Cetuximab là một kháng thể đơn dòng, tác động gắn kết vào mục tiêu cụ thể trên tế bào ung thư, từ đó kích thích hệ thống miễn dịch tiêu diệt chúng. Đây là một trong những biện pháp điều trị ung thư hiện đại. Vậy Cetuximab có tác dụng gì và chỉ định trong trường hợp nào?
1. Cetuximab có tác dụng gì?
Kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm với mục đích gắn vào các mục tiêu cụ thể trên các loại tế bào ung thư. Sau đó kháng thể này sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tấn công tế bào mà nó gắn kết, kết quả là hệ thống miễn dịch sẽ tiêu diệt tế bào.
Cetuximab là phiên bản nhân tạo của một loại kháng thể tự nhiên ở người và có tác dụng ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR). EGFR là một protein biểu hiện quá mức bất thường trong nhiều bệnh ung thư và việc ức chế EGFR dẫn đến giảm sự phát triển của tế bào ác tính cũng như và giảm sản xuất các yếu tố khác gây di căn ung thư. Thuốc Cetuximab được chỉ định điều trị ung thư đầu, cổ và đại trực tràng. Trong đó ung thư đại trực tràng cần xét nghiệm dương tính với đột biến KRAS, do đó người bệnh cần được kiểm tra để tìm đột biến này trước khi bắt đầu sử dụng thuốc Cetuximab.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cetuximab
Thuốc Cetuximab được chỉ định trong điều trị bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn thể RAS không đột biến, có biểu hiện của thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR):
- Kết hợp với hóa trị liệu dựa trên irinotecan;
- Là thuốc đầu tay khi kết hợp với FOLFOX (Irinotecan, Fluorouracil, Leucovorin);
- Đơn trị liệu ở bệnh nhân đã thất bại với liệu pháp dựa trên Oxaliplatin và Irinotecan hoặc người không dung nạp với Irinotecan.
Thuốc Cetuximab còn được sử dụng trong điều trị bệnh ung thư tế bào vảy ở đầu và cổ:
- Kết hợp với xạ trị khi bệnh tiến triển tại chỗ;
- Kết hợp với phác đồ hóa trị có Platinum khi bệnh tái phát và/hoặc di căn.
Cetuximab chống chỉ định ở những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn nghiêm trọng (độ 3 hoặc 4) hoặc khi kết hợp Cetuximab với hóa trị liệu có Axaliplatin cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn RAS đột biến (mCRC) hoặc chưa rõ tình trạng RAS mCRC.
3. Cách sử dụng thuốc Cetuximab
Cetuximab sản xuất để dùng bằng đường truyền tĩnh mạch với liều lượng theo cân nặng của bệnh nhân. Tần suất truyền thuốc Cetuximab phụ thuộc vào loại ung thư và những phương pháp điều trị khác mà bệnh nhân đang nhận. Trước khi dùng liều đầu tiên của Cetuximab, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc như Diphenhydramine để ngăn ngừa phản ứng truyền dịch.
Thời gian truyền thuốc Cetuximab theo khuyến cáo là 120 phút. Đối với các liều hàng tuần, thời gian truyền được khuyến cáo là 60 phút. Tốc độ truyền không được quá 10 mg/phút. Liều Cetuximab đầu tiên nên được truyền chậm và tốc độ truyền không được vượt quá 5 mg/phút.
4. Tác dụng phụ của thuốc Cetuximab
4.1. Phản ứng truyền dịch
Một số bệnh nhân sẽ xuất hiện phản ứng với thuốc Cetuximab, đặc biệt nguy cơ cao ở liều đầu tiên. Các phản ứng có thể bao gồm các biểu hiện như ớn lạnh, sốt, thở gấp, khó thở, khàn giọng, ngứa hoặc huyết áp thấp. Bệnh nhân hãy thông báo với nhân viên y tế ngay lập tức nếu gặp phải bất kỳ điều biểu hiện nào trong số này. Đa số bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho dùng một số thuốc ngăn ngừa phản ứng này và tiếp tục được theo dõi ít nhất 1 giờ sau khi truyền thuốc Cetuximab xong.
4.2. Vấn đề tim mạch
Cetuximab có thể gây ra các vấn đề về tim, bao gồm ngừng tim và nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân có tiền sử bệnh mạch vành và/hoặc xạ trị là nhóm có nguy cơ cao nhất. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu có biểu hiện đau ngực, khó thở hoặc cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu.
4.3. Rối loạn điện giải
Thuốc Cetuximab có thể ảnh hưởng đến nồng độ bình thường của các chất điện giải, bao gồm magie, canxi và kali. Điều này thậm chí có thể xảy ra sau khi bệnh nhân đã hoàn thành điều trị. Bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ các chất điện giải trong quá trình và ít nhất 8 tuần sau khi hoàn thành điều trị với thuốc Cetuximab.
4.4. Thay đổi về móng và da
Cetuximab có thể gây ra tác dụng phụ liên quan đến móng và da. Bệnh nhân có thể bị phát ban, mặc dù có thể tương tự mụn trứng cá, nhưng không phải và không nên điều trị bằng các thuốc trị mụn. Phát ban ngoài da có thể kèm theo đỏ, sưng, đóng vảy và khô, đồng thời khiến bệnh nhân đau nhức. Tình trạng phát ban có thể tồi tệ nhất trong vài tuần đầu điều trị nhưng có thể tiếp tục cho đến khi ngừng điều trị bằng Cetuximab.
Một số biện pháp quản lý làn da của bệnh nhân dùng thuốc Cetuximab bao gồm:
- Sử dụng kem dưỡng da hoặc kem làm mềm da, không chứa cồn ít nhất 2 lần/ngày, kể cả sau khi tắm;
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phát ban, do đó người bệnh nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và đội mũ, đeo kính râm để bảo vệ đầu và mặt;
- Tắm bằng nước mát hoặc nước ấm;
- Sử dụng xà phòng, nước hoa và chất tẩy giặt không chứa cồn hay thuốc nhuộm;
- Mang găng tay khi làm việc nhà hoặc làm vườn;
- Uống nhiều nước và cố gắng không gãi hoặc chà xát da.
Trong thời gian điều trị bằng thuốc Cetuximab, bệnh nhân có thể bị viêm da xung quanh giường móng tay với biểu hiện như đỏ, sưng tấy hoặc có mủ. Tình trạng này có thể khiến móng mọc "gờ" hoặc rụng. Tác dụng phụ này của thuốc Cetuximab có thể xuất hiện vài tháng sau khi bắt đầu điều trị nhưng có thể kéo dài nhiều tháng sau khi ngừng điều trị.
4.5. Tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Thuốc Cetuximab có thể làm cho da của bệnh nhân nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, có thể dẫn đến cháy nắng nghiêm trọng hoặc phát ban. Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời có thể kéo dài ngay cả sau khi kết thúc trị liệu. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khi dùng thuốc Cetuximab và ít nhất 2 tháng sau liều thuốc cuối cùng.
Một số biện pháp để bảo vệ làn da trong thời gian dùng thuốc Cetuximab:
- Tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều;
- Thoa kem chống nắng (ít nhất là SPF 15) hàng ngày;
- Đeo kính râm, đội mũ và mặc quần áo dài;
- Tìm bóng râm bất cứ khi nào có thể.
4.6. Buồn nôn, nôn ói
Nói chuyện với bác sĩ điều trị để tìm các loại thuốc kiểm soát tác dụng phụ này hiệu quả. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thay đổi chế độ ăn uống và hạn chế những thứ làm trầm trọng thêm tình trạng buồn nôn, nôn ói, chẳng hạn như hạn chế ăn quá nhiều, nói không với thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị hoặc có tính axit (như chanh, cà chua, cam).
4.7. Đau nhức và yếu cơ hoặc Khớp
Bác sĩ điều trị có thể giới thiệu các loại thuốc và các chiến lược khác để giúp giảm các tình trạng đau do thuốc Cetuximab gây ra.
4.7. Một số tác dụng phụ ít gặp của Cetuximab
- Thay đổi về tóc: Trong khi dùng thuốc Cetuximab, lông mi của bệnh nhân có thể mọc rất nhanh, rất dài và gây khó chịu cho đôi mắt. Bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ về cách quản lý tốt nhất tác dụng phụ này. Bên cạnh đó, tóc của bệnh nhân có thể trở nên xoăn, mảnh hoặc dễ gãy. Tuy nhiên những thay đổi này có xu hướng hết sau khi ngừng điều trị với Cetuximab;
- Các vấn đề về phổi: Cetuximab có thể gây ra bệnh phổi kẽ (ILD), đặc biệt là ở những người đã có sẵn các vấn đề về phổi. Bệnh nhân có thể kiểm tra hơi thở (kiểm tra chức năng phổi) được thực hiện định kỳ và hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bị khó thở, ho, thở khò khè hoặc thở nhanh.
5. Ảnh hưởng khả năng sinh sản của Cetuximab
Nếu để cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Cetuximab có thể sẽ dẫn đến các dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm cha trong thời gian điều trị bằng thuốc này. Nếu bệnh nhân có thai, bác sĩ sẽ xem xét và quyết định bệnh nhân có nên dùng thuốc Cetuximab hay không. Thực hiện các hình thức kiểm soát sinh sản hiệu quả là việc làm vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị và ít nhất 6 tháng sau khi ngừng điều trị với thuốc Cetuximab. Ngay cả khi chu kỳ kinh nguyệt đã không còn ở nữ giới hoặc có bằng chứng không sản xuất tinh trùng ở nam giới thì khả năng thụ thai và mang thai vẫn có thể xảy ra.
Bệnh nhân đang dùng thuốc Cetuximab không nên cho con bú cho đến ít nhất 2 tháng sau liều điều trị cuối cùng.
Trên đây là những thông tin về thuốc Cetuximab. Người bệnh cần đọc kỹ thông tin về hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.