Thuốc Flamodip được dùng theo đơn của bác sĩ nhằm điều trị hiệu quả cho các tình trạng như tăng huyết áp, đau thắt ngực hoặc thiếu máu cơ tim. Trong quá trình điều trị bằng Flamodip, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để sớm khắc phục bệnh.
1. Thuốc Flamodip là thuốc gì?
Flamodip thuộc nhóm thuốc tim mạch, được dùng chủ yếu trong các trường hợp tăng huyết áp hoặc thiếu máu cơ tim kèm theo cơn đau thắt ngực ổn định. Thuốc Flamodip có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ và hiện được lưu hành rộng rãi tại Việt Nam.
Thuốc Flamodip được bào chế dưới dạng viên nén, mỗi hộp bao gồm 10 vỉ x 10 viên. Thành phần chính trong mỗi viên nén Flamodip là Amlodipine hàm lượng 5mg. Ngoài ra, nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số tá dược phụ trợ khác nhằm làm tăng đặc tính dược động học và dược lực học của hoạt chất chính.
Hiện nay, thuốc Flamodip chỉ được dùng khi có đơn của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân cần tránh tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của người phụ trách y khoa.
2. Thuốc Flamodip có tác dụng gì?
2.1. Công dụng của hoạt chất Amlodipine
Amlodipine trong thuốc Flamodip đóng vai trò là một chất đối kháng canxi thuộc nhóm Dihydropyridin. Hoạt chất này có khả năng ức chế dòng canxi vượt qua màng đi vào tế bào cơ tim cũng như cơ trơn của thành mạch máu thông qua tác dụng ngăn chặn những kênh canxi chậm của màng tế bào. Điều này cũng giúp làm giảm trương lực cơ trơn của các mạch máu, từ đó hỗ trợ làm giảm sức kháng ngoại biên kèm theo hiện tượng hạ huyết áp.
Theo nghiên cứu cho biết, hoạt chất Amlodipine có tác dụng chống co thắt ngực hiệu quả nhờ cơ chế làm giãn các tiểu động mạch ngoại biên, đồng thời làm giảm hậu tải tim. Mặt khác, Amlodipine cũng không gây ra phản xạ nhịp tim nhanh, nhờ đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng và oxygen của cơ tim. Ngoài ra, tác dụng giãn mạch vành (bao gồm tiểu động mạch và các động mạch) ở vùng thiếu máu và vùng bình thường của hoạt chất Amlodipine cũng giúp làm tăng lượng oxygen cung cấp cho cơ tim.
2.2. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Flamodip
Thuốc Flamodip được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị cho một số tình trạng sức khoẻ dưới đây:
- Đơn trị liệu cho tình trạng cao huyết áp. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp Flamodip với thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu Thiazid hoặc thuốc ức chế men chuyển để tăng thêm hiệu quả điều trị.
- Điều trị cơn đau thắt ngực ổn định, nhồi máu cơ tim hoặc cơn đau thắt ngực vận mạch. Cân nhắc đơn trị liệu bằng Flamodip hoặc phối hợp cùng thuốc chống đau thắt ngực khác để tăng thêm hiệu quả điều trị. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn Flamodip cho các trường hợp bệnh nhân kháng thuốc chẹn beta hoặc nitrat.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ bệnh nhân bị tăng huyết áp, đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim nào cũng có thể điều trị bằng Flamodip. Dưới đây là một số trường hợp bệnh nhân chống chỉ định dùng thuốc Flamodip theo khuyến cáo của bác sĩ:
- Người bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với hoạt chất Amlodipine hay bất kỳ tá dược phụ trợ nào có trong công thức thuốc.
- Người bệnh mẫn cảm quá mức với các dẫn xuất Dihydropyridin.
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Flamodip cho bệnh nhi do chưa có nghiên cứu đầy đủ về mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc dành cho đối tượng này.
- Chống chỉ định tương đối thuốc Flamodip cho thai phụ hoặc người mẹ đang nuôi con bú.
3. Hướng dẫn cụ thể về cách dùng và liều lượng thuốc Flamodip
Thuốc Flamodip được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc kèm với một ly nước đầy (khoảng 250ml), tránh uống cùng các loại nước khác như nước có gas, nước ngọt, cà phê hoặc rượu.
Nhìn chung, thời gian sử dụng thuốc Flamodip sẽ dựa trên đánh giá của bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thông thường, thuốc Flamodip sẽ được dùng với liều lượng khuyến cáo chung dưới đây:
- Người lớn: Uống 5mg/ lần/ ngày (tương đương 1 viên), có thể cân nhắc tăng liều lên 10mg/ ngày nếu bệnh nhân không đáp ứng thuốc sau khoảng 2 tuần điều trị.
- Người cao tuổi và bệnh nhân xơ gan: Cần điều chỉnh liều dùng thuốc Flamodip theo chỉ định của bác sĩ.
Trước khi điều trị bằng Flamodip, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng được ghi trong tờ đơn kèm theo sản phẩm hoặc tuân thủ mọi lời khuyên của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý áp dụng, tăng/ giảm liều hay kéo dài thời gian dùng thuốc khi chưa trao đổi với bác sĩ.
4. Thuốc Flamodip gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?
Bên cạnh những tác dụng điều trị tăng huyết áp, đau tức ngực và nhồi máu cơ tim, thuốc Flamodip đôi khi có thể gây ra một số phản ứng bất lợi cho bệnh nhân trong quá trình sử dụng, bao gồm:
- Phù kèm đỏ bừng do hiện tượng giãn mạch, thường ở mức nhẹ cho đến trung bình.
- Tiểu lắt nhắt.
- Chuột rút.
- Tiểu đêm.
- Cảm giác bất lực.
- Ho.
- Suyễn.
- Lo lắng.
- Chảy máu cam.
- Viêm kết mạc.
Đa phần các tác dụng phụ ngoài ý muốn do thuốc Flamodip gây ra đều nhẹ và có thể biến mất sau khi bệnh nhân dừng uống thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, các triệu chứng hiếm gặp có thể tiến triển nghiêm trọng hơn nếu người bệnh phát hiện và điều trị chậm trễ. Tốt nhất, nếu xuất hiện bất kỳ phản ứng lạ trên cơ thể sau khi sử dụng thuốc Flamodip, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng giải quyết.
5. Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Flamodip?
Nhằm đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý một số khuyến cáo chung dưới đây trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Flamodip:
- Chỉ nên dùng Flamodip trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú khi mặt lợi ích mà thuốc mang lợi lớn hơn hẳn so với nguy cơ gây hại.
- Thời gian thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là giống nhau ở người trẻ và người cao tuổi. Đối với bệnh nhân cao tuổi, độ thanh thải của hoạt chất Amlodipine có xu hướng giảm kèm theo hiện tượng tăng thời gian bán thải và AUC.
- Liều Amlodipine cho cả bệnh nhân trẻ tuổi và cao tuổi là như nhau khi khả năng dung nạp thuốc giống nhau. Có thể sử dụng cùng liều lượng thuốc Flamodip cho người cao tuổi và người bị suy tim.
- Những trường hợp bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thường có thời gian bán huỷ thuốc kéo dài. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng Flamodip cho đối tượng này.
- Có thể dùng liều bình thường cho bệnh nhân bị suy thận bởi hoạt chất Amlodipine được chuyển hóa chủ yếu tại gan thành các chất chuyển hoá bất hoạt, chỉ có khoảng 10% thuốc ở dạng chưa chuyển hoá được thải trừ ra bên ngoài qua đường nước tiểu.
- Amlodipine không thẩm phân được, vì vậy không áp dụng phương pháp này nếu bệnh nhân dùng quá liều thuốc.
- Nếu trót bỏ lỡ liều thuốc Flamodip, bệnh nhân cần uống bù liều sớm nhất có thể (khoảng 1 - 2 tiếng kể từ khi quên liều). Tránh uống quá sát thời gian dùng liều thuốc tiếp theo hoặc uống gấp đôi liều cùng một lúc.
- Kiểm tra kỹ chất lượng và hạn sử dụng của thuốc Flamodip trước khi dùng. Ngưng điều trị ngay nếu thuốc đã quá hạn hoặc có dấu hiệu nấm mốc, biến dạng hay thay đổi màu sắc.
- Bảo quản thuốc Flamodip tại nơi khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp hoặc nơi có độ ẩm quá cao (ví dụ phòng tắm).
6. Thuốc Flamodip tương tác với những loại thuốc nào?
Dưới đây là danh sách các loại thuốc có nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác khi dùng phối hợp cùng lúc với Flamodip:
- Các loại thuốc gây mê có thể làm tăng tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc Flamodip và giúp làm giảm huyết áp mạnh hơn.
- Dùng Flamodip cùng với thuốc Lithium có thể gây độc thần kinh, ỉa chảy, buồn nôn và nôn ói.
- Các loại thuốc chống viêm không Steroid (điển hình là Indomethacin) khi dùng chung với Flamodip có thể làm giảm khả năng chống tăng huyết áp của Amlodipine do quá trình tổng hợp prostaglandin, giữ dịch và natri bị ức chế đáng kể.
- Thận trọng khi dùng chung thuốc Flamodip với các thuốc có tính liên kết cao với protein, chẳng hạn như Hydantoin hoặc Coumarin.