Thuốc Cilaprim được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch nhằm điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn. Để dùng thuốc Cilaprim hiệu quả và sớm khắc phục bệnh, bạn nên thực hiện theo đúng phác đồ trị liệu đã được bác sĩ đề xuất trước đó.
1. Thuốc Cilaprim là thuốc gì?
Cilaprim là thuốc kháng sinh dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn. Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm với sự kết hợp của 2 hoạt chất chính, bao gồm Imipenem (500mg) và Cilastatin (500mg). Ngoài ra, thuốc Cilaprim còn có sự góp mặt của các tá dược phụ trợ khác đã được nhà sản xuất bổ sung nhằm mục đích tăng cường hiệu quả điều trị.
Thuốc Cilaprim hiện được nghiên cứu phát triển và sản xuất bởi Makcur Laboratories Ltd - Ấn Độ. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phối hợp của các hoạt chất Cilastatin và Imipenem trong cùng một công thức thuốc giúp mang lại tác dụng đẩy lùi nhanh chóng các tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, da, phụ khoa, sinh dục, niệu,...
2. Thuốc Cilaprim có tác dụng gì?
Hoạt chất Imipenem trong thuốc Cilaprim đóng vai trò là một loại kháng sinh thuộc nhóm Carbapenem, có khả năng tiêu diệt hiệu quả các loại vi khuẩn gây bệnh thông qua việc ngăn chặn sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Nhìn chung, phổ tác dụng của Imipenem tương đối rộng, bao gồm vi khuẩn Gram âm, Gram dương, kỵ khí và đặc biệt là trực khuẩn màu xanh.
Không những vậy, Imipenem còn có tác dụng kháng lại tất cả các chủng Beta lactamse, trừ Metallo – Beta lactamase. Tuy nhiên, hoạt tính kháng sinh của Imipenem có thể bị ảnh hưởng xấu khi chịu tác dụng của men Dehydropeptidase trong ống thận. Vì vậy, Imipenem thường được phối hợp dùng chung với Cilastatin để ngăn chặn sự phá huỷ này.
3. Chỉ định – Chống chỉ định dùng thuốc Cilaprim
Theo khuyến cáo của bác sĩ, thuốc Cilaprim được dùng để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn dưới đây:
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
- Nhiễm trùng ổ bụng.
- Nhiễm trùng phụ khoa.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng đường sinh dục.
- Nhiễm khuẩn xương khớp.
- Nhiễm khuẩn da – mô mềm.
- Nhiễm trùng huyết.
- Viêm nội tâm mạc.
Mặc dù vậy, cần tránh tự ý điều trị bằng Cilaprim cho các đối tượng bệnh nhân sau khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ:
- Người bị dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn với Imipenem, Cilastatin, kháng sinh nhóm Carbapenem hay bất kỳ tá dược nào trong công thức thuốc.
- Chống chỉ định dùng thuốc Cilaprim cho bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi.
- Chống chỉ định tương đối thuốc Cilaprim cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.
4. Hướng dẫn dùng thuốc Cilaprim đúng cách
Thuốc Cilaprim được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch tuỳ theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng dùng thuốc Cilaprim sẽ được tính dựa trên hoạt chất Imipenem, cụ thể:
- Điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm ở người lớn: Truyền tĩnh mạch từ 1 – 2g/ ngày, chia làm 3 – 4 lần/ ngày. Có thể truyền IV tới liều tối đa 4g / ngày hoặc 50mg / kg thể trọng/ ngày.
- Điều trị nhiễm khuẩn cho trẻ > 3 tháng tuổi: Dùng liều 60mg/ kg thể trọng/ ngày, tối đa 2g/ ngày và chia làm 4 lần. Đối với trẻ em > 40kg có thể dùng liều như người lớn. Trẻ dưới 40kg có thể dùng liều 15mg/ kg thể trọng/ 6 giờ.
- Dự phòng nhiễm khuẩn: Tiêm truyền tĩnh mạch liều 1000mg khi bắt đầu gây mê và tiếp tục dùng liều 1000mg vào 3 giờ sau đó.
- Liều cho bệnh nhân suy thận: Không dùng quá 2g/ ngày.
Trong suốt thời gian điều trị bằng Cilaprim, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ trị liệu của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý áp dụng, thay đổi liều dùng hoặc thời gian điều trị khi chưa trao đổi với bác sĩ.
5. Thuốc Cilaprim gây ra các tác dụng phụ gì?
Bên cạnh tác dụng điều trị nhiễm khuẩn hữu hiệu, thuốc Cilaprim có thể gây ra một số phản ứng ngoại ý cho bệnh nhân trong một số trường hợp nhất định:
- Sưng đau hoặc bị viêm tĩnh mạch huyết khối tại vị trí tiêm.
- Nổi mày đay, ngứa hoặc phát ban trên da.
- Các phản ứng trên hệ tiêu hoá như viêm đại tràng giả mạc, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Co giật (hiếm gặp).
- Rối loạn tâm thần.
- Tăng men gan.
- Hồng ban hoặc rối loạn huyết học.
- Rối loạn vị giác.
- Rối loạn tâm thần.
- Trạng thái lú lẫn.
Nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào được đề cập ở trên, bệnh nhân nên nhanh chóng báo cho bác sĩ biết để có hướng giải quyết phù hợp. Một số triệu chứng có thể biến mất khi ngừng điều trị, tuy nhiên trong một vài trường hợp, phản ứng bất lợi do thuốc Cilaprim gây ra có nguy cơ tiến triển thành vấn đề nghiêm trọng khác.
6. Nên thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Cilaprim?
Khi điều trị bằng thuốc Cilaprim, người bệnh cần thận trọng một số khuyến cáo chung dưới đây:
- Thận trọng khi dùng thuốc Cilaprim cho những bệnh nhân có tiền sử dị ứng chéo 1 phần với một số kháng sinh thuộc họ Beta lactam khác hoặc bị rối loạn tiêu hoá.
- Trong thời gian sử dụng Cilaprim, nếu xảy ra bất kỳ triệu chứng thần kinh trung ương nào, bệnh nhân cần giảm liều hoặc ngừng điều trị.
- Đọc kỹ hướng dẫn để biết cách bảo quản thuốc đúng đắn, nhất là sau khi đã tiến hành pha thuốc tiêm.
- Nếu nhận thấy thuốc có sự thay đổi khác thường về màu sắc, bạn tuyệt đối không sử dụng và xử lý thuốc hỏng theo đúng khuyến cáo.
- Thuốc Cilaprim có nguy cơ tương tác với các thuốc khác, bao gồm cả thực phẩm chức năng, thuốc bổ, vitamin hay thảo dược. Do đó, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết mọi loại thuốc hiện đang sử dụng để tránh nguy cơ tương tác giữa các thuốc.
Những thông tin cơ bản về thuốc Cilaprim trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì Cilaprim là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ/ dược sĩ để có đơn kê phù hợp và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.