Thuốc Gelabee được sản xuất và đăng ký bởi Công TNHH Phil Inter Pharma, thuộc nhóm khoáng chất và vitamin. Cùng tìm hiểu thành phần, công dụng và cách sử dụng thuốc Gelabee qua bài viết dưới đây.
1. Galabee là thuốc gì?
Thuốc Galabee có thành phần chính là:
- Thiamin nitrat (vitamin B1) hàm lượng 100mg;
- Pyridoxin HCl (vitamin B6) hàm lượng 200mg;
- Cyanocobalamin (vitamin B12) hàm lượng 200mcg.
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang mềm, đóng gói hộp 5 vỉ và 10 vỉ, 1 vỉ 10 viên.
2. Dược lực học và dược động học của Galabee
Dược lực học:
- Thuốc Galabee chứa B1, B6, B12 đều thuộc vitamin nhóm B, tan trong nước, đóng vai trò như một coenzym trong quá trình chuyển hóa trung gian của hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.
- Giống như bản chất của các loại vitamin khác, chúng là những dưỡng chất cần thiết mà bản thân cơ thể không tự tổng hợp được. Sử dụng từng loại vitamin đơn độc không có hiệu quả bằng việc kết hợp sử dụng giữa các loại vitamin B, giúp làm tăng các quá trình phục hồi tổn thương các sợi thần kinh dẫn đến tăng cường sự phục hồi chức năng và cứng cáp cơ.
Dược động học:
- Thiamin nitrat: Sự vận chuyển tích cực phụ thuộc Na+ quyết định đến sự hấp thu của Thiamin trong vấn đề ăn uống hàng ngày qua đường tiêu hóa, tuy nhiên khi nồng độ của Thiamin đạt mức cao trong đường tiêu hóa thì sự khuếch tán thụ động cũng đóng vai trò quan trọng. Khi sử dụng bằng đường tiêm bắp, Thiamin được hấp thu nhanh, phân bố ở sữa và đa số các mô. Mỗi ngày, Thiamin bị giáng hóa hoàn toàn khoảng 1mg trong các mô, đây cũng chính là lượng tối thiểu mà cơ thể cần hàng ngày. Thiamin sẽ được thải trừ qua nước tiểu.
- Pyridoxin HCl: Pyridoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, phần lớn thuốc được dự trữ phần lớn ở gan và phân bố một phần ở não, cơ. Pyridoxin được thải trừ dưới dạng chuyển hóa chủ yếu qua thận, nếu lượng đưa vào quá với nhu cầu của cơ thể, sẽ được đào thải dưới dạng không biến đổi.
- Cyanocobalamin: Vitamin B12 được hấp thu vào cơ thể qua đường ruột, chủ yếu ở hồi tràng theo 2 cơ chế:
- Cơ chế tích cực, hấp thu được những liều sinh lý, cần sự giúp đỡ của yếu tố nội tại là glycoprotein được tiết ra bởi thế bào thành niêm mạc dạ dày;
- Cơ chế thụ động khi sử dụng thuốc một lượng nhiều. Mức độ hấp thu không phụ thuộc vào liều và khoảng 1%, do đó một ngày chỉ cần sử dụng mức 1mg có thể thỏa mãn được nhu cầu của cơ thể và có thể điều trị được tất cả các dạng thiếu vitamin B12.
3. Công dụng của thuốc Galabee
Chỉ định của thuốc Galabee:
- Galabee được chỉ định điều trị cho các trường hợp có rối loạn thần kinh ngoại vi: Đau dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh, hội chứng vai – cánh tay, đau thần kinh tọa, đau lưng – thắt lưng, đau dây thần kinh sinh ba, đau thần kinh liên sườn, tê các đầu chi;
- Điều trị các bệnh lý thần kinh do các nguyên nhân như đái tháo đường, nghiện rượu, thuốc;
- Galabee hỗ trợ điều trị đau khớp;
- Ngoài ra còn được chỉ định điều trị các rối loạn do thiếu hụt một trong 3 loại vitamin B1, B6, B12 như: Bệnh viêm dây thần kinh ngoại vi, Beriberi, chứng co giật ở trẻ em do thiếu vitamin B6, thiếu máu nguyên bào sắt.
Chống chỉ định của thuốc Galabee:
- Thuốc Galabee không được chỉ định cho các trường hợp có tiền sử quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc bao gồm các hoạt chất chính và cả tá dược;
- Các trường hợp đang nghi ngờ có u ác tính hoặc đang có u ác tính không chỉ định sử dụng Galabee;
- Không dùng Galabee cho trẻ em dưới 18 tuổi.
4. Liều dùng và cách dùng của thuốc Galabee
- Liều dùng cơ bản đối với thuốc Galabee là: 1 viên/ ngày. Đối với các trường hợp đặc biệt thì liều dùng có thể tăng lên 1 viên x 3 lần trong 1 ngày. Tùy vào từng đối tượng cụ thể, các đối tượng cần theo liều chỉ định của bác sĩ kê đơn;
- Trên đối tượng phụ nữ có thai nên sử dụng liều 1 ngày 1 viên;
- Liều dùng tối đa của thuốc Galabee là 4 tuần. Tùy vào từng trường hợp, cá thể riêng biệt mà bác sĩ điều trị sẽ quyết định thời gian sử dụng thuốc hợp lý, sau khoảng thời gian điều trị, phụ thuộc vào mức độ thuyên giảm của bệnh lý, mỗi người bệnh sẽ được hướng dẫn cách giảm liều phù hợp.
5. Tương tác thuốc
Levodopa sẽ bị giảm tác dụng khi sử dụng chung với liều cao GBL (Gamma Butyrolactone).
6. Tác dụng không mong muốn
- Thiamin: Các tác dụng phụ thường rất hiếm gặp (sốc quá mẫn, ra nhiều mồ hôi, khó thở, tăng huyết áp cấp, mày đay, ngứa), thường gặp theo kiểu dị ứng;
- Pyridoxi: Với việc sử dụng liều 200mg trong một ngày quá dài ngày (> 2 tháng) có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại vi mức độ nặng, tiến triển từ tê cóng bàn chân, dáng đi không vững đến vụng về và tê cóng bàn tay. Các tình trạng này sẽ được phục hồi khi người bệnh ngưng sử dụng thuốc, tuy nhiên vẫn để lại ít nhiều di chứng;
- Cyanocobalamin: Thường vitamin B12 khi sử dụng rất an toàn cho cơ thể, tuy nhiên khi sử dụng vitamin B12 ở liều cao, như khi dùng để điều trị thiếu hụt có thể có các tác dụng không mong muốn như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Galabee. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.