Thuốc Ceftizoxim là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, có phổ kháng khuẩn rộng và bền với enzym thủy phân do vi khuẩn tiết ra. Thuốc được chỉ định trong nhiều loại nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu-sinh dục, nhiễm khuẩn da, viêm màng não,...
1. Thuốc Ceftizoxim 1g là thuốc gì?
Thuốc Ceftizoxim có hoạt chất chính là ceftizoxim. Ceftizoxim là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, có phổ kháng khuẩn rộng, bền với enzym thủy phân do vi khuẩn tiết ra. Cơ chế tác dụng của Ceftizoxim tương tự như các cephalosporin khác là ức chế tổng hợp thành tế bào dẫn đến vi khuẩn bị tiêu diệt. Ceftizoxim có tác dụng mạnh trong nhiễm khuẩn Gram âm do các vi khuẩn như Enterobacter spp., Haemophilus influenzae (kể cả chủng kháng ampicillin), Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Morganella morganii, Proteus mirabilis, Neisseria gonorrhoeae, Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa,...Ceftizoxim cũng có tác động trên một số chủng vi khuẩn Gram dương như Streptococcus pneumoniae, các Streptococcus khác (trừ enterococcus), Staphylococcus aureus. Ngoài ra, Ceftizoxim cũng có tác dụng trên một số ít trực khuẩn gram âm kỵ khí bao gồm Bacteroides spp, Bacteroides fragilis, Peptococcus spp và peptostreptococcus spp
Thuốc Ceftizoxim không hấp thu qua đường tiêu hóa nên phải dùng bằng đường tiêm. Thuốc có thời gian bán thải trong huyết thanh khoảng 1,7 giờ, 30% liên kết với protein huyết tương khoảng 30%. Ceftizoxime hầu như không bị chuyển hóa và được thải trừ qua thận dưới dạng không thay đổi trong 24 giờ.
2. Tác dụng của thuốc Ceftizoxim 1g
Thuốc Ceftizoxim được chỉ định trong các loại nhiễm khuẩn sau:
- Nhiễm khuẩn hô hấp.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm
- Nhiễm khuẩn xương khớp
- Viêm màng não do Haemophilus influenzae
- Nhiễm khuẩn huyết
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sinh dục và vùng chậu
- Nhiễm khuẩn ổ bụng
- Nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn gram âm hiếu khí và các vi khuẩn kháng với các Cephalosporin khác
3. Liều thuốc Ceftizoxim
3.1 Bệnh nhân trưởng thành
- Nhiễm khuẩn huyết: Liều từ 1 đến 4g IV hoặc IM mỗi 8 đến 12 giờ trong 14 ngày, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Có thể dùng liều lên đến 12g/ngày cho các trường hợp nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng.
- Viêm bàng quang: Dùng liều 500 mg IV hoặc IM mỗi 12 giờ trong 3 đến 7 ngày.
- Lậu không biến chứng: Nhiễm trùng cổ tử cung, niệu đạo hoặc trực tràng không biến chứng: Dùng liều 500 mg IM một lần. Điều trị với Doxycycline trong 7 ngày (nếu không có thai) hoặc azithromycin liều duy nhất cũng được khuyến cáo để điều trị nhiễm chlamydia đồng thời có thể xảy ra. Bạn tình của bệnh nhân cũng nên được đánh giá và điều trị.
- Nhiễm trùng ổ bụng: Dùng liều 1 đến 4 g IV hoặc IM mỗi 8 đến 12 giờ trong 7 đến 14 ngày, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
- Nhiễm khuẩn khớp: Liều 1 đến 4 g IV hoặc IM mỗi 8 đến 12 giờ trong 3 đến 4 tuần, tùy vào mức độ nặng của nhiễm trùng. Liệu pháp lâu hơn, lên đến 6 tuần, có thể được yêu cầu trong các trường hợp liên quan đến khớp giả nhiễm trùng.
- Bệnh viêm màng não: Liều khuyến cáo là 1 đến 3 g IV mỗi 6 đến 12 giờ trong 10 đến 14 ngày, tùy thuộc vào mức độ nặng của tình trạng nhiễm trùng. Có thể sử dụng liều lên đến 12g/ngày cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng.
- Bệnh viêm vùng chậu: Liều khuyến cáo là 2 g IV mỗi 8 giờ tiếp tục cho đến 24 giờ sau khi thấy cải thiện lâm sàng.
- Bệnh viêm phúc mạc: Liều khuyến cáo là 1 đến 4 g IV hoặc IM mỗi 8 đến 12 giờ trong 10 đến 14 ngày, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể sử dụng liều lên đến 12g/ngày cho các trường hợp nặng, đe dọa tính mạng.
- Viêm phổi: Liều thường dùng là 1 đến 4 g IV hoặc IM mỗi 8 đến 12 giờ trong 7 đến 21 ngày, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Có thể chỉ định liều lên đến 12g/ngày cho những trường hợp nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng.
- Viêm thận bể thận: Liều khuyến cáo là 1 đến 2 g IV hoặc IM sau 8 đến 12 giờ trong 14 ngày.
- Nhiễm trùng da hoặc mô mềm: Liều thường dùng là 1 đến 2 g IV hoặc IM mỗi 8 đến 12 giờ trong 7 tới 10 ngày, hoặc cho đến 3 ngày sau khi tình trạng viêm cấp tính thuyên giảm, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của nhiễm trùng.
3.2 Đối tượng khác
Suy thận:
- CrCl 50 đến 79 mL / phút: Nhiễm trùng không nghiêm trọng, liều 500mg đến 1 g IV hoặc IM mỗi 8 giờ. Nhiễm trùng đe dọa tính mạng, dùng liều 750 mg đến 1,5 g IV mỗi 8 giờ.
- CrCl 5 đến 49 mL / phút: Nhiễm trùng ít nghiêm trọng, tải liều 500mg đến 1g, tiếp theo là liều duy trì 250 đến 500 mg tiêm tĩnh mạch hoặc IM mỗi 12 giờ. Nhiễm trùng đe dọa tính mạng nên dùng liều 500mg đến 1g tiêm tĩnh mạch mỗi 12 giờ.
- CrCl 0 đến 4 mL / phút: Nhiễm trùng ít nghiêm trọng, liều nạp là 500 mg đến 1 g tiếp theo là liều duy trì 500 mg IV hoặc IM mỗi 48 giờ hoặc 250 mg IV hoặc IM mỗi 24 giờ. Nhiễm trùng đe dọa tính mạng, liều khuyến cáo là 500 mg đến 1 g IV mỗi 48 giờ hoặc 500 mg IV hoặc IM mỗi 24 giờ.
Suy gan:
Không cần điều chỉnh liều thuốc Ceftizoxim ở bệnh nhân suy thận
4. Tác dụng phụ của thuốc Ceftizoxim
Khi sử dụng thuốc Ceftizoxim, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ bao gồm:
Thường gặp
- Quá mẫn: Ngứa, phát ban, sốt.
- Gan: Tăng AST (SGOT), ALT (SGPT) và phosphatase kiềm thoáng quá.
- Huyết học: Tăng bạch cầu ái toan, tăng tiểu cầu. Một số bệnh nhân có thể có thử nghiệm Coombs dương tính.
- Tại chỗ: Sưng đỏ, viêm tĩnh mạch khi tiêm tĩnh mạch, viêm mô tế bào, đau, tê cứng, đau, dị cảm.
Ít gặp
- Thận: Đôi khi có thể quan sát thấy sự gia tăng thoáng qua của BUN và creatinin
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ceftizoxim
Cần thận trọng khi dùng thuốc Ceftizoxim ở bệnh nhân có tiền sử thường bị dị ứng.
Bệnh nhân suy thận có thể có nồng độ thuốc trong máu cao hơn và kéo dài hơn, do đó cần thận trọng khi dùng thuốc Ceftizoxim ở bệnh nhân bị suy thận. Trong quá trình điều trị bằng Ceftizoxim, cần theo dõi chức năng thận của bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân nặng phải dùng thuốc liều cao.
Sử dụng Ceftizoxim kéo dài sẽ làm tăng sự phát triển các vi khuẩn kháng thuốc, cần theo dõi cẩn thận bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Ceftizoxim nên được sử dụng cẩn trọng ở bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tiêu hóa, đặc biệt là viêm ruột kết vì đã có báo cáo về trường hợp bị tiêu chảy và viêm ruột kết khi sử dụng các cephalosporin.
Phụ nữ có thai, cho con bú: Hiện tại chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng ceftizoxim ở phụ nữ có thai. Do vậy chỉ nên sử dụng ceftizoxim ở phụ nữ có thai trong trường hợp thật sự cần thiết.
Ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Ceftizoxim không ảnh hưởng đến khả năng lái tàu xe và vận hành máy móc.
6. Tương tác thuốc Ceftizoxim
Sử dụng đồng thời Ceftizoxim với một số thuốc khác có thể làm gia tăng tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả của thuốc. Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý trong quá trình sử dụng Ceftizoxim:
- Độc tính trên thận có thể gia tăng khi dùng đồng thời các kháng sinh cephalosporin và aminoglycosid.
- Sự bài tiết ceftizoxim có thể được giảm khi kết hợp với Aspartame, Pravastatin, Lansoprazole, Zidovudin, Cefdinir,...
- Probenecid có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết thanh, kéo dài thời gian bán thải do cạnh tranh đào thải với Ceftizoxim tại thận
Trên đây là những thông tin cơ bản về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Ceftizoxim. Để đảm bảo hiệu quả và tránh tác dụng phụ, bệnh nhân nên tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.