Tiêu chảy cấp hay lỵ amip đường ruột là những bệnh lý rất hay gặp. Để điều trị những tình trạng trên bệnh nhân có thể sử dụng thuốc Kasiod với thành phần là Diiodohydroxyquinoline. Vậy Kasiod là thuốc gì và sử dụng như thế nào?
1. Kasiod là thuốc gì?
Thuốc Kasiod là một sản phẩm của công ty Cổ phần Dược phẩm Khánh Hòa, được sử dụng trong điều trị tình trạng tiêu chảy cấp tính hoặc lỵ amip đường ruột. Hoạt chất chính trong thuốc Kasiod Diiodohydroxyquinolin hàm lượng 210mg. Ngoài ra, trong mỗi viên thuốc Kasiod còn có các tá dược khác vừa đủ, bao gồm Croscarmellose, Microcrystalline cellulose, Povidone, Magnesium stearat, Aerosil...
2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Kasiod
Thuốc Kasiod được chỉ định trong điều trị:
- Bệnh lỵ amip đường ruột;
- Tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn và không có hiện tượng lan tràn.
Thuốc Kasiod không được sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định):
- Người có cơ địa dị ứng hay quá mẫn cảm với hoạt chất Diiodohydroxyquinoline hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc;
- Bệnh nhân được xác định có cường chức năng tuyến giáp;
- Viêm da đầu chi do bệnh ruột (hay còn được biết đến với tên khác là viêm da đầu chi do kém hấp thu kẽm);
- Phụ nữ có thai;
- Trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Kasiod
3.1. Cách dùng
Thuốc Kasiod sản xuất và bào chế ở dạng viên nén sử dụng theo đường uống. Sản phẩm này nên được dùng sau bữa ăn. Khi uống Kasiod, người bệnh cần nuốt trọn viên thuốc cùng với lượng nước đun sôi để nguội vừa đủ, tuyệt đối không được nhai hay cắn nát.
3.2. Liều dùng
Liều lượng sử dụng của thuốc Kasiod cụ thể như sau:
- Liều điều trị tiêu chảy cấp tính: Người trưởng thành uống 2-3 viên thuốc Kasiod mỗi lần, 2-3 lần mỗi ngày. Trẻ em trên 30 tháng tuổi sử dụng Kasiod theo liều 5-10mg/kg thể trọng trong 24 giờ, chia đều làm 3-4 lần uống. Đợt điều trị tiêu chảy cấp bằng thuốc Kasiod kéo dài tối đa 7 ngày;
- Liều Kasiod điều trị tình trạng lỵ amip đường ruột: Người lớn sử dụng 2-3 viên thuốc Kasiod mỗi lần, 2-3 lần/ngày. Trẻ em trên 30 tháng dùng liều 5-10mg/kg thể trọng trong 24 giờ, chia đều làm 3-4 lần uống. Đợt điều trị lỵ amip bằng thuốc Kasiod kéo dài tối đa 20 ngày.
3.3. Quá liều thuốc Kasiod và cách xử trí
- Các triệu chứng khi sử dụng quá liều thuốc Kasiod khá tương tự với các biểu hiện của các tác dụng phụ. Nghiêm trọng hơn một số bệnh nhân có thể mắc phải tình trạng nhiễm độc gan, thận;
- Do đó, bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc Kasiod cần được theo dõi kĩ các triệu chứng trên da, mặt, huyết áp và cần thận trọng vì tình trạng nguy hiểm có thể diễn biến rất nhanh;
- Bệnh nhân dùng quá liều Kasiod cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được theo dõi và có hướng xử trí kịp thời.
Người bệnh tốt nhất hạn chế quên liều sản phẩm này. Nếu quên liều, bệnh nhân hãy bỏ qua liều thuốc Kasiod đã quên, không nên uống khi gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo và đồng thời không nên bỏ liều quá 2 lần liên tiếp.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Kasiod
- Trong quá trình sử dụng thuốc Kasiod, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, đồng thời phải có kế hoạch bù nước và các chất điện giải khi cần thiết;
- Người bệnh đang điều trị bằng thuốc Kasiod cần thông báo cho bác sĩ khi thực hiện xét nghiệm chức năng tuyến giáp do thành phần thuốc có Iod nên có thể làm kết quả thay đổi;
- Những trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng và có các biểu hiện lan tràn cần phối hợp thuốc Kasiod với các kháng sinh có khả năng khuếch tán tốt;
- Thời gian điều trị bằng thuốc Kasiod không được quá 28 ngày;
- Bệnh nhân cần thận trọng về việc dùng thuốc Kasiod trong khi lái xe hoặc vận hành máy móc phức tạp do có nguy cơ xảy ra tình trạng mờ mắt hoặc rối loạn thị giác;
- Trong quá trình điều trị bằng thuốc Kasiod, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định bác sĩ, không được tự ý tăng hay giảm liều lượng khi chưa có sự đồng ý. Đồng thời người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi quyết định ngừng sử dụng thuốc Kasiod;
- Bệnh nhân đang mang thai chống chỉ định sử dụng thuốc Kasiod;
- Bệnh nhân trong thời kỳ cho con bú cần thận trọng khi dùng Kasiod vì chưa xác định được rõ lượng thuốc đi vào sữa mẹ. Để đảm bảo an toàn tốt nhất đối tượng này không nên sử dụng thuốc Kasiod.
Một số lưu ý khác của thuốc Kasiod:
- Bệnh nhân tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm Kasiod hết hạn sử dụng hoặc xuất hiện các biểu hiện lạ như mốc, đổi màu hay chảy nước;
- Bảo quản thuốc Kasiod cần tránh những nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào hoặc nơi có độ ẩm cao;
- Không để thuốc Kasiod gần nơi trẻ em chơi đùa để tránh trường hợp trẻ em nghịch và vô tình uống phải.
5. Tác dụng phụ của Kasiod
Quá trình sử dụng thuốc Kasiod có thể xảy ra một số tác dụng phụ như sau:
- Rối loạn tiêu hóa: Nôn nao, buồn nôn, nôn ói hoặc đau dạ dày;
- Rối loạn chức năng tuyến giáp, bướu cổ hoặc cường giáp do tăng nồng độ iod;
- Phát ban ngoài da dạng mụn.
Những trường hợp gặp phải các triệu chứng bất thường như nổi mẩn ngứa, phát ban hay bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ liên quan đến thuốc Kasiod cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ tư vấn.
6. Tương tác thuốc của Kasiod
Không phối hợp thuốc Kasiod với các sản phẩm khác có chứa hydroxyquinoline.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.