Công dụng thuốc Cetigam

Thuốc Cetigam là một thuốc thuộc nhóm khoáng chất và vitamin, là sản phẩm của Công ty dược phẩm OPV - Việt Nam. Bài viết sau đây sẽ thông tin tới bạn đọc công dụng của thuốc Cetigam.

1. Thuốc Cetigam là thuốc gì?

Thuốc Cetigam là thuốc gì? Thành phần chính của thuốc Cetigam là Vitamin C / Acid ascorbic (Dưới dạng Acid ascorbic 95%) 500mg, ngoài ra còn có các tá dược vừa đủ 1 viên.

Thuốc Cetigam được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Các quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ x 10 viên; hộp 1 chai 200 viên.

2. Công dụng của thuốc Cetigam:

Dược lực học của Acid ascorbic: Acid ascorbic tan trong nước.

Dược động học của Acid ascorbic:

  • Hấp thụ: Acid ascorbic được hấp thu dễ dàng sau khi uống; Ở người bình thường, chỉ có 50% của một liều uống 1,5 g acid ascorbic được hấp thu. Hấp thu acid ascorbic ở dạ dày - ruột có thể giảm ở người đang có bệnh về dạ dày - ruột, bị ỉa chảy.
  • Nồng độ acid ascorbic trong huyết tương ở người bình thường là khoảng 10 - 20 microgam/ml. Dự trữ toàn bộ acid ascorbic trong cơ thể ước tính khoảng 1,5g với khoảng 30 - 45 mg được luân chuyển hàng ngày. Ở bệnh scorbut, dấu hiệu lâm sàng thường trở nên rõ ràng sau 3 - 5 tháng cơ thể thiếu hụt acid ascorbic.
  • Phân bố: Acid ascorbic khi đưa vào cơ thể phân bố rộng rãi trong các mô. Khoảng 25% acid ascorbic trong huyết tương kết hợp với protein.
  • Thải trừ: Acid ascorbic trải qua quá trình oxy hóa thuận nghịch thành acid dehydroascorbic. Một phần nhỏ acid ascorbic chuyển hóa thành những hợp chất không có hoạt tính như ascorbic acid - 2 - sulfat, acid oxalic; những chất này được bài tiết trong nước tiểu. Nếu lượng acid ascorbic đưa vào vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ được đào thải nhanh chóng ra nước tiểu dưới dạng không biến đổi. Ðiều này thường xảy ra khi lượng acid ascorbic đưa vào cơ thể hàng ngày vượt quá 200 mg.

Tác dụng của thuốc Cetigam:

Thuốc cetigam có tác dụng gì? Vitamin C - Acid ascorbic là hoạt chất tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá của cơ thể:

  • Tham gia cấu tạo collagen và một số thành phần khác, tạo nên mô liên kết ở răng, xương và mạch máu. Do đó nếu thiếu acid ascorbic dẫn tới thành mạch máu không bền, gây chảy máu chân răng hoặc màng xương, sưng nướu răng, dễ rụng răng...
  • Tham gia các quá trình chuyển hoá của cơ thể như chuyển hoá glucid, lipid, protid.
  • Tham gia vào quá trình tổng hợp một số chất như các catecholamin, hoóc môn vỏ thượng thận.
  • Xúc tác cho quá trình chuyển hóa Fe3+ thành Fe2+, nên giúp tăng hấp thu sắt ở tá tràng (vì chỉ có Fe2+ mới được hấp thu tại đây). Vì vậy, nếu thiếu acid ascorbic sẽ gây ra thiếu máu do thiếu sắt.
  • Tăng sự hình thành interferon, làm giảm nhạy cảm của cơ thể với histamin, chống lại stress, vậy nên giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Chống oxy hoá dựa vào cơ chế trung hòa các gốc tự do sản sinh ra từ các phản ứng chuyển hoá, nhờ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào khi kết hợp với vitamin A và vitamin E.

Thuốc Cetigam được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Phòng và điều trị thiếu acid ascorbic (bệnh Scorbut) và các chứng chảy máu do thiếu acid ascorbic, do chế độ ăn thiếu hụt.
  • Thiếu máu do thiếu sắt (do tăng hấp thu sắt).
  • Phối hợp nhằm làm tăng tác dụng các thuốc chống dị ứng.
  • Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong các bệnh nhiễm trùng, cảm, cúm, thời kỳ dưỡng bệnh.

3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Cetigam

Cách dùng: Thuốc Cetigam được dùng đường uống, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng của thuốc Cetigam tùy vào từng trường hợp:

Bệnh thiếu acid ascorbic: Dự phòng: Uống liều 25 - 75 mg mỗi ngày ở cả người lớn và trẻ em.

Điều trị:

  • Người lớn: Uống liều 250 - 500mg/ ngày, chia thành nhiều liều nhỏ, sử dụng ít nhất trong 2 tuần.
  • Trẻ em: Uống liều 100 - 300mg/ ngày, chia thành nhiều liều nhỏ, sử dụng ít nhất trong 2 tuần.

Methemoglobin huyết vô căn, sử dụng khi không có sẵn xanh metylen: 300 - 600 mg/ ngày, chia thành nhiều liều nhỏ.

Khi phối hợp với desferrioxamin nhằm tăng sự đào thải sắt (do tăng tác dụng chelat - hóa của desferrioxamin) liều acid ascorbic: 100 - 200 mg/ngày.

Cần lưu ý: Không nên sử dụng quá 1 g acid ascorbic/ ngày.

4. Chống chỉ định của thuốc Cetigam

Chống chỉ định của thuốc Cetigam trong các trường hợp sau đây:

  • Người bệnh quá mẫn với thành phần thuốc.
  • Không sử dụng Cetigam liều cao cho người bị thiếu hụt men glucose - 6 - phosphat dehydrogenase (G6PD), nguy cơ thiếu máu huyết tán người có tiền sử sỏi thận, tăng oxalat niệu và rối loạn chuyển hóa oxalat, người bị bệnh thalassemia (thuốc làm tăng nguy cơ hấp thu sắt).

5. Tác dụng phụ của thuốc Cetigam

Trong quá trình sử dụng thuốc Cetigam, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ với tần suất như sau:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Thận: Tăng oxalat niệu.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Máu: Thiếu máu tan máu.
  • Tim mạch: Bừng đỏ, suy tim.
  • Thần kinh trung ương: chóng mặt, nhức đầu, ngất xỉu, mệt mỏi.
  • Dạ dày - ruột: Ợ nóng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy.
  • Thần kinh - cơ & xương: đau vị trí cạnh sườn.

6. Tương tác thuốc Cetigam

Tương tác thuốc Cetigam có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:

  • Cetigam làm tăng hấp thu sắt.
  • Cetigam làm giảm bài tiết aspirin.
  • Cetigam làm giảm nồng độ fluphenazin huyết tương.

Cần lưu ý: Uống cách 1 giờ với vitamin B12.

Để tránh tương tác thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ được biết về các loại thuốc, thảo dược và thực phẩm chức năng đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc và đưa ra những lời khuyên phù hợp.

7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cetigam

Trong quá trình sử dụng thuốc Cetigam, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Không nên sử dụng thuốc Cetigam vào lúc đói hay buổi tối bởi sẽ gây khó ngủ.
  • Thận trọng ở bệnh nhân sỏi thận, phụ nữ có thai khi sử dụng thuốc dài ngày.

Bảo quản thuốc Cetigam ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ phòng.

Thuốc Cetigam có thành phần chính của thuốc Cetigam là Vitamin C. Thuốc được sử dụng để phòng và điều trị thiếu acid ascorbic, thiếu máu do thiếu sắt và giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe