Công dụng thuốc Carvas

Thuốc Carvas là một thuốc có tác dụng ức chế thụ thể beta và ức chế thụ thể Alpha 1 của hệ Adrenergic. Thuốc được dùng trong điều bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim và bệnh mạch vành. Cùng tìm hiểu những thông tin về thuốc Carvas qua bài viết dưới đây.

1. Carvas là thuốc gì?

Carvas là thuốc gì? Thuốc Carvas có thành phần hoạt chất chính là Carvedilol, được bào chế dạng viên nén hàm lượng 6.25mg và 12.5mg.

Carvedilol có tác dụng làm giảm nhịp tim thông qua việc ức chế thụ thể beta adrenergic. Đồng thời, Carvedilol cũng có tác dụng trên thụ thể alpha-1 adrenergic giúp làm giãn cơ trơn mạch máu, từ đó giảm sức cản mạch ngoại vi và giảm huyết áp tổng thể.

Khi dùng thuốc này ở liều cao hơn, hoạt động ngăn chặn kênh canxi và chống oxy hóa cũng nhận thấy. Tác dụng chống oxy hóa của carvedilol ngăn chặn quá trình oxy hóa LDL và sự hấp thu của nó vào tuần hoàn mạch vành.

Trong điều trị kéo dài ở những bệnh nhân đau thắt ngực, Carvedilol có tác dụng chống thiếu máu cục bộ và giúp giảm đau. Ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thất trái hoặc suy tim sung huyết, khi dùng Carvedilol có tác dụng thuận lợi trên huyết động học, tăng phân suất tống máu thất trái.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Carvas

Chỉ định:

Thuốc Carvas công dụng giảm huyết áp, giảm nhịp tim và tăng tuần hoàn ở mạch vành nên được chỉ định dùng trong trường hợp sau:

  • Tăng huyết áp: Thuốc có thể dùng đơn độc hoặc có thể kết hợp với thuốc khác hạ áp khác, đặc biệt kết hợp với thuốc lợi tiểu loại thiazid.
  • Điều trị suy tim: Carvedilol được chỉ định dùng kết hợp với các thuốc như digoxin, thuốc lợi tiểu và/hoặc thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin để điều trị trong bệnh suy tim sung huyết vừa đến nặng do thiếu máu cục bộ hoặc bệnh cơ tim để làm giảm tiến triển của bệnh.
  • Đau thắt ngực: Giúp giảm triệu chứng đau ngực và nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Chống chỉ định:

Thuốc Carvas chống chỉ định với các trường hợp sau:

  • Suy tim cấp;
  • Suy tim sung huyết mất bù phân độ III - IV theo NYHA chưa được điều trị với phác đồ chuẩn.
  • Hen phế quản hoặc bệnh co thắt phế quản vì có thể dẫn đến cơn hen.
  • Sốc do tim; nhịp tim chậm nặng hoặc rối loạn dẫn truyền như block nhĩ - thất độ II, độ III.
  • Suy gan có triệu chứng hay suy gan nặng.
  • Mẫn cảm với Carvedilol hay với bất cứ thành phần nào của thuốc.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Carvas

3.1 Cách dùng

Thuốc Carvas được dùng bằng đường uống, khi uống người bệnh nên uống cùng một thời điểm trong ngày để tránh quên liều và đảm bảo nồng độ thuốc trong máu.

3.2 Liều dùng

Người lớn:

  • Tăng huyết áp: Khởi đầu dùng với liều đầu tiên 12,5 mg, ngày uống 1 lần; sau 2 ngày có thể cần tăng lên 25mg, uống ngày 1 lần. Một cách bắt đầu khác, liều đầu tiên 6,25 mg ngày uống 2 lần, sau từ 1 đến 2 tuần tăng lên tới 12,5 mg, ngày uống 2 lần. Nếu cần, liều dùng có thể tăng thêm, mỗi lần tăng cách nhau ít nhất 2 tuần, cho tới tối đa là 50mg, ngày uống 1 lần, hoặc có thể chia làm nhiều liều. Đối với người cao tuổi bị tăng huyết áp dùng 12,5 mg ngày uống 1 lần có thể có hiệu quả.
  • Đau thắt ngực: Khởi đầu dùng với liều 12,5mg, ngày uống 2 lần; sau 2 ngày có thể tăng tới 25mg, ngày 2 lần.
  • Suy tim: Trước khi bắt đầu carvedilol cho suy tim sung huyết, người bệnh phải được điều trị suy tim ổn định với phác đồ chuẩn (glycosid trợ tim, thuốc lợi tiểu, và/hoặc ức chế enzym chuyển angiotensin).
    • Uống với liều 3,125 mg/ lần và ngày 2 lần trong 2 tuần. Sau đó, nếu như bệnh nhân dung nạp được liều đó có thể tăng tới 6,25 mg, ngày uống 2 lần.
    • Có thể tăng liều dần dần sau khoảng cách mỗi 2 tuần và tối đa không vượt quá 25 mg, ngày uống 2 lần đối với người bệnh cân nặng dưới 85 kg, suy tim nặng hoặc không quá 50 mg, ngày uống 2 lần đối với người cân nặng trên 85 kg, suy tim nhẹ và trung bình.
  • Bệnh nhân gặp phải rối loạn thất trái sau nhồi máu cơ tim: Dùng liều khởi đầu 6,25 mg, ngày uống 2 lần, sau từ 3 - 10 ngày có thể tăng liều 12,5mg, ngày uống 2 lần và liều tối đa có thể dùng 25mg, ngày uống 2 lần.
  • Bệnh cơ tim vô căn: Dùng với liều từ 6,25 - 25 mg/lần, ngày uống 2 lần.

Trẻ em:

  • Đối với trẻ tuổi từ 2 đến 18 bị suy tim liều khởi đầu uống 50 mg/kg ( tối đa không quá 3,125 mg), ngày uống 2 lần trong 2 tuần.
  • Sau đó, nếu như trẻ dung nạp được, liều có thể tăng tới 350 mg/kg (tối đa 25 mg), ngày uống 2 lần.

3.3 Quá liều và quên liều

Quá liều:

  • Triệu chứng: Quá liều carvedilol và một số thuốc có tác dụng chẹn thụ thể beta khác thường gây ra tình trạng tụt huyết áp, chậm nhịp tim, suy tim, sốc tim và có thể ngừng tim. Carvedilol còn có thể gây ra co thắt phế quản, nôn, lú lẫn, động kinh toàn thể khi dùng với liều cao.
  • Cách xử lý khi quá liều: Khi có các triệu chứng của quá liều hay dùng liều lớn hơn quy định bệnh nhân cần phải được nằm đầu thấp và đưa vào khu cấp cứu. Trước hết bệnh nhân phải được rửa dạ dày, sau đó tùy vào dấu hiệu quá liều sẽ tiến hành các bước điều trị phù hợp.

Quên liều: Nếu quên uống một liều thuốc, bạn hãy uống thuốc này càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu như gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên. Không uống gấp đôi liều dùng để bù liều đã quên.

4. Tác dụng phụ của Carvas

Khi dùng thuốc bạn có thể gặp phải tác dụng phụ sau:

  • Thường gặp: Nhức đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, gây ra hạ huyết áp tư thế, buồn nôn.
  • Ít gặp: Nhịp tim chậm, tiêu chảy, đau bụng.
  • Hiếm gặp: Tăng tiểu cầu, gây giảm bạch cầu, giảm điều hòa tuần hoàn ngoại biên, ngất, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, dị cảm như kiến bò, nôn, táo bón, mày đay, ngứa, vảy nến; tăng transaminase gan; giảm tiết nước mắt dễ bị kích ứng mắt mũi; ngạt mũi.

Khi gặp phải các tác dụng bất thường bạn nên báo với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

5. Cần lưu ý điều gì khi dùng thuốc Carvas

  • Thận trọng khi dùng thuốc này ở người bệnh suy tim sung huyết đang điều trị với digitalis, thuốc lợi tiểu, hoặc thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin.
  • Trong khi dùng thuốc người bệnh có nguy cơ bị suy tim mất bù và/hoặc giảm huyết áp nặng cao nhất trong 30 ngày đầu điều trị. Cho nên, cần theo dõi các dấu hiệu này trong khoảng thời gian đầu dùng thuốc. Nếu hạ huyết áp nặng xảy ra, người bệnh cần được nằm đầu thấp và đưa tới cơ sở y tế.
  • Lưu ý khi dùng thuốc ở người bệnh có đái tháo đường không hoặc khó kiểm soát.
  • Ngừng điều trị bằng thuốc Carvas khi thấy xuất hiện dấu hiệu thương tổn gan.
  • Sử dụng thuốc thận trọng ở những người có bệnh động mạch ngoại biên, những người bệnh gây mê, người bệnh có hội chứng nhiễm độc giáp.
  • Nếu người bệnh mà không thể dung nạp hoặc chống chỉ định với các thuốc chống tăng huyết áp khác, có thể dùng thận trọng với liều rất nhỏ carvedilol cho những người tăng huyết áp có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Khi dùng thuốc tránh ngừng thuốc một cách đột ngột, phải ngừng thuốc trong thời gian 1 - 2 tuần.
  • Phải cân nhắc nguy cơ gây ra loạn nhịp tim, nếu như dùng carvedilol đồng thời với thuốc mê bay hơi.
  • Đối với phụ nữ có thai: Carvedilol đã cho thấy có thể gây tác hại lâm sàng trên thai. Chỉ dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai nếu như lợi ích lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra và như thường lệ, không được dùng trong ba tháng cuối của thời kỳ mang thai hoặc kể cả gần lúc sinh. Tác dụng không mong muốn được báo cáo đối với thai như nhịp tim chậm, giảm huyết áp, gây ức chế hô hấp, giảm glucose - máu và nguy cơ giảm thân nhiệt ở trẻ sơ sinh có thể do phụ nữ mang thai đã dùng carvedilol.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: Carvedilol có thể bài tiết vào sữa mẹ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy các tác dụng không mong muốn ở trẻ bú mẹ. Nhưng cần phải để phòng các tác dụng không mong muốn xảy ra cho trẻ bú mẹ, tốt nhất người đang cho con bú không nên dùng carvedilol hoặc đang dùng thuốc thì ngừng cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Một số thuốc có thể xảy ra tương tác với thuốc Carvas gồm:

  • Rifampicin khi dùng đồng thời có thể giảm nồng độ huyết tương của carvedilol tới 70%.
  • Tác dụng của các loại thuốc chẹn beta bao gồm cả Carvas bị giảm khi kết hợp với muối nhôm, barbiturat, muối calci, cholestyramin, thuốc colestipol, thuốc chẹn không chọn lọc thụ thể alpha-1, ampicilin, salicylat, và sulfinpyrazone do giảm khả dụng sinh học và nồng độ huyết tương.
  • Carvedilol có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đái tháo đường và tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức, thuốc chẹn kênh - calci, digoxin.
  • Tương tác của carvedilol với clonidin có thể dẫn đến làm tăng huyết áp và giảm nhịp tim.
  • Cimetidin có thể làm tăng tác dụng và khả dụng sinh học của carvedilol. Những thuốc khác cũng có khả năng làm tăng nồng độ và tác dụng của carvedilol bao gồm quinidin, thuốc fluoxetin, paroxetin, và propafenone vì những thuốc này ức chế CYP2D6.
  • Carvedilol cũng làm tăng nồng độ digoxin khoảng 20% khi uống cùng một lúc. Cẩn trọng vì có nguy cơ ngộ độc Digoxin.

Bảo quản: Bạn nên để thuốc Carvas ở trong bao bì kín, tránh nơi ẩm ướt và tránh ánh sáng trực tiếp. Đảm bảo thuốc tránh tầm với của trẻ em.

Thuốc Carvas được dùng theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ tim mạch, bạn không được tự ý sử dụng hay ngưng dùng thuốc đột ngột. Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra nên được thông báo cho bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe