được dùng thuốc quá 10 ngày với trường hợp đau, quá 3 ngày với tình trạng sốt kéo dài, không quá 2 ngày với bệnh nhi cảm lạnh.
3. Tác dụng phụ của thuốc Kidopar
Một số tác dụng phụ ít gặp có thể xảy ra khi dùng Kidopar bao gồm: Ban da, buồn nôn, nôn. Đặc biệt nếu dùng Paracetamol kéo dài với liều cao, một số tác dụng trên máu đã được ghi nhận như: loạn tạo máu (giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu). Trẻ có thể bị ngộ độc Paracetamol khi uống 1 liều độc trên 150mg/kg trọng lượng cơ thể hoặc uống liều cao liên tiếp kéo dài trong một thời gian;
Nếu dùng quá liều Paracetamol trẻ em có thể có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, xanh tím da, niêm mạc và móng tay. Khi nhiễm độc Paracetamol nặng, cần điều trị hỗ trợ tích cực như: gây nôn,rửa dạ dày trong vòng 4 giờ sau khi uống.
Cha mẹ nên chú ý liều dùng, các biểu hiện của trẻ và thông báo cho bác sĩ điều trị các tác dụng phụ không mong muốn.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Kidopar
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Kidopar:
- Do thuốc có chứa Paracetamol nên để tránh nguy cơ quá liều, trước khi dùng phải đảm bảo rằng các thuốc khác đang sử dụng không có chứa paracetamol;
- Do nguy cơ gây độc tính cho gan nên không được uống rượu khi đang dùng thuốc;
- Thận trọng khi dùng Paracetamol cho những người mẫn cảm với axit acetylsalicylic và những bệnh nhân bị suy gan, suy thận.
- Paracetamol có thể gây tan huyết ở những bệnh nhân bị thiếu hụt men G6PD - Glucose-6-phosphate dehydrogenase.
5. Tương tác thuốc Kidopar
Một số tương tác thuốc Kidopar liên quan đến thành phần Paracetamol gồm:
- Hoạt chất Metoclopramid có thể làm tăng hấp thu Paracetamol từ đường tiêu hóa.
- Các thuốc làm giảm nhu động ruột (ví dụ như Propanthelin) có thể làm chậm hấp thu Paracetamol;
- Uống dài ngày liều cao Paracetamol có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của thuốc Coumarin và dẫn chất Indandion.
- Dùng đồng thời Paracetamol với các thuốc làm tăng chuyển hóa ở gan (ví dụ như Phenobarbital, Carbamazepin, Phenytoin và Rifampicin) có thể làm tổn hại đến gan, kể cả khi đã dùng Paracetamol ở liều khuyến cáo.
Khi sử dụng thuốc Kidopar để giảm đau hạ sốt cho trẻ, cha mẹ nên làm theo đúng những khuyến nghị của bác sĩ để đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ phát sinh những sự cố ngoài ý muốn.