Thuốc Maxfecef thuộc nhóm thuốc kháng khuẩn chứa hoạt chất là kháng sinh Ceftriaxone. Maxfecef được chỉ định trong điều trị các bệnh lý viêm nhiễm như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm trùng ổ bụng... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Maxfecef qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Maxfecef
“Maxfecef là thuốc gì?”. Thuốc Maxfecef chứa hoạt chất Ceftriaxon Natri Trisequihydrat bào chế dưới dạng bột pha tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Maxfecef được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm màng não;
- Nhiễm trùng huyết;
- Bệnh Lyme;
- Nhiễm trùng ổ bụng;
- Nhiễm trùng da và mô mềm, vết thương, nhiễm trùng xương khớp;
- Nhiễm trùng ở người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch (sử dụng phối hợp với các nhóm kháng sinh khác);
- Nhiễm trùng ống nước tiểu, nhiễm trùng thận;
- Viêm phổi, nhiễm khuẩn tai – mũi – họng, viêm phổi;
- Nhiễm trùng đường sinh dục như bệnh lậu;
- Dự phòng trước khi phẫu thuật ở người bệnh đã đề kháng với các Cephalosporin thế hệ 1 và thế hệ 2.
2. Liều dùng của thuốc Maxfecef
Liều dùng thuốc Maxfecef được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng, độ tuổi và khả năng đáp ứng của người bệnh. Liều thuốc Maxfecef được khuyến cáo như sau:
Người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi: Liều thuốc khuyến cáo là 1 – 2g/lần/ngày dùng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể tăng liều lên 4g/ngày chia làm 2 lần. Thời gian điều trị phụ thuộc vào diễn tiến bệnh và đáp ứng lâm sàng của người bệnh, liều thuốc nên được duy trì ít nhất 48 – 72 giờ sau khi người bệnh hết sốt hoặc vi khuẩn được loại trừ.
Người bệnh suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Maxfecef ở người bệnh suy gan;
Người bệnh suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Maxfecef ở người bệnh suy thận có chức năng gan bình thường. Liều thuốc cần được giảm ở người bệnh suy thận nặng (độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 10ml/phút) không quá 2g/ngày.
Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Maxfecef ở người bệnh lão khoa.
Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 12 tuổi: Liều thuốc dùng khuyến cáo như sau:
- Trẻ sơ sinh đến 14 ngày tuổi: Liều khuyến cáo hàng ngày là 20 – 50mg/kg cân nặng, không vượt quá liều 50mg/kg và không cần hiệu chỉnh liều ở trẻ sơ sinh thiếu tháng. Chống chỉ định sử dụng thuốc Maxfecef ở trẻ sơ sinh đang điều trị bằng dịch truyền Canxi;
- Trẻ sơ sinh từ 15 ngày tuổi đến 12 tuổi: Liều thuốc khuyến cáo hàng ngày là 20 – 80mg/kg cân nặng. Trẻ em nặng trên 50kg có thể xem xét liều dùng như người trưởng thành;
- Điều trị viêm màng não ở trẻ em: Liều thuốc khởi đầu khuyến cáo là 100mg/kg cân nặng và không quá 4g/ngày. Liều thuốc sau đó được giảm xuống khi xác định đã loại bỏ hết tác nhân gây bệnh. Thời gian điều trị tối thiểu để đạt hiệu quả là 4 ngày đối với vi khuẩn Neisseria Meningitidis, 6 ngày đối với vi khuẩn Haemophilus Influenzae và 7 ngày đối với Streptococcus Pneumoniae;
Điều trị bệnh Lyme: Liều thuốc khuyến cáo ở trẻ em và người trưởng thành là 50mg/kg/ngày tối đa không quá 2g/ngày.
Điều trị bệnh lậu: Liều dùng duy nhất 250mg Maxfecef.
Dự phòng trước khi phẫu thuật: Dùng liều duy nhất 1 – 2g Maxfecef 30 – 90 phút trước khi thực hiện phẫu thuật để phòng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Dung dịch thuốc Maxfecef nên được dùng ngay sau khi pha. Độ ổn định của dung dịch thuốc duy trì trong 6 giờ sau khi pha ở nhiệt độ phòng, màu dung dịch dao động từ vàng sáng đến vàng đậm phụ thuộc vào nồng độ và thời gian bảo quản.
Đối với đường tiêm bắp, dung dịch được pha từ 1g Ceftriaxon hòa trong 3,5ml dung môi Lidocain Hydrochlorid 1%, sau đó tiêm vào khối cơ kích thước lớn. Không khuyến cáo tiêm lượng lớn dung dịch tiêm (lớn hơn 1g) vào cùng một vị trí. Dung dịch tiêm pha trong dung môi Lidocain không được dùng đường tiêm tĩnh mạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc Maxfecef
Thuốc Maxfecef có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:
- Rối loạn dạ dày ruột: Tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, nôn, buồn nôn, viêm miệng, viêm lưỡi;
- Thay đổi huyết học: Giảm bạch cầu, tăng bạch cầu eosin, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu;
- Phản ứng trên da: Viêm da dị ứng, phát ban, nổi mày đay, phù nề, hội chứng Steven – Johnson, hội chứng Lyell;
- Bội nhiễm vi khuẩn và vi nấm, viêm đại tràng giả mạc do Clostridium Difficile;
- Phản ứng tại chỗ tiêm: Sưng đau, viêm tĩnh mạch;
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Tăng men gan, đau đầu chóng mặt, bùn mật, tăng creatinin huyết thanh, thiểu niệu, sốt, nấm đường sinh dục, run rẩy và phản ứng đường mật hoặc phản ứng phản vệ
- Kết tủa muối canxi – ceftriaxone đã được quan sát trong túi mật (chủ yếu ở người bệnh được điều trị với liều cao hơn so với liều tiêu chuẩn)
Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị trong trường hợp gặp phải các tác dụng không mong muốn khi điều trị bằng Maxfecef.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Maxfecef
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Maxfecef trong những trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với Ceftriaxone, kháng sinh nhóm Beta – lactam hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Maxfecef;
- Trẻ em đẻ non, trẻ sơ sinh bị vàng da.
4.2. Thận trọng khi sử dụng
Thận trọng khi sử dụng thuốc Maxfecef ở những trường hợp sau:
- Ceftriaxone cũng như các kháng sinh Cephalosporin khác có nguy cơ gây phản ứng phản vệ, đặc biệt ở những người bệnh không biết được tiền sử dị ứng thuốc.
- Thiếu máu tán huyết đã được quan sát thấy ở người bệnh điều trị bằng Cephalosporin bao gồm cả kháng sinh Ceftriaxon. Vì vậy trong thời gian điều trị bằng thuốc Maxfece, nếu người bệnh xuất hiện tình trạng thiếu máu cần được kiểm tra nguy cơ do Ceftriaxone và cần ngưng sử dụng thuốc nếu nguy cơ được xác định.
- Tiêu chảy liên quan đến Clostridium Difficile đã được báo cáo khi điều trị bằng Maxfecef. Vì vậy người bệnh cần được kiểm tra định kỳ nguy cơ nhiễm Clostridium Difficile (CDAD). Trường hợp nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm CDAD cần ngưng sử dụng thuốc Maxfecef và cân nhắc phẫu thuật khi có chỉ định lâm sàng.
- Tương tự như các kháng sinh khác, tái nhiễm vi khuẩn do đề kháng thuốc có thể xảy ra ở người bệnh.
- Đối với phụ nữ đang mang thai: Ceftriaxone qua được hàng rào nhau thai, độ an toàn và hiệu quả của thuốc khi dùng trên phụ nữ có thai chưa được chứng minh cụ thể. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Ceftriaxone không gây quái thai hay độc tính trên phôi thai.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Ceftriaxon bài tiết được vào sữa mẹ với nồng độ thấp, vì vậy khuyến cáo cần thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.
- Tương tác với các chế phẩm chứa Canxi: Các trường hợp phản ứng gây chết người do tạo tủa canxi - ceftriaxon trong phổi và thận đã được mô tả ở trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Ít nhất một trong số các trường hợp này đã được dùng cefiriaxon và canxi ở các thời điểm khác nhau và thông qua đường truyền tĩnh mạch khác nhau.
5. Tương tác thuốc Maxfecef
Hoạt chất Ceftriaxone có tính cạnh tranh khi sử dụng đồng thời với Chloramphenicol.
Dung dịch pha loãng có chứa Canxi không được sử dụng để làm dung môi hòa tan Ceftriaxone.
Không sử dụng cùng đường truyền thuốc Maxfecef với các thuốc Amsacrin, Fluconazol, Vancomycin, Aminoglycosid.
Ceftriaxone có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai nội tiết đường uống, vì vậy người bệnh đang điều trị bằng thuốc Maxfecef cần sử dụng thêm một biện pháp tránh thai thích hợp ngoài đường uống.
Thuốc Maxfecef có thể làm xuất hiện kết quả dương tính giả đối với xét nghiệm Coombs, xét nghiệm Galactose huyết.
Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của Maxfecef, tăng nguy cơ gặp phải tác dụng không mong muốn. Vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị các loại thuốc, thực phẩm bổ sung đang sử dụng trước khi điều trị bằng thuốc Maxfecef.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Maxfecef, trước khi dùng người bệnh cần nắm rõ cách dùng, đối tượng sử dụng nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan tới thuốc có thể trao đổi cùng bác sĩ để có những chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.