Cefalotin là 1 loại thuốc kháng sinh, có tác dụng mạnh đối với vi khuẩn Gram dương và trung bình đối với vi khuẩn Gram âm. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Cefalotin sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Thuốc Cefalotin có tác dụng gì?
Cefalotin thuộc nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng và chống nhiễm khuẩn, kháng virus và nấm. Thuốc có thành phần chính là Cefalotin (dưới dạng Cefalotin natri) hàm lượng 1g. Cefalotin là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 1, có tác dụng do ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Thuốc Cefalotin bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm và được chỉ định dùng trong điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, Cefalotin không phải là lựa chọn đầu tiên, thuốc thường được xem là lựa chọn thứ hai thay thế cho Penicilin để điều trị nhiễm khuẩn huyết, viêm xương - tủy, viêm màng trong tim và các trường hợp nhiễm khuẩn nặng khác.
Ngoài ra, Cefalotin cũng được chỉ định dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp (bao gồm viêm phế quản - phổi, viêm phổi, áp xe phổi), viêm mủ màng phổi, nhiễm khuẩn đường ruột nặng, áp xe bụng hay màng bụng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu (có biến chứng, bao gồm viêm bàng quang, viêm thận - bể thận cấp tính và mãn tính) và nhiễm khuẩn ngoại khoa sau phẫu thuật.
2. Cách dùng và liều lượng thuốc Cefalotin
Thuốc Cefalotin được dùng theo đường tiêm, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Kỹ thuật tiêm được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc nhân viên y tế.
Liều dùng Cefalotin ở người lớn cụ thể như sau:
- Liều thông thường: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp với liều từ 500mg - 1g/ lần, tùy vào mức độ nhiễm khuẩn tiêm 4 - 6 giờ/ lần.
- Liều điều trị đối với tình trạng nhiễm khuẩn nặng: Tiêm tĩnh mạch với liều 2g/lần, tiêm 4 lần/ ngày và có thể tăng lên 12g/ngày (tăng 2g mỗi giờ) nếu tình trạng nhiễm khuẩn có thể gây đe dọa đối với tính mạng người bệnh.
- Liều dự phòng nhiễm khuẩn trong điều trị ngoại khoa phẫu thuật: Trước khi phẫu thuật tiêm tĩnh mạch Cefalotin với liều từ 1 - 2g trong vòng 30 - 60 phút. Trong và sau khi phẫu thuật tiêm tĩnh mạch với liều từ 1 - 2g/ lần và 4 lần/ ngày.
Liều dùng Cefalotin ở trẻ em cụ thể như sau:
- Liều thông thường: 80 - 160mg/ kg cân nặng/ ngày, chia tổng liều thành 3 - 4 lần sử dụng trong ngày. Liều dùng tối đa có thể tăng lên 160mg/ ngày, tuy nhiên không được vượt quá 10 - 12g/ ngày.
- Liều điều trị Staphylococcus aureus gây nhiễm khuẩn phổi và dẫn đến xơ nang: 25 - 50mg/ kg cân nặng/ lần, cách 6 giờ/ lần. Liều dùng tối đa ở trẻ không được vượt quá tổng liều dùng ở người lớn.
Liều dùng Cefalotin ở trẻ sơ sinh cụ thể như sau:
- Liều thông thường: Tiêm tĩnh mạch từ 50 - 100mg/ kg cân nặng/ ngày, chia tổng liều thành 2 - 3 lần sử dụng trong ngày. Trong khi tiêm cần theo dõi độc tính của thuốc đối với thận, số bạch cầu trung tính, trẻ có bị dị ứng hay phát ban không.
- Liều điều trị dự phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật ngoại khoa: 20 - 30mg/ kg cân nặng, 24 giờ sau phẫu thuật thì ngừng thuốc.
Liều dùng Cefalotin ở bệnh nhân suy thận cụ thể như sau:
- Người lớn: Giảm liều dùng với liều ban đầu là tiêm tĩnh mạch từ 1 - 2g. Sau đó, tùy vào độ thanh thải creatinin sẽ điều chỉnh liều dùng phù hợp. Độ thanh thải creatinin từ 50 đến 80ml/ phút, liều dùng duy trì là 2g/ 6 giờ. Độ thanh thải creatinin từ 25 đến dưới 50ml/ phút, liều dùng Cefalotin duy trì là 1,5g/ 6 giờ. Độ thanh thải creatinin từ 10 đến dưới 25ml/phút, liều dùng duy trì là 1g/ 6 giờ. Độ thanh thải creatinin từ 2 đến dưới 10ml/phút, liều dùng duy trì là 0,5g/ 6 giờ. Độ thanh thải creatinin dưới 2ml/ phút, liều dùng duy trì là 500mg/ 8 giờ.
- Trẻ em: Suy thận vừa dùng Cefalotin với liều giảm 75 - 100% so với liều thông thường trong 12 giờ. Trẻ tiểu khó dùng liều giảm 1/2 so với liều thông thường trong vòng 12 - 24 giờ.
Quá liều Cefalotin có thể gây ra các triệu chứng như co giật, phản ứng quá mẫn đối với thần kinh cơ, nhất là bệnh nhân suy thận. Khi bị quá liều, tùy vào triệu chứng có biện pháp xử trí phù hợp. Đối với co giật, nên ngừng thuốc ngay và áp dụng liệu pháp để chống co giật. Bên cạnh đó, người bệnh cần được hỗ trợ thông khí, bảo vệ đường hô hấp và truyền dịch, đồng thời theo dõi các dấu hiệu sinh tồn khác.
Truyền máu, thẩm tách máu có thể được áp dụng nếu tình trạng quá liều Cefalotin nghiêm trọng ở bệnh nhân suy thận và thất bại trong điều trị bảo tồn.
3. Tác dụng phụ của thuốc Cefalotin
Thuốc Cefalotin có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:
- Thường gặp: Tại vị trí tiêm bắp đau, chai cứng; tiêu chảy, chảy máu, tăng bạch cầu ưa axit và nổi ban sần trên da.
- Ít gặp: Nổi mày đay, sốt.
- Hiếm gặp: Cefalotin hiếm khi gây buồn nôn, nôn, viêm đại tràng màng giả, viêm thận kẽ, nhiễm độc thận (tăng ure và creatinin trong máu tạm thời), vàng da ứ mật, tăng nhẹ AST và ALT, thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu và bạch cầu trung tính, phản ứng phản vệ hoặc giống bệnh huyết thanh, nhiễm nấm Candida, đau khớp và dương tính xét nghiệm Coombs.
- Chưa xác định được tần suất: Chưa xác định được Cefalotin có gây tác dụng phụ là nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, viêm tĩnh mạch nếu dùng liều cao chưa.
Nếu có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng Cefalotin, người bệnh cần được theo dõi và xử trí ngay lập tức.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Cefalotin
- Không dùng Cefalotin ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc.
- Thận trọng khi dùng Cefalotin ở người bị dị ứng với kháng sinh nhóm beta-lactam vì có thể xảy ra phản ứng quá mẫn chéo gây sốc phản vệ. Vì vậy, cần sẵn sàng điều trị chống sốc phản vệ ở nhóm đối tượng này.
- Bệnh nhân suy thận nếu dùng Cefalotin cần được theo dõi kỹ lưỡng chức năng thận, thời gian máu đông, đặc biệt là khi dùng liều cao trong thời gian dài. Nguy cơ nhiễm độc thận có thể tăng lên khi kết hợp Cefalotin với Gentamicin và Aminoglycosid.
- Thận trọng khi dùng Cefalotin trong thời gian dài vì có thể dẫn đến bội nhiễm, khi đó, người bệnh phải ngừng thuốc ngay.
- Người bệnh bị tiêu chảy nặng do dùng Cefalotin cần được điều trị, đồng thời cần được chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc.
- Thận trọng khi xét nghiệm khử đồng của glucosa ở bệnh nhân nhiễm khuẩn đường niệu đang điều trị bằng Cefalotin vì thuốc có thể cho kết quả dương tính giả.
- Thận trọng khi dùng Cefalotin ở phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú. Chỉ được sử dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.
- Khi theo dõi chức năng thận ở bệnh nhân đang điều trị bằng Cefalotin cần thận trọng vì thuốc có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ creatinin khi đo theo phương pháp Jaffé.
- Cefalotin có thể tương tác với thuốc kháng sinh aminoglycosid và gây độc tính ở thận, làm tổn thương thận.
- Nếu dùng đồng thời với probenecid có thể gây ức chế bài tiết ở thận và với các chất kìm khuẩn có thể gây đối kháng.
- Ở những bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim sung huyết, phù đang điều trị với Cefalotin cần kiểm soát và hạn chế natri trong chế độ ăn.
- Không dùng đồng thời Cefalotin với các aminoglycosid khác vì tương kỵ thuốc có thể gây ra kết tủa. Do đó, để hạn chế tình trạng tương tác hoặc tương kỵ thuốc, người bệnh cần báo cho bác sĩ các loại thuốc đã và đang sử dụng (kể cả thuốc kê đơn hoặc không, thảo dược và thực phẩm chức năng).
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Cefalotin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Cefalotin là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.