Cefacyxim là một kháng sinh dùng bằng đường tiêm, thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3. Thuốc thường được chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng và dự phòng nguy cơ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
1. Cefacyxim là thuốc gì?
Cefacyxim là một kháng sinh với hoạt chất chính là Cefotaxim Natri 1g, bào chế dạng bột đông khô pha tiêm.
Cefotaxime là một loại kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, có phổ rộng.
Những loại vi khuẩn thường nhạy cảm với thuốc kháng sinh này bao gồm Enterobacter, E.coli, Serratia, Shigella, Salmonella, P. mirabilis, P.vulgaris, Haemophilus influenzae, Haemophilus spp,...
Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy nhiều loại vi khuẩn hiện đang kháng lại với kháng sinh này. Cho nên, đảm bảo việc dùng thuốc hiệu quả nên dùng theo kết quả kháng sinh đồ.
Cefotaxime được dùng bằng đường tiêm và hấp thu nhanh sau tiêm. Thuốc này được phân bố rộng khắp các mô và dịch. Nồng độ thuốc trong dịch não tuỷ đạt mức mà có tác dụng điều trị, nhất là khi viêm màng não thì nồng độ thuốc tăng hơn. Cefotaxim có thể đi qua nhau thai và có trong sữa mẹ.
2. Thuốc Cefacyxim có tác dụng gì?
Thuốc Cefacyxim có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ức chế vi khuẩn tổng hợp vách tế bào. Đây là thuốc có tác dụng kháng khuẩn mạnh, phổ rộng chỉ nên dùng khi nhiễm khuẩn nặng, thuốc được chỉ định trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn nhạy cảm sau:
- Nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn xương, khớp, viêm màng tim do cầu khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm; bệnh viêm màng não do vi khuẩn.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm;
- Nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn phụ khoa và sản khoa;
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, tiết niệu;
- Nhiễm bệnh lậu.
- Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cefacyxim
Cách dùng: Thuốc Cefacyxim được dùng bằng đường tiêm bắp hay tiêm truyền tĩnh mạch. Việc pha dung dịch tiêm truyền và tiêm truyền được thực hiện bởi nhân viên y tế.
Liều lượng:
- Đối với người lớn:
- Nhiễm khuẩn không biến chứng dùng 1g/ 12 giờ, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch.
- Nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não: Dùng 2g mỗi 6 - 8 giờ, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch.
- Nhiễm lậu cầu không biến chứng liều duy nhất 1g, tiêm bắp.
- Đối với bệnh lậu đay có biến chứng lan tỏa: Tiêm tĩnh mạch 1g cách mỗi 8 giờ một lần; tiếp tục dùng cefotaxim trong vòng 24 - 48 giờ sau khi bệnh đã được cải thiện; sau đó có thể chuyển sang kháng sinh uống như cefixim hoặc cefpodoxim ít nhất một tuần để bệnh khỏi hoàn toàn.
- Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật: Dùng 1g và tiêm 30 phút trước mổ.
- Đối với trẻ em:
- Trẻ 2 tháng hoặc < 12 tuổi: Dùng với liều 50mg - 150mg/ kg/ ngày, chia làm 3 - 4 lần, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch.
- Trẻ sơ sinh > 7 ngày: Dùng 75 - 150mg/ kg/ ngày, chia làm 3 lần, tiêm tĩnh mạch.
- Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh < 7 ngày: Dùng với liều 50mg/ kg/ ngày, chia làm 2 lần, tiêm tĩnh mạch.
- Suy thận với độ thanh thải creatinin < 10mL: Dùng liều tấn công như bình thường sau đó các liều duy trì thì giảm nửa liều. Mỗi ngày dùng không quá 2g.
- Suy gan: Không cần điều chỉnh liều cho những người bệnh có chức năng gan suy giảm nhẹ và vừa, trừ khi bệnh nhân có chức năng thận cùng bị suy giảm. Đối với bệnh gan nặng được khuyến cáo điều chỉnh giảm liều.
4. Tác dụng phụ của thuốc Cefacyxim
Ngoài tác dụng điều trị chính của thuốc kháng sinh này, thì bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Tiêu chảy, nôn, buồn nôn; viêm tắc tĩnh mạch tại vị trí tiêm; đau, chai cứng và có phản ứng viêm tại chỗ tiêm bắp; mẩn ngứa, phát ban.
- Ít gặp: Giảm bạch cầu ưa eosin hoặc giảm số lượng bạch cầu nói chung; làm test Coombs dương tính; có thể gây bội nhiễm do vi khuẩn kháng thuốc này như Pseudomonas aeruginosa, Enterobacter spp,... nhức đầu; hoa mắt, chóng mặt và ảo giác; nhiễm nấm candida, viêm âm đạo.
- Hiếm gặp: Sốc phản vệ, các phản ứng quá mẫn khác như sốt, phản ứng quá mẫn trên da; giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu; loạn nhịp tim; viêm kết tràng có màng giả hoặc tiêu chảy nặng do Clostridium difficile; tăng bilirubin và các enzym của gan trong huyết tương.
Bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra bạn nghĩ do thuốc nên báo lại với bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
5. Những điều cần chú ý khi dùng thuốc Cefacyxim
- Không dùng thuốc Cefacyxim khi người bệnh dị ứng với Cefotaxim hay hoạt chất khác trong thuốc; dị ứng với kháng sinh khác thuộc nhóm Cephalosporin.
- Trước khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh cefotaxim, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicillin hoặc thuốc khác. Phản ứng dị ứng chéo giữa penicilin với cephalosporin xuất hiện trong 5 - 10% trường hợp. Phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh cefotaxim cho người bệnh bị dị ứng với kháng sinh nhóm penicillin.
- Dùng thuốc kháng sinh dài ngày có thể bị bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn, kể cả bao gồm trường hợp bị tiêu chảy do nhiễm Clostridium difficile và viêm kết tràng màng giả. Phải thay đổi kế hoạch điều trị phù hợp.
- Thận trọng khi dùng thuốc này với những người bệnh có tiền sử co giật; đặc biệt ở những người bệnh suy thận mà không giảm liều, do tăng nguy cơ co giật. Nếu co giật xảy ra trong khi điều trị với cefotaxim thì phải ngừng dùng thuốc này và cần có chỉ định điều trị chống co giật.
- Nếu đồng thời dùng các thuốc thuốc có khả năng gây độc đối với thận (ví dụ như các kháng sinh nhóm aminoglycosid) thì phải theo dõi kiểm tra chức năng thận thường xuyên.
- Thuốc có thể qua nhau thai cho nên không dùng cho phụ nữ mang thai. Chỉ được sử dụng nếu nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Mặc dù chỉ một lượng nhỏ thuốc qua được sữa mẹ, nhưng khi người mẹ cho con bú dùng thuốc thì có thể ảnh hưởng tới 3 vấn đề ở trẻ bú mẹ đó là khuẩn chí đường ruột, xét nghiệm khi trẻ bị nhiễm khuẩn, kháng kháng sinh. Chỉ nên dùng khi cần và theo dõi phản ứng của trẻ bú mẹ.
- Tương tác thuốc: Probenecid làm giảm đào thải thuốc: Nhóm Cephalosporin và colistin (kháng sinh thuộc nhóm polymyxin) khi dùng đồng thời có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận; Cefotaxim khi dùng có thể làm giảm hoạt lực của vắc xin thương hàn. Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng gây tương tác, bạn nên nói với bác sĩ về thuốc đang dùng.
Thuốc kháng sinh Cefacyxim chỉ được dùng dưới chỉ định của bác sĩ và khi nhiễm khuẩn nặng không đáp ứng kháng sinh đường uống. Bạn cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng và những phản ứng bất lợi khi dùng thuốc.