Cefaclor Stada 500 là thuốc kháng sinh với thành phần chính cefaclor dùng để điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiết niệu, đặc biệt sau khi đã dùng các kháng sinh thông thường thất bại. Tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về thuốc Cefaclor.
1. Thuốc Cefaclor 500 là gì?
Cefaclor là một kháng sinh nhóm cephalosporin uống, bán tổng hợp, thế hệ 2, có tác dụng diệt vi khuẩn đang phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Cefaclor có tác dụng đối với cầu khuẩn gram dương tương tự cephalothin, nhưng có tác dụng mạnh hơn đối với các vi khuẩn gram âm, đặc biệt với Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis, ngay cả với H. influenzae và M. catarrhalis sinh ra beta - lactamase.
2. Cefaclor có tác dụng gì?
- Viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp, viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới không biến chứng (viêm bàng quang).
- Nhiễm khuẩn da và phần mềm do Staphylococcus aureus nhạy cảm và Streptococcus pyogenes: viêm da, nhiễm trùng do vết thương, viêm mô tế bào, nhọt.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới như viêm phổi, viêm phế quản.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm như Viêm niệu đạo do lậu cầu.
Mặt khác, thuốc không được phép kê đơn trong các trường hợp mẫn cảm với kháng sinh nhóm Cephalosporin.
3. Liều dùng và cách dùng Cefaclor Stada 500mg
Thuốc Cefaclor dùng đường uống, uống vào lúc đói. Liều dùng của thuốc sẽ phụ thuộc vào mục đích điều trị bệnh:
- Viêm họng, viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới: Uống 500mg x 2 lần/ ngày.
- Ðối với các nhiễm khuẩn nặng hơn, dùng liều 500mg x 3 lần/ ngày. Liều giới hạn thường kê đơn cho người lớn: Tối đa 4g/ngày.
- Cefaclor có thể dùng cho người bệnh suy thận. Trường hợp suy thận nặng, cần điều chỉnh liều cho người lớn như sau: Nếu độ thanh thải creatinine 10–50 ml/phút, dùng 50% liều thường dùng; nếu độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút, dùng 25% liều thường dùng.
- Người bệnh phải chạy thận nhân tạo: Liều khởi đầu từ 250 – 1000mg trước khi thẩm tách máu và duy trì liều điều trị 500 mg cứ 6 – 8 giờ một lần, trong thời gian giữa các lần thẩm tách.
4. Tác dụng phụ của Cefaclor Stada 500mg
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Tăng bạch cầu ưa eosin, tiêu chảy, ban da dạng sởi.
- Ít gặp: Tăng tế bào lympho, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính; Buồn nôn, nôn; Ngứa, nổi mề đay; Ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, bệnh nấm Candida.
- Hiếm gặp: Hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc (hội chứng Lyell), ban da mụn mủ toàn thân, phản ứng phản vệ, sốt, viêm hoặc đau khớp, sốt hoặc không, có thể kèm theo hạch to, protein niệu, thiếu máu tan huyết; Viêm đại tràng giả mạc.
5. Lưu ý khi sử dụng Cefaclor Stada 500mg
- Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử mẫn cảm với cephalosporin, đặc biệt với Cefaclor, hoặc với penicillin, hoặc với các thuốc khác.
- Thận trọng với người bệnh dị ứng với penicillin vì có mẫn cảm chéo.
- Cefaclor dùng dài ngày có thể gây viêm đại tràng giả mạc. Thận trọng đối với người bệnh có tiền sử đường tiêu hóa, đặc biệt viêm đại tràng.
- Cần thận trọng khi dùng Cefaclor cho người có chức năng thận suy giảm nặng.
- Test Coombs (+) trong khi điều trị bằng Cefaclor. (thiếu máu do tan máu)
- Tìm glucose niệu (đường trong nước tiểu) bằng các chất khử có thể dương tính giả.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho người lái xe và vận hành máy móc vì thuốc có thể gây chóng mặt, ảo giác và buồn ngủ.
- Cefaclor chỉ được chỉ định dùng ở người mang thai khi thật cần thiết.
- Nồng độ Cefaclor trong sữa mẹ rất thấp. Tác động của thuốc trên trẻ đang bú mẹ chưa rõ nhưng nên chú ý khi thấy trẻ bị tiêu chảy, tưa và nổi ban.
6. Tương tác thuốc Cefaclor Stada 500mg
- Dùng đồng thời Cefaclor và thuốc warfarin (thuốc dự phòng điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu) có thể gây tăng thời gian prothrombin, gây chảy máu hay không chảy máu về lâm sàng (hiếm gặp). Nên theo dõi thường xuyên thời gian prothrombin và điều chỉnh liều nếu cần thiết.
- Thuốc Probenecid (thuốc làm tăng đào thải acid uric qua nước tiểu) làm tăng nồng độ Cefaclor trong huyết thanh.
- Cefaclor dùng đồng thời với các thuốc kháng sinh aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu furosemid làm tăng độc tính đối với thận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.