Thuốc Ciprofloxacin Polpharma có hoạt chất chính là Ciprofloxacin, là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm quinolon. Thuốc Ciprofloxacin Polpharma được chỉ định cho các nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên và dưới, viêm tuyến tiền liệt, viêm xương - tủy, viêm ruột do vi khuẩn,...
1. Thuốc Ciprofloxacin Polpharma là thuốc gì?
Ciprofloxacin Polpharma là thuốc gì? Thuốc Ciprofloxacin Polpharma có hoạt chất chính là Ciprofloxacin, là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm quinolon. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền có nồng độ 2mg/ml, mỗi túi chứa 200ml dung dịch tương đương với Ciprofloxacin 400mg. Cơ chế tác dụng của Ciprofloxacin là ức chế enzym topoisomerase II và/hoặc topoisomerase IV, những enzym thiết yếu tham gia quá trình sao chép, phiên mã DNA của vi khuẩn. Ciprofloxacin có tác dụng tốt với các vi khuẩn kháng lại kháng sinh thuộc các nhóm khác như aminoglycosid, tetracyclin, cephalosporin, penicilin.... Ciprofloxacin được coi là một trong những thuốc có tác dụng mạnh trong nhóm fluoroquinolon.
2. Công dụng thuốc Ciprofloxacin Polpharma
Thuốc Ciprofloxacin Polpharma được chỉ định cho các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm:
- Nhiễm khuẩn tiết niệu trên và nhiễm khuẩn tiết niệu dưới
- Viêm tuyến tiền liệt
- Viêm xương khớp
- Viêm ruột do vi khuẩn
- Nhiễm khuẩn nặng trong bệnh viện (nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch).
- Viêm phế quản phổi, viêm phổi.
- Viêm tai giữa mủ mạn tính, viêm tai ngoài ác tính.
- Đợt cấp viêm xoang mạn tính, đặc biệt là do vi khuẩn Gram âm gây ra.
- Viêm mào tinh hoàn
- Bệnh viêm nhiễm vùng xương chậu bao gồm cả các trường hợp do Neisseria gonorrhoeae gây ra
- Nhiễm khuẩn trong ổ bụng.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm gây ra bởi các vi khuẩn gram âm.
- Dự phòng bệnh não mô cầu và nhiễm khuẩn ở người suy giảm miễn dịch.
3. Chống chỉ định của thuốc Ciprofloxacin Polpharma
Thuốc Ciprofloxacin Polpharma bị chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với ciprofloxacin và các thuốc kháng sinh quinolon khác.
- Bệnh nhân mang thai và đang cho con bú, trừ trường hợp bắt buộc
4. Liều dùng của thuốc Ciprofloxacin Polpharma
4.1 Liều dùng
Liều dùng tùy theo chỉ định, độ nặng, vị trí nhiễm khuẩn và chức năng thận của bệnh nhân. Dưới đây là liều Ciprofloxacin tham khảo trong một số trường hợp:
- Nhiễm khuẩn xương khớp: Trường hợp nhẹ đến vừa dùng liều 400mg/lần, cách 12 giờ một lần trong 4 - 6 tuần. Trường hợp nặng/biến chứng, liều khuyến cáo là 400mg/lần, cách 8 giờ một lần trong 4 - 6 tuần.
- Viêm màng trong tim do nhóm vi khuẩn HACEK: Chỉ nên chỉ định Ciprofloxacin nếu điều trị bằng kháng sinh nhóm beta-lactam không có hiệu quả. Liều khuyến cáo là 400mg/lần, cách 12 giờ một lần, trong 4 tuần.
- Sốt do giảm bạch cầu trung tính: Liều thường dùng là 400mg/lần, cách 8 giờ một lần, trong 7 - 14 ngày.
- Nhiễm khuẩn trong ổ bụng: Liều thường dùng là 400 mg/lần, cách 12 giờ một lần, trong 7 - 14 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Bệnh nhẹ đến vừa, dùng liều 400mg/lần, cách 12 giờ một lần, trong 7 - 14 ngày. Trường hợp bệnh nặng/biến chứng, liều 400mg/lần, cách 8 giờ một lần, trong 7 - 14 ngày.
- Viêm phổi bệnh viện: Liều thường dùng là 400mg/lần, cách 8 giờ một lần, trong 10 - 14 ngày.
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: Bệnh nhẹ đến vừa, dùng liều 400mg/lần, cách 12 giờ một lần, trong 7 - 14 ngày. Trường hợp bệnh nặng/biến chứng, liều 400mg/lần, cách 8 giờ một lần, trong 7 - 14 ngày.
- Bệnh thương hàn: Liều khuyến cáo là là 400mg/ lần, cách 12 giờ, trong 10 - 14 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Không biến chứng (gồm viêm bàng quang): Liều khuyến cáo là 400mg/lần, cách 12 giờ và dùng trong 7 - 14 ngày. Có biến chứng (bao gồm viêm thận bể thận): Liều khuyến cáo là 400mg/lần mỗi 12 giờ và dùng trong 7 - 14 ngày.
- Bệnh nhân suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều Ciprofloxacin ở bệnh nhân suy gan
- Bệnh nhân suy thận: Cần hiệu chỉnh liều Ciprofloxacin theo độ lọc cầu thận của bệnh nhân.
- Trẻ em: Không khuyến cáo dùng thuốc Ciprofloxacin Polpharma cho trẻ em và thiếu niên dưới 18 tuổi, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
4.2 Cách dùng
Thuốc Ciprofloxacin Polpharma được dùng bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch. Thời gian truyền cho trẻ em thường là 60 phút. Thời gian truyền ở bệnh nhân người lớn là tối thiểu 60 phút đối với dung dịch tiêm truyền ciprofloxacin 400mg/200ml hoặc tối thiểu 30 phút với ciprofloxacin 200mg/100ml.
5. Tác dụng phụ của thuốc Ciprofloxacin Polpharma
Khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin Polpharma, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:
Tần suất> 10%: Thần kinh cơ xương: Đau cơ xương
Tần suất 1 đến 10%:
- Da liễu: Phát ban da
- Tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, đầy bụng, buồn nôn, nôn
- Sinh dục: Nhiễm nấm Candida âm đạo
- Hệ thần kinh: Chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, mất ngủ, lo lắng, bồn chồn
- Hô hấp: Hen suyễn
- Khác: Sốt
Tần suất <1%:
- Tim mạch: Nhồi máu cơ tim cấp, cơn đau thắt ngực, nhịp tim chậm, đỏ bừng, tăng huyết áp, ngất
- Da liễu: Dị ứng da, ban đỏ đa dạng, viêm da tróc vảy, ban dát sần, ngứa, nhạy cảm với ánh sáng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mày đay, viêm da mụn nước
- Nội tiết và chuyển hóa: Albumin niệu, nữ hóa tuyến vú, tăng đường huyết
- Tiêu hóa: Đau bụng, chán ăn, viêm đại tràng do Clostridium difficile, táo bón, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột, loét niêm mạc miệng
- Hệ sinh dục: Đái ra máu, đau bụng kinh, viêm âm đạo
- Huyết học: Mất bạch cầu hạt, thời gian prothrombin kéo dài, bệnh ban xuất huyết
- Gan: Vàng da ứ mật, hoại tử gan
- Quá mẫn: Sốc phản vệ, phù mạch
- Hệ thần kinh: Ảo giác, tăng trương lực, khó chịu, hưng cảm, đau nửa đầu, nhược cơ, ác mộng.
6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin Polpharma
- Cần thận trọng khi dùng thuốc Ciprofloxacin ở bệnh nhân có tiền sử động kinh, rối loạn hệ thần kinh trung ương, suy chức năng gan hay chức năng thận, thiếu glucose 6 phosphate dehydrogenase, người bị nhược cơ.
- Dùng thuốc Ciprofloxacin dài ngày có thể làm các vi khuẩn không nhạy phát triển quá mức. Đặc biệt phải theo dõi người bệnh và làm kháng sinh đồ để có biện pháp điều trị thích hợp theo kháng sinh đồ.
- Sử dụng thuốc Ciprofloxacin có thể làm cho các xét nghiệm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis bị âm tính giả.
- Thuốc Ciprofloxacin có thể gây hoa mắt chóng mặt, do đó ảnh hưởng đến việc điều khiển xe cộ, vận hành máy móc và các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo khác.
- Hạn chế dùng kháng sinh Ciprofloxacin cho trẻ nhỏ và trẻ đang lớn do thuốc có thể gây thoái hóa sụn ở các khớp chịu lực.
- Thời kỳ mang thai: Chỉ nên dùng thuốc Ciprofloxacin Polpharma cho bệnh nhân mang thai trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà không có kháng sinh khác thay thế.
- Thời kỳ cho con bú: Ciprofloxacin hiện diện trong sữa mẹ. Do đó, không dùng thuốc cho bệnh nhân đang cho con bú, vì thuốc có thể tích tụ ở trong sữa và đạt đến nồng độ gây tác hại cho trẻ. Trường hợp bắt buộc phải dùng Ciprofloxacin cho mẹ thì phải ngừng cho con bú.
7. Tương tác thuốc Ciprofloxacin Polpharma
Khi sử dụng đồng thời Ciprofloxacin với một số thuốc có thể làm giảm hiệu quả hoặc gia tăng độc tính. Do vậy, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược, đang sử dụng để được tư vấn. Dưới đây là một số tương tác thuốc đáng chú ý của Ciprofloxacin:
- Dùng đồng thời Ciprofloxacin với các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, indomethacin có thể làm tăng tác dụng phụ của Ciprofloxacin.
- Thuốc Antacid chứa nhôm/magie, sucralfat, ion kim loại, multivitamin khi sử dụng đồng thời với Ciprofloxacin có thể làm giảm hấp thu levofloxacin.
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Kháng sinh nhóm Quinolon có thể tăng cường hoặc làm giảm tác dụng của thuốc hạ đường huyết. Vì vậy, cần theo dõi đường huyết khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin ở bệnh nhân đái tháo đường. Do đó cần uống các thuốc này cách xa Ciprofloxacin ít nhất 2 giờ.
- Sự hấp thu của Ciprofloxacin có thể bị giảm đi nếu dùng đồng thời một số thuốc gây độc tế bào như cyclophosphamide, doxorubicin, vincristine, cytosin arabinosid, mitozantrone.
- Nồng độ Ciprofloxacin bị giảm đi đáng kể nếu dùng đồng thời với didanosin. Do vậy, nên uống thuốc Ciprofloxacin trước khi dùng didanosin 2 giờ hoặc sau khi dùng didanosin 6 giờ.
Trên đây là các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin Polpharma. Để phòng các tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả của thuốc, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi dùng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.