Cefradine là một kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn nhờ ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Cefradine là gì?
1. Thuốc Cefradine là thuốc gì?
Thuốc Cefradine 1g chứa hoạt chất chính là Cefradine với hàm lượng 1g. Cefradine là một kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp. Dựa vào phổ hoạt động, Cefradin được xếp vào loại cephalosporin thế hệ 1. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn nhờ ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Các cephalosporin thế hệ 1 thường có tác dụng in vitro đối với nhiều cầu khuẩn Gram dương, bao gồm Staphylococcus aureus tiết hoặc không tiết penicilinase, Streptococcus tan máu beta nhóm A và Streptococcus pneumoniae. Cephalosporin thế hệ 1 có tác động hạn chế đối với các vi khuẩn Gram âm.
2. Chỉ định thuốc Cefradine
Thuốc Cefradine được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn da và cấu trúc da, nhiễm khuẩn hô hấp. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu bao gồm: viêm tuyến tiền liệt và nhiều bệnh nhiễm khuẩn nặng khác, phòng ngừa nhiễm khuẩn trong phẫu thuật. Thuốc Cefradine chống chỉ định trong các trường hợp dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Cefradine
- Người lớn: Tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch với liều 500mg - 1g mỗi 6 giờ một lần.
- Trẻ sinh non và trẻ nhỏ cho tới 1 năm tuổi: Chưa xác định liều thuốc Cefradine ở các đối tượng này. Do đó nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế.
- Trẻ em 1 tuổi và lớn hơn: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch với liều 12,5 - 25 mg/kg, 6 giờ một lần.
- Dự phòng phẫu thuật: Đối với người mổ đẻ, tiêm tĩnh mạch 1g. Đối với các loại phẫu thuật khác, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1g, trước khi phẫu thuật 30 phút đến 1 giờ và lặp lại sau 4 đến 6 giờ nếu cần. Tuy nhiên không được dùng thuốc Cefradine quá 8g/ngày.
- Bệnh nhân suy thận: Phải giảm liều đối với bệnh nhân suy thận. Nhà sản xuất khuyên dùng liều nạp ban đầu là 750mg, tiếp theo là các liều duy trì 500 mg
4. Tác dụng phụ của thuốc Cefradine
Bệnh nhân sử dụng thuốc Cefradine có thể gặp phải các tác dụng phụ như sau:
Thường gặp:
- Toàn thân: Sốt, sốc phản vệ, phản ứng giống bệnh huyết thanh.
- Da: Ban da, mày đay, nổi mẩn.
- Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, mất bạch cầu hạt, biến chứng chảy máu
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc.
Ít gặp
- Thận: Hoại tử ống thận cấp nếu dùng liều quá cao và thường xảy ra ở người cao tuổi hoặc người có tiền sử suy thận, viêm thận kẽ cấp tính.
Hiếm gặp
- Gan: Viêm gan, vàng da ứ mật.
- Toàn thân: Có thể đau ở chỗ tiêm bắp và viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi truyền tĩnh mạch với liều trên 6g/ngày và dùng trên 3 ngày.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Cefradine
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Cefradine, bệnh nhân cần lưu ý một số điểm sau:
- Trước khi bắt đầu sử dụng Cefradin, phải điều tra kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác. Khoảng 10% bệnh nhân mẫn cảm với penicilin cũng có thể dị ứng chéo với các cephalosporin khác, vì vậy phải rất thận trọng khi dùng Cefradin cho những bệnh nhân đó.
- Thận trọng khi dùng thuốc Cefradin cho bệnh nhân suy thận và có thể cần phải giảm liều. Nên theo dõi chức năng thận trong khi điều trị, đặc biệt là khi dùng thuốc thời gian dài và với liều cao.
- Sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các vi khuẩn đề kháng thuốc.
- Dùng thuốc kháng sinh lâu ngày có thể gây tiêu chảy, đây cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng mới. Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy (đặc biệt là tiêu chảy ra máu), hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
- Phụ nữ mang thai: Thuốc Cefradin qua nhau thai rất nhanh. Các kháng sinh cephalosporin thường được xem là an toàn khi dùng cho người mang thai.
- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Cefradin được tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ ở trẻ đang bú là thay đổi hệ vi khuẩn ruột, tác động trực tiếp lên trẻ em và ảnh hưởng đến kết quả cấy vi khuẩn khi cần phải kiểm tra vi sinh. Tuy nhiên, Cefradin cũng như các kháng sinh cephalosporin khác được xếp vào nhóm có thể dùng khi đang cho con bú.
6. Tương tác thuốc của Cefradine
Sử dụng đồng thời thuốc Cefradine với một số thuốc khác có thể làm tăng/giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc. Dưới đây là một số tương tác, tương kỵ cần lưu ý khi sử dụng thuốc Cefradine:
- Dùng đồng thời thuốc Cefradine với Probenecid sẽ gây cạnh tranh ức chế bài tiết ở ống thận, làm tăng nồng độ của thuốc trong huyết thanh
- Không nên trộn lẫn thuốc Cefradin tiêm với các kháng sinh khác. Trộn kháng sinh Cefradin với Aminoglycosid sẽ làm mất hoạt lực của cả hai loại. Nếu cần dùng đồng thời cả 2 loại để điều trị, phải tiêm ở hai vị trí khác nhau.
Tốt nhất bệnh nhân cần thông báo với nhân viên y tế tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin đang sử dụng để được tư vấn.
Bài viết đã cung cấp về công dụng, liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Cefradine. Nếu cần thêm thông tin gì về thuốc, bệnh nhân nên hỏi ý kiến nhân viên y tế để được tư vấn chuyên sâu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.