Thuốc Esomera 20mg Tablet được biết đến là thuốc đường tiêu hóa chứa thành phần Esomeprazol (dưới dạng esomeprazol magnesi dihydrat). Thuốc Esomera được đóng gói dưới dạng viên nén bao phim tan trong ruột sau khi uống. Thuốc Esomera 20mg Tablet thường được chỉ định cho bệnh trào ngược dạ dày-thực quản.
1. Thuốc Esomera 20mg là thuốc gì?
Esomera 20mg Tablet bao gồm thành phần chính là Esomeprazol có hàm lượng 20mg và các tá dược như D-Mannitol, microcrystanllin cellulose, crospovidon, povidon, magnesioxid, ligh anhydrous silicic acid, magnesi stearat, opadry white (21K58794), acryleze white 993O18509), ferric oxide red, allura red AC trong mỗi viên nén. Esomeprazol trong viên thuốc Esomera là một chất ức chế bài tiết acid dạ dày thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton. Chất này có tác dụng ức chế dạ dày tiết lượng acid cơ bản ngay cả khi nó bị kích ứng do bất kỳ tác nhân nào. Thuốc hoạt động mạnh và kéo dài.
Từ đó, thuốc Esomera 20mg Tablet được chỉ định cho các đối tượng sau:
- Người bệnh bị trào ngược dạ dày - thực quản do viêm thực quản và/hoặc có các triệu chứng trào ngược nặng (sử dụng thuốc Esomera 20mg Tablet như liệu pháp thay cho dạng uống khi liệu pháp dùng qua đường uống không thích hợp).
- Loét dạ dày - tá tràng.
- Phòng ngừa và điều trị loét dạ dày - tá tráng do sử dụng thuốc chống viêm không steroid.
- Phòng ngừa và điều trị viêm loét do stress.
- Hội chứng Zollinger - Ellison.
- Xuất huyết do loét dạ dày - tá tràng nặng, sau khi điều trị nội soi (đề phòng xuất huyết tái phát).
Thuốc Esomera 20mg Tablet được khuyến cáo chống chỉ định dùng cho các trường hợp:
- Quá mẫn cảm với Esomeprazole và các thuốc ức chế bơm proton hay bất kì tá dược nào của thuốc.
- Dùng đồng thời với Atazanavir hay Neltinavir.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Esomera
Cách dùng: Người bệnh dùng thuốc Esomera 20mg Tablet bằng đường uống. Nuốt nguyên cả viên thuốc không được nghiền nhỏ hoặc nhai. Người bệnh nên uống thuốc ít nhất một giờ trước bữa ăn. Để giảm đau có thể sử dụng cùng thuốc kháng acid.
Liều dùng cho người lớn
- Bệnh viêm trợt thực quản trào ngược: Uống 40mg/lần/ngày x 4 tuần (Điều trị thêm 4 tuần được khuyến nghị ở những người bệnh viêm thực quản không lành hoặc có triệu chứng dai dẳng).
- Hỗ trợ phục hồi sau khi khỏi viêm thực quản ngăn ngừa tái phát: Uống 20mg/ngày.
- Có triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Uống 20mg/lần/ngày ở bệnh nhân không bị viêm thực quản (khám kĩ hơn nếu triệu chứng không giảm sau 4 tuần).
- Bệnh nhân cần tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid: Làm lành loét dạ dày - uống liều 20mg/lần/ngày x 4-8 tuần.
- Ngăn ngừa loét dạ dày - tá tràng ở bệnh nhân có nguy cơ - uống liều 20mg/lần/ngày.
- Hội chứng Zollinger - Ellison: Liều khởi đầu được khuyến nghị là 40mg/lần x 2 lần/ngày. Cần điều chỉnh liều dùng theo từng người bệnh.
Liều dùng cho trẻ em
Trẻ từ 12 tuổi trở lên:
- Viêm trợt trào ngược thực quản: Uống 40mg/lần/ngày x 4 tuần (Điều trị thêm 4 tuần ở bệnh nhân bị viêm thực quản chưa lành hoặc có triệu chứng dai dẳng).
- Điều trị kéo dài ở bệnh nhân viêm thực quản đã lành ngăn ngừa tái phát: Uống liều 20mg/lần/ngày.
- Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Uống liều 20mg/lần/ngày ở bệnh nhân không bị viêm thực quản. Người bệnh cần tái khám kỹ lưỡng nếu triệu chứng không thuyên giảm.
Trẻ dưới 12 tuổi: Khuyến cáo dùng dạng chế phẩm khác.
3. Tác dụng phụ của thuốc Esomera
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Esomera 20mg Tablet, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện bất thường như:
Thường gặp, ADR > 1%
- Đau đầu, chóng mặt, ban ngoài da.
- Buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, khô miệng.
Ít gặp, 1% > ADR > 0,1%
- Mệt mỏi, mất ngủ, buồn ngủ, phát ban, ngứa, dị cảm và rối loạn thị giác.
Hiếm gặp, ADR < 0,1%
- Sốt, toát mồ hôi, phù ngoại biên, rụng tóc, mẫn cảm với ánh sáng, phản ứng quá mẫn ( như mề đay, phù mạch, co thắt phế quản, sốc phản vệ)
- Kích động, trầm cảm, lú lẫn hoặc thấy ảo giác.
- Nhiễm khuẩn hô hấp.
- Giảm toàn thể huyết cầu hoặc tiểu cầu, tăng bạch cầu hoặc giảm bạch cầu.
- Tăng enzym gan, viêm gan, vàng da hoặc suy giảm chức năng gan.
- Rối loạn vị giác, viêm miệng.
- Hạ magnesi huyết hoặc natri huyết, rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Đau khớp và cơ, gãy hoặc loãng xương.
- Viêm thận kẽ.
- Chứng vú to ở nam.
- Ban bọng nước chứng Stevens - Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Esomera
Đặc biệt thận trọng dùng thuốc Esomera cho các trường hợp sau:
- Phụ nữ mang thai/cho con bú: Không nên tự ý sử dụng thuốc Esomera 20mg Tablet khi chưa đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hay hỏi ý kiến của bác sĩ. Cần cân nhắc kĩ lợi ích thuốc đem lại so với nguy cơ.
- Người điều khiển xe cộ và vận hành máy móc: Thuốc Esomera có thể ảnh hưởng đến khả năng lại xe và điều khiển máy móc của người bệnh. Các biểu hiện như chóng mặt, hoa mắt và rối loạn thị giác đã được báo cáo. Do đó, bạn không nên lái xe hoặc điều khiển máy móc trong quá trình sử dụng thuốc Esomera 20 mg Tablet.
5. Tương tác của thuốc Esomera
Tương tác của thuốc Esomera có thể xảy ra khi dùng đồng thời với những loại thuốc sau đây:
- Ketoconazole;
- Itraconazole;
- Muối sắt;
- Digoxin;
- Diazepam;
- Citalopram;
- Imipramine;
- Clomipramine;
- Phenytoin;
- Warfarin hoặc dẫn xuất coumarine khác;
- Cisapride;
- Clarithromycin;
- Voriconazole;
- Phân loại FDA trong thai kỳ.
Tóm lại, thuốc Esomera 20mg Tablet được biết đến là thuốc đường tiêu hóa chứa thành phần Esomeprazol (dưới dạng esomeprazol magnesi dihydrat). Thuốc Esomera được đóng gói dưới dạng viên nén bao phim tan trong ruột sau khi uống và thường được chỉ định cho bệnh trào ngược dạ dày-thực quản.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.