Thuốc Clavuxel có hoạt chất chính là Amoxicilin phối hợp với Acid Clavulanic. Thuốc thường được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm phế quản, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm bàng quang và viêm thận bể thận,...
1. Clavuxel là thuốc gì?
Thuốc Clavuxel có chứa Amoxicilin ở dạng muối Amoxicillin trihydrate với hàm lượng 500mg và Acid Clavulanic ở dạng muối natri clavulanate với hàm lượng 125mg. Amoxicilin phối hợp với Clavulanat giúp tăng cường tác dụng diệt khuẩn và mở rộng phổ kháng khuẩn. Sự phối hợp này không ảnh hưởng tới cơ chế tác dụng của Amoxicilin (ức chế tổng hợp lớp peptidoglycan ở thành tế bào vi khuẩn). Acid clavulanic có cấu trúc Beta-lactam gần giống nhân penicilin, có ái lực cao và gắn vào Beta-lactamase của vi khuẩn để ức chế tác động của men này. Acid clavulanic có thể thấm qua thành tế bào vi khuẩn, do đó có thể ức chế enzym ở bên ngoài tế bào và enzym gắn vào tế bào. Cách tác dụng của Acid clavulanic thay đổi tùy theo enzym bị ức chế, nhưng Acid clavulanic thường tác dụng như một chất cạnh tranh không thuận nghịch.
Phổ diệt khuẩn của thuốc Clavuxel bao gồm vi khuẩn Gram dương hiếu khí như: Streptococcus faecalis, Streptococcus viridans, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Staphylococcus aureus, Bacillus anthracis...Gram dương kỵ khí gồm các loài: Clostridium, Peptococcus, Peptostreptococcus...hay vi khuẩn Gram âm hiếu khí bao gồm: Haemophilus influenzae, Escherichia coli, Proteus mirabilis, Moraxella catarrhalis, Proteus vulgaris, các loài Klebsiella, Salmonella, Neisseria meningitidis, Shigella, Neisseria gonorrhoeae, Vibrio cholerae... và cả gram âm kỵ khí như các loài: Bacteroides kể cả B. fragilis. Như vậy Amoxicillin và Clavulanat có tác dụng đối với cả 2 loại vi khuẩn tạo và không tạo Beta-lactamase nhạy cảm với thuốc.
2. Thuốc Clavuxel có tác dụng gì?
Thuốc Clavuxel có thể được sử dụng trong điều trị các bệnh lý sau:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bao gồm: Viêm tai giữa, viêm amidan và viêm xoang...
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gồm: Viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục do các chủng E. coli, Klebsiella và Enterobacter sản sinh Beta-lactamase nhạy cảm gồm viêm bàng quang, viêm niệu đạo và viêm bể thận bể thận.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm như áp xe, nhiễm khuẩn vết thương và viêm mô tế bào.
- Nhiễm khuẩn xương - khớp như viêm tủy xương.
- Nhiễm khuẩn nha khoa ví dụ như áp xe ổ răng.
- Nhiễm khuẩn khác bao gồm nhiễm khuẩn do sẩy thai hoặc nhiễm khuẩn trong ổ bụng.
Thuốc Clavuxel chống chỉ định ở:
- Bệnh nhân dị ứng với nhóm Beta-lactam;
- Bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc có tiền sử vàng da, rối loạn chức năng gan liên quan đến Amoxicillin - Clavulanat.
3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Clavuxel
Liều lượng Clavuxel có thể thay đổi tùy vào từng bệnh lý và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Dưới đây là liều thuốc Clavuxel tham khảo:
- Đối với người lớn và trẻ em trên 40kg: Khuyến cáo dùng 1 viên 500 mg/ 125 mg cách 12 giờ/ lần. Đối với nhiễm khuẩn nặng và nhiễm khuẩn đường hô hấp: Liều thường dùng là 1 viên 500 mg/ 125 mg cách 8 giờ/ lần. Nếu bệnh nhân khó nuốt, có thể dùng hỗn dịch uống thay cho viên nén.
- Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều thuốc Clavuxel trừ khi độ thanh thải creatinin ≤ 30ml/ phút.
- Bệnh nhân suy thận: Suy thận nhẹ (CrCl > 30 ml/phút) nên dùng liều 625 mg x 2 lần/ ngày hoặc 1g x 2 lần/ ngày; suy thận trung bình (CrCl 10 – 30 ml/ phút) liều khuyến cáo là 625mg x 2 lần/ ngày; suy thận nặng (CrCl < 10 ml/phút), không uống quá 625 mg mỗi 24 giờ.
- Bệnh nhân lọc máu: Khuyến cáo uống 625 mg mỗi 24 giờ, dùng thêm 625mg khi đang chạy thận, lặp lại ở cuối quá trình lọc máu.
- Bệnh nhân suy gan:Thận trọng khi dùng thuốc Clavuxel, kiểm tra chức năng gan định kỳ.
4. Tác dụng phụ của thuốc Clavuxel là gì?
Bệnh nhân sử dụng thuốc Clavuxel có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:
Thường gặp:
- Tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Buồn nôn và nôn thường có liên quan đến liều dùng của Acid clavulanic (dùng liều 250mg Acid clavulanic tăng nguy cơ lên 40% so với dùng liều 125 mg).
- Da: Ngứa và phát ban
Ít gặp:
- Máu: Tăng bạch cầu ái toan;
- Gan: Viêm gan, vàng da ứ mật, tăng transaminase;
- Hệ thần kinh: Chóng mặt, đau đầu;
- Đường tiêu hóa: Khó tiêu;
- Da và mô dưới da: Ban, ngứa, mày đay;
- Khác: Viêm âm đạo do nấm, Candida, sốt và mệt mỏi.
Hiếm gặp:
- Toàn thân: Phản ứng sốc phản vệ và phù Quincke.
- Máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu và thiếu máu tan máu.
- Hệ tiêu hóa: Viêm đại tràng giả mạc
- Da và mô mềm: Hội chứng Stevens - Johnson, viêm da bong, hoại tử biểu bì do ngộ độc.
- Thận - tiết niệu: Viêm thận kẽ.
Thận - tiết niệu: Viêm thận kẽ. 5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Clavuxel
- Thuốc Clavuxel nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân cao tuổi, người bệnh có tiền sử vàng da/rối loạn chức năng gan mật do Acid clavulanic có thể làm tăng nguy cơ ứ mật trong gan. Các dấu hiệu của vàng da ứ mật tuy ít xảy ra nhưng có thể nặng. Tuy nhiên những triệu chứng đó thường hồi phục sau 6 tuần ngừng điều trị.
- Bệnh nhân dùng thuốc Clavuxel có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trầm trọng, đặc biệt ở những người bệnh có tiền sử dị ứng với penicillin hoặc các dị nguyên khác. Do vậy trước khi bắt đầu điều trị cần phải điều tra kỹ tiền sử dị ứng với penicilin, cephalosporin và các dị nguyên khác.
- Người suy thận trung bình hay nặng cần chú ý điều chỉnh liều dùng thuốc Clavuxel. Tình trạng co giật có thể xảy ra ở bệnh nhân giảm chức năng thận hoặc đang dùng liều cao thuốc Clavuxel.
- Giống như các kháng sinh khác, dùng thuốc Clavuxel kéo dài đôi khi làm phát triển các vi khuẩn kháng thuốc.
- Phải định kỳ kiểm tra công thức máu, chức năng gan, thận trong suốt quá trình điều trị với thuốc Clavuxel.
- Viêm đại tràng giả mạc có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng kháng sinh Clvuxel với mức độ từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Do đó, cần cân nhắc chẩn đoán ở những bệnh nhân bị tiêu chảy trong hoặc sau khi dùng kháng sinh Clavuxel. Nếu tiêu chảy nhiều, kéo dài hoặc đau bụng co thắt, ngừng thuốc Clavuxel ngay lập tức.
- Thời kỳ mang thai: Nghiên cứu thực nghiệm trên chuột đã chứng minh khi dùng chế phẩm theo đường uống và tiêm với liều lớn hơn 10 lần liều dùng cho người đều không gây dị tật. Tuy nhiên vẫn phải sử dụng thuốc Clavuxel cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc ở phụ nữ mang thai.
- Thời kỳ cho con bú: Trong thời kỳ cho con bú có thể dùng thuốc Clavuxel. Thuốc Clavuxel không gây hại cho trẻ em đang bú mẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ bị mẫn cảm do có một lượng rất nhỏ thuốc trong sữa.
6. Tương tác thuốc
Sử dụng Clavuxel với một số thuốc khác có thể gây tương tác và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do vậy, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc và cả thực phẩm chức năng đang dùng để được tư vấn. Sau đây là một số tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Clavuxel:
- Tương tác với một số thuốc trị gout như Probenecid, Allopurinol. Bệnh nhân tăng acid uric máu khi dùng Alopurinol cùng với kháng sinh Amoxicilin sẽ làm tăng khả năng phát ban của Amoxicilin.
- Clavuxel có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống;
- Clavuxel có thể làm tăng hiệu quả các thuốc chống đông máu như Acenocoumarol, Warfarin
- Clavuxel có thể làm giảm sự bài tiết của Methotrexat và dẫn tới gia tăng độc tính
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Clavuxel, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Clavuxel là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.