Thuốc Cipad là kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn rất tốt, chủ trị những trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp, da, nhiễm lậu cầu,... Cipad được dùng bằng đường uống với khả năng hấp thu tốt trong cơ thể. Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ định của bác sĩ để thuốc Cipad phát huy công dụng điều trị nhiễm khuẩn tối ưu nhất.
1. Thuốc Cipad là thuốc gì?
Cipad là thuốc dùng theo đơn của bác sĩ để điều trị hiệu quả cho các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn da - mô mềm và một số tình trạng nhiễm khuẩn khác. Thuốc Cipad được sản xuất bởi Albert David., Ltd - Ấn Độ dưới dạng bào chế viên nén bao phim. Thuốc được đóng gói theo quy cách hộp 10 vỉ x 10 viên, mỗi viên có chứa hoạt chất chính là Ciprofloxacin (dạng Ciprofloxacin Hydrochloride) hàm lượng 500mg.
Hoạt chất Ciprofloxacin trong thuốc Cipad được biết đến là loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn rất tốt thông qua cơ chế tác động lên men Gyrase của vi khuẩn. Tác dụng này của Ciprofloxacin có thể làm rối loạn các chuyển hoá trên vi khuẩn, từ đó kìm hãm sự phát triển của chúng. Khi uống vào cơ thể, Ciprofloxacin được hấp thu nhanh chóng và đạt khoảng 80% độ sinh khả dụng. Ước tính, thuốc mất khoảng 3 - 5 giờ để bán huỷ trong cơ thể và con đường đào thải chính ra bên ngoài là nước tiểu.
2. Thuốc Cipad có tác dụng gì?
Hiện nay, thuốc Cipad được chỉ định sử dụng để điều trị cho các tình trạng nhiễm khuẩn dưới đây:
- Điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn xương khớp hoặc đường mật.
- Điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, đường ruột, mắt, ổ bụng, lậu, buồng trứng, tử cung, đường tiết niệu, da, mô mềm và toàn thân.
- Dự phòng nguy cơ nhiễm trùng cho người bị giảm bạch cầu hạt.
Tuy vậy, cần tránh tự ý dùng thuốc Cipad cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:
- Người có tiền sử quá mẫn hoặc phản ứng dị ứng với Ciprofloxacin hay bất kỳ tá dược nào có trong công thức thuốc.
- Chống chỉ định cho người quá mẫn cảm với kháng sinh thuộc nhóm Quinolon.
- Chống chỉ định Cipad cho bệnh nhân đang mang thai, người mẹ đang nuôi con bú và bệnh nhi do chưa có nghiên cứu đầy đủ về mức độ an toàn của thuốc dành cho những đối tượng này.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cipad hiệu quả
Thuốc Cipad được dùng bằng đường uống do bào chế dưới dạng viên nén. Khi uống, bệnh nhân cần nuốt trọn viên thuốc hoặc chia nhỏ liều bằng cách bẻ hoặc nhai thuốc. Thời điểm sử dụng thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể dựa trên tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân.
Dưới đây là liều dùng thuốc Cipad dành cho từng đối tượng bệnh nhân theo khuyến nghị của bác sĩ:
- Điều trị nhiễm khuẩn mức nhẹ - trung bình: Dùng liều 250 - 500mg/ lần x 2 lần/ ngày.
- Điều trị nhiễm khuẩn mức nặng - có biến chứng: Dùng liều 750mg x 2 lần/ ngày và điều trị liên tục trong vòng 5 - 10 ngày.
- Điều trị nhiễm lậu cầu không có biến chứng: Uống 1/2 viên một lần duy nhất.
- Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng: Uống 1 viên chia 2 lần/ ngày và điều trị trong vòng 3 ngày.
- Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp (chẳng hạn như viêm xoang): Uống 2 viên chia làm 2 lần/ ngày, điều trị trong vòng 10 ngày. Đối với bệnh nhân bị viêm phổi nặng nên uống 3 viên x 2 lần/ ngày và dùng trong vòng từ 1 - 2 tuần.
- Điều trị nhiễm khuẩn xương khớp: Uống liều 2 viên x 2 lần/ ngày và điều trị trong vòng từ 4 - 6 tuần.
Liều thuốc Cipad dành cho bệnh nhân suy thận sẽ được điều chỉnh dựa trên mức độ thanh thải creatinin, cụ thể:
- Độ thanh thải creatinin từ 30 - 50ml/ phút: Uống liều 250 - 500mg/ 12 giờ.
- Độ thanh thải creatinin từ 5 - 29ml/ phút: Uống liều 250 - 500mg/ 18 giờ.
- Bệnh nhân lọc thận: Uống liều 250 - 500mg/ 24 giờ.
4. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Cipad
Khi điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bằng thuốc Cipad, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn sau:
- Phản ứng trên hệ tiêu hoá: Nôn, buồn nôn, đau dạ dày, khó tiêu, tiêu chảy hoặc đầy hơi.
- Phản ứng trên gan - thận: Thiếu máu, suy thận, suy gan, vàng da, viêm gan,...
- Phản ứng trên da: Phát ban, ngứa da, nổi mề đay hoặc hội chứng Stevens - Johnson.
- Các rối loạn thần kinh và tâm thần: Chóng mặt, đau đầu, lo âu, ảo giác, kích động, đau nửa đầu hoặc co giật.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, bạn cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc Cipad như viêm kết tràng giả mạc, thay đổi huyết học, suy thận cấp, đau cơ hoặc đau khớp. Dù xảy ra bất kỳ triệu chứng nào, bạn cùng cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để sớm có biện pháp điều trị.
5. Chú ý đề phòng khi sử dụng thuốc Cipad
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Cipad, bệnh nhân cần thận trọng một số điều sau:
- Thận trọng khi dùng thuốc Cipad cho người bị rối loạn huyết động não, bệnh nhân suy thận nặng hoặc người cao tuổi.
- Thận trọng khi dùng Cipad cho bệnh nhân bị rối loạn thần kinh trung ương hoặc động kinh.
- Ngưng dùng thuốc nếu có các triệu chứng viêm đau hoặc đứt gân.
- Cipad là thuốc kháng sinh, bởi vậy chỉ nên sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, tránh điều trị cho người bị nhiễm vi rút (trừ khi xuất hiện tình trạng bội nhiễm vi khuẩn).
- Cipad chuyển hoá chủ yếu tại gan và bài tiết qua đường nước tiểu, do đó cần thận trọng khi dùng thuốc cho những người bị suy gan.
- Không nên dùng thuốc Cipad cho người bị nhiễm vi khuẩn Gram dương hoặc khuẩn kỵ khí bởi hiệu quả điều trị của thuốc không cao đối với những tình trạng này, do đó bệnh nhân có thể cân nhắc dùng loại kháng sinh khác.
- Việc bỏ lỡ liều thuốc có thể làm giảm khả năng điều trị của Cipad, do đó bệnh nhân cần uống bù liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, cần tránh uống chồng liều hoặc uống quá gần với thời gian dùng liều thuốc tiếp theo.
- Quá liều thuốc Cipad có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ và gây ra một số triệu chứng trên hệ thần kinh như ảo giác, chóng mặt, đau đầu, khó chịu ở gan thận hoặc co giật. Nếu xảy ra những triệu chứng bất lợi này, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế được có biện pháp xử trí sớm.
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ 25 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và tầm với của trẻ em.
- Kiểm tra kỹ hạn dùng và chất lượng của Cipad, nếu thuốc đã quá hạn hoặc có dấu hiệu thay đổi màu sắc hay kết cấu, bạn cần ngưng sử dụng và xử lý thuốc hỏng theo đúng quy định.
6. Các loại thuốc có thể tương tác với Cipad
Theo khuyến cáo của bác sĩ, bạn cần tránh uống chung Cipad cùng với nước cam, sữa, sữa chua hoặc các chế phẩm chứa canxi do chúng có thể làm giảm sự hấp thu của hoạt chất trong thuốc, từ đó gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả điều trị. Quá trình bài tiết của hoạt chất Ciprofloxacin sẽ bị rối loạn khi dùng chung Cipad cùng với thuốc Probenecid, thậm chí dễ gây độc tính cho cơ thể.
Ngoài ra, tránh dùng cùng lúc Cipad với các thuốc kháng vitamin K do sự kết hợp này có thể làm tăng thời gian chống đông của thuốc kháng vitamin K. Nếu buộc phải dùng chung, bệnh nhân cần đề phòng nguy cơ xuất huyết.
Tốt nhất, người bệnh cần báo cho bác sĩ biết danh sách các loại thuốc đang sử dụng để có biện pháp điều chỉnh phù hợp và tránh xảy ra tương tác bất lợi. Những chế phẩm này có thể bao gồm cả thuốc bổ, vitamin, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hoặc thảo dược.