Thuốc Keikai thuộc thuốc kê đơn, nhóm hướng tâm thần, chứa thành phần chính là Melatonin. Thuốc được dùng trong điều trị chứng mất ngủ ở người bệnh từ 55 tuổi trở lên. Để giúp bạn đọc nắm rõ hơn những thông tin, công dụng của thuốc Keikai hãy tham khảo nội dung bài viết sau.
1. Thuốc Keikai là thuốc gì?
Keikai công dụng trong việc hỗ trợ, giúp ngủ ngon ở người mắc chứng mất ngủ nhờ hiệu quả từ dược chất Melatonin.
- Melatonin là một hormon được sản xuất từ tuyến tùng nhờ các acid amin tryptophan. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng dược chất melatonin làm tăng nồng độ chất acid aminobutyric và serotonin ở trung não và ở vùng dưới đồi, đồng thời cũng gây tăng hoạt tính của pyridoxin-kinaz, enzym liên quan đến quá trình tổng hợp aminobutyric acid, chất dopamin và serotonin. Về sinh lý, có sự tăng tiết chất melatonin ngay sau hoàng hôn, đạt đỉnh vào khoảng 2 - 4 giờ sáng, giảm đi khi về sáng. Thuốc có liên quan đến kiểm soát nhịp ngày đêm, cũng có liên quan đến chu kỳ sáng - tối, tác dụng gây ngủ, tăng khuynh hướng ngủ. Thuốc không gây nghiện, có tác dụng điều hòa giấc ngủ tự nhiên, điều hòa nhịp sinh học, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Sau khi vào cơ thể, thuốc Keikai được hấp thu hoàn toàn từ niêm mạc đường tiêu hóa ở người lớn, có thể giảm 50% ở người già. Khả dụng sinh học của thuốc khoảng 15%. Chuyển hóa thuốc lần đầu lớn (khoảng 85%). Nồng độ thuốc đạt đỉnh xuất hiện sau 3 giờ. Thức ăn làm chậm sự hấp thu và giảm nồng độ đỉnh Cmax của thuốc. Tỉ lệ gắn protein huyết tương khoảng 60%, chủ yếu thuốc gắn với albumin, các acid alpha 1-glycoprotein, các lipoprotein tỷ trọng cao. Melatonin chuyển hóa qua gan. Chất chuyển hóa chính 6-sulphat oxy-melatonin( viết tắt là 6-S-MT) không còn hoạt tính. Thuốc được bài tiết hoàn toàn trong khoảng 12 giờ sau khi uống thuốc.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Keikai
2.1. Chỉ định
Thuốc Keikai được dùng trong đơn trị liệu điều trị ngắn hạn triệu chứng mất ngủ nguyên phát ở người bệnh từ 55 tuổi trở lên.
2.2. Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Keikai khi người bệnh bị dị ứng, quá mẫn với melatonin hoặc với bất kỳ thành phần tá dược nào.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Keikai
Cách dùng: Thuốc Keikai được dùng đường uống, tốt nhất người bệnh nên uống thuốc sau khi ăn tối, trước khi đi ngủ khoảng 1 - 2 giờ.
Liều dùng: Liều thông thường uống ngày 1 viên.
Quá liều: Chưa có trường hợp người bệnh dùng thuốc quá liều nào được báo cáo. Nếu xảy ra quá liều, người bệnh có thể buồn ngủ. Thuốc được thải trừ dần trong vòng 12 giờ sau khi người bệnh uống thuốc. Nếu quá liều thuốc Keikai vẫn chưa có thuốc giải độc.
4. Những tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Keikai
Những tác dụng không mong muốn trong quá trình uống thuốc Keikai bao gồm:
Kích thích thần kinh, đau nhức đầu, mất ngủ, viêm họng, chóng mặt, ngủ gật, đau bụng, khô miệng, táo bón, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng cân...
Người bệnh nếu cảm thấy khó chịu hoặc gặp bất cứ các tác dụng không mong muốn trên đây cần thông báo cho bác sĩ khi sử dụng thuốc.
5. Tương tác thuốc Keikai
Giống như các thuốc khác, thuốc Keikai sẽ có tương tác cùng một số thuốc, cụ thể như sau:
- Thuốc cảm ứng CYP3A ở nồng độ cao hơn nồng độ thuốc trị liệu. Hiện nay chưa rõ mối liên quan lâm sàng của phát hiện này. Thuốc không cảm ứng enzym CYP1A.
- Thuốc chuyển hóa chủ yếu qua trung gian các enzym CYP1A. Vì vậy, có thể có tương tác giữa thuốc và các thuốc khác cũng có tác động trên enzyme CYP1A.
- Nên tránh phối hợp thuốc với fluvoxamine, vì thuốc fluvoxamine có thể làm tăng nồng độ thuốc Keikai do ức chế chuyển hóa dược chất melatonin bởi các enzym có ở gan như P450, CYP1A2.
- Thận trọng khi phối hợp thuốc với 5- hoặc 8-methoxypsoralen, oestrogen, cimetidin do có thể gia tăng nồng độ melatonin.
- Khói thuốc lá có thể làm giảm nồng độ thuốc do cảm ứng CYP1A2.
- Chất ức chế CYP1A2 như những kháng sinh quinolon có thể làm tăng nồng độ dược chất melatonin.
- Chất cảm ứng CYP1A2 như carbamazepin và kháng sinh rifampicin có thể làm giảm nồng độ chất melatonin.
- Không sử dụng đồng thời rượu cùng với melatonin, vì làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị.
- Thuốc có thể làm tăng tác dụng an thần của những benzodiazepin và không benzodiazepin như thuốc zaleplon,zopiclone, zolpidem.
6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Keikai
Những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Keikai như sau:
- Không có dữ liệu liên quan đến sử dụng thuốc ở người bệnh mắc bệnh tự miễn. Vì vậy, không khuyến cáo sử dụng thuốc cho những người bệnh mắc bệnh lý tự miễn.
- Người bệnh có vấn đề di truyền hiếm gặp về bất dung nạp galactose, người thiếu hụt men LAPP lactase hay kém hấp thu glucose-galactose không sử dụng thuốc này.
- Không sử dụng thuốc Keikai cho trẻ dưới 18 tuổi.
- Người mắc suy thận, suy gan: chưa có nghiên cứu sử dụng melatonin ở người bệnh suy thận, suy gan do đó nên thận trọng hoặc không khuyến cáo dùng thuốc ở những người bệnh này.
- Do thiếu dữ liệu lâm sàng, không khuyến khích sử dụng thuốc Keikai ở phụ nữ mang thai hoặc người đang dự định mang thai.
- Đã tìm thấy chất melatonin nội sinh có trong sữa mẹ, vì thế có thể dược chất melatonin ngoại sinh cũng được tiết vào sữa mẹ. Không khuyến khích sử dụng thuốc Keikai cho phụ nữ đang cho con bú.
- Thuốc Keikai thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần có ảnh hưởng đến khả năng lái xe và khả năng vận hành máy móc do thuốc có thể gây buồn ngủ. Cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc khi dùng thuốc Keikai.
Trên đây là bài viết thông tin về thuốc Keikai. Thuốc nhóm kê đơn, người bệnh sử thuốc hướng thần Keikai khi có sự chỉ định từ bác sĩ, không tự ý dùng thuốc. Thuốc sử dụng ngắn ngày trong chứng mất ngủ ở người lớn. Nếu bạn còn bất cứ câu hỏi thắc mắc nào về thuốc Keikai, hãy nhờ tới sự giúp đỡ của nhân viên y tế, bác sĩ, dược sĩ.