Thuốc Fezidat với thành phần chính là sắt và acid folic, thuốc được dùng trong phòng ngừa thiếu sắt và acid folic cho phụ nữ mang thai. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về thuốc Fezidat.
1. Thuốc Fezidat công dụng là gì?
Thuốc Fezidat là thuốc chống thiếu máu. Fezidat có thành phần chính là sắt với hàm lượng 305mg và acid folic hàm lượng 350mcg, được bào chế dưới dạng viên nang cứng. Thành phần tá dược của thuốc Fezidat bao gồm: Natri starch glycolat, pregelatinzed, magnesi stearat, colloidal silicon dioxyd.
Viên nang Fezidat chứa sắt fumarat, dạng có hàm lượng sắt cao (33%). Mỗi viên cung cấp cho cơ thể khoảng 100mg sắt nguyên tố, là yếu tố quan trọng tham gia vào cấu tạo của các enzym cần thiết cho chuyển giao năng lượng (cytochrom oxydase, xanthin oxydase,...). Các chế phẩm chứa sắt có thể dùng để điều trị các bất thường về tạo hồng cầu do thiếu sắt.
Acid folic là một vitamin nhóm B. Acid folic cần thiết để tổng hợp nucleoprotein và duy trì tạo hồng cầu bình thường. Trong cơ thể, Acid folic bị khử thành tetrahydrofolat hoạt động như một coenzym trong nhiều quá trình chuyển hóa. Thiếu hụt acid folic tác động xấu đến tổng hợp DNA, dẫn đến hình thành nguyên hồng cầu khổng lồ, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và hồng cầu to.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Fezidat
- Chỉ định dùng thuốc Fezidat: Thuốc Fezidat được dùng trong phòng ngừa thiếu sắt và acid folic trong thai kỳ.
- Chống chỉ định dùng thuốc Fezidat:
- Quá mẫn với sắt, acid folic hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc Ferrovit.
- Không chỉ định thuốc Fezidat trong phòng ngừa hoặc điều trị thiếu máu ở nam giới, phụ nữ không mang thai hoặc trẻ em.
- Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12.
- Thiếu máu không do thiếu sắt.
- Cơ thể thừa sắt: Nhiễm hemosiderin, bệnh mô nhiễm sắt, bệnh lý hemoglobin.
- Người có bệnh viêm đường ruột như viêm loét đại tràng, bệnh túi thừa,...
- Sử dụng đồng thời với các thuốc tiêm chứa sắt.
- Bệnh nhân loét dạ dày.
- Sử dụng ở những bệnh nhân được yêu cầu truyền máu nhắc lại.
3. Cách dùng thuốc Fezidat
3.1. Cách dùng và liều dùng thuốc Fezidat
Sử dụng thuốc Fezidat đường uống, 1 viên/ ngày trong suốt thai kỳ.
3.2. Quá liều thuốc Fezidat và xử trí
Quá liều sắt là trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Lượng dùng sắt nguyên tố 75mg/ kg được xem là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Triệu chứng quá liều sắt: Các triệu chứng ban đầu bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nôn ra máu, chảy máu trực tràng, lơ mơ và suy tuần hoàn. Tăng đường huyết và toan chuyển hóa có thể xảy ra. Trong trường hợp nặng, sau một giai đoạn tiềm tàng, các triệu chứng xuất hiện trở lại sau 24 - 48 giờ với các biểu hiện hạ huyết áp, hôn mê, hạ thân nhiệt, hoại tử tế bào gan, suy thận, phù phổi, tắc nghẽn mạch máu lan tỏa, rối loạn đông máu và co giật. Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể rất khó hồi phục hoàn toàn do những ảnh hưởng lâu dài như hoại tử gan, viêm não nhiễm độc, tổn thương hệ thần kinh trung ương, hẹp môn vị.
Xử trí: Thực hiện xử trí quá liều sắt theo các bước sau để giảm thiểu sự hấp thu của thuốc.
- Trẻ em:
- Dùng thuốc gây nôn như siro ipecac.
- Rửa dạ dày với dung dịch desferrioxamine (2g/ l). Sau đó, tiếp tục đưa vào dạ dày dung dịch desferrioxamine (5g trong 50 - 100ml nước). Biện pháp gây tiêu chảy có thể nguy hiểm cho trẻ em và không nên áp dụng cho trẻ nhỏ. Theo dõi bệnh nhân liên tục để hỗ trợ khi bệnh nhân bị nôn, duy trì thiết bị hút và bình oxy nếu cần.
- Trường hợp ngộ độc nặng: Khi có shock hoặc hôn mê với nồng độ sắt trong huyết thanh cao (> 90micromol/ l), cần tiến hành ngay các biện pháp hỗ trợ và truyền tĩnh mạch desferrioxamin. Desferrioxamine được truyền tĩnh mạch chậm với liều 15mg/ kg/ giờ, liều tối đa 80mg/ kg/ 24 giờ. Cần lưu ý rằng tốc độ truyền quá nhanh có thể gây hạ huyết áp.
- Trường hợp ngộ độc nhẹ hơn có thể tiêm bắp desferrioxamine 1g mỗi 4 - 6 giờ.
- Kiểm soát nồng độ sắt trong huyết thanh.
- Người lớn: Xử trí quá liều sắt cho phụ nữ mang thai giống như người không mang thai, kể cả việc dùng desferrioxamine nếu được chỉ định.
- Dùng thuốc gây nôn.
- Rửa dạ dày với dung dịch desferrioxamine (2g/ l). Sau đó, tiếp tục đưa vào dạ dày dung dịch desferrioxamine (5g trong 50 - 100ml nước). Biện pháp gây tiêu chảy có thể nguy hiểm cho trẻ em và không nên áp dụng cho trẻ nhỏ. Theo dõi bệnh nhân liên tục để hỗ trợ khi bệnh nhân bị nôn, duy trì thiết bị hút và bình oxy nếu cần.
- Uống mannitol hoặc sorbitol để làm rỗng ruột nếu cần.
- Trường hợp ngộ độc nặng: Khi có shock hoặc hôn mê với nồng độ sắt trong huyết thanh cao (> 142micromol/ l), cần tiến hành ngay các biện pháp hỗ trợ và truyền tĩnh mạch desferrioxamin. Desferrioxamine được truyền tĩnh mạch chậm với liều 15mg/ kg/ giờ, liều tối đa 80mg/ kg/ 24 giờ. Cần lưu ý rằng tốc độ truyền quá nhanh có thể gây hạ huyết áp.
- Trường hợp ngộ độc nhẹ hơn có thể tiêm bắp desferrioxamine liều 50mg/ kg, liều tối đa 4g.
- Kiểm soát nồng độ sắt trong huyết thanh.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Fezidat
- Thuốc Fezidat chỉ sử dụng trong phòng ngừa thiếu sắt và acid folic cho phụ nữ mang thai, liều của acid folic trong chế phẩm không phù hợp cho điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Nếu sử dụng Fezidat để dự phòng mà bệnh nhân vẫn bị thiếu máu, bệnh nhân cần được thăm khám thêm và có biện pháp điều trị phù hợp.
- Các chế phẩm chứa sắt cần được sử dụng thận trọng ở người bệnh Porphyria.
- Thuốc Fezidat có chứa sắt do đó làm phân có màu đen, có thể gây ảnh hưởng đến các xét nghiệm phát hiện máu trong phân.
- Để thuốc Fezidat xa tầm tay trẻ em, vì dùng quá liều thuốc ở trẻ em có thể gây tử vong.
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Fezidat không ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Thuốc Fezidat có thể sử dụng ở các đối tượng này.
5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Fezidat
- Các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Fezidat bao gồm: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đi cầu phân đen và các rối loạn đường tiêu hóa khác. Các tác dụng phụ có thể được giảm thiểu bằng việc uống thuốc trong hoặc sau khi ăn, hoặc bắt đầu với liều thấp hoặc tăng dần.
- Nhiễm hemosiderin có thể xảy ra do điều trị quá mức hoặc nhầm lẫn.
- Hiếm gặp: Acid folic có thể gây ra phản ứng dị ứng và rối loạn tiêu hóa.
6. Tương tác thuốc
- Sắt có thể tạo phức chelat với tetracyclin làm giảm hấp thu của cả hai loại thuốc, nên dùng cách nhau khoảng 2 - 3 giờ. Sắt cũng tạo phức chelat với acid acetohydroxamic làm giảm hấp thu của cả hai thuốc.
- Sự hấp thu sắt có thể giảm khi dùng cùng các thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton, neomycin, cholestyramin và các thực phẩm như trà, cà phê, ngũ cốc nguyên hạt, trứng và sữa. Các bicarbonat, carbonat, oxalat, phosphat có thể làm giảm hấp thu sắt do tạo thành phức hợp không tan.
- Acid ascorbic hoặc acid citric có thể làm tăng hấp thu sắt.
- Hấp thu sắt có thể giảm khi dùng cùng calci, các muối magnesi dùng đường uống và các chế phẩm bổ sung khoáng chất khác, kẽm, trientine. Nếu phải điều trị đồng thời với sắt và trientine, cần dùng các thuốc này cách nhau một khoảng thời gian thích hợp.
- Đáp ứng với sắt có thể bị chậm ở bệnh nhân dùng chloramphenicol toàn thân.
- Chloramphenicol làm chậm sự thanh thải sắt trong huyết tương và làm chậm sự kết hợp của sắt vào tế bào hồng cầu.
- Methyldopa: Sắt làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc.
- Tránh dùng đồng thời sắt và dimercaprol do có thể tạo thành phức hợp có độc tính.
- Sắt làm giảm hấp thu của fluoroquinolon, levodopa, carbidopa, entacapon, biphosphat, penicilamin, các hormon tuyến giáp như levothyroxin (dùng cách nhau ít nhất 2 giờ), mycophenolat, cefdinir và kẽm. Sắt có thể làm giảm hấp thu của eltrombopag (dùng cách nhau ít nhất 4 giờ).
- Các folat có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của các thuốc chống co giật, như Acid folic có thể làm giảm nồng độ của phenorbarbital, phenytoin và primidon.
- Tránh dùng đồng thời Acid folic và raltitrexed.
- Sulfasalazin có thể làm giảm hấp thu của Acid folic.