Thuốc Buspar chứa hoạt chất Buspirone nên được chỉ định trong điều trị giảm lo âu. Vậy thuốc Buspar cần được sử dụng như thế nào, liều lượng ra sao và người bệnh nên lưu ý những vấn đề gì?
1. Buspar là thuốc gì?
Thuốc Buspar là một sản phẩm chống lo âu với thành phần chính là hoạt chất Buspirone hàm lượng 5mg. Cơ chế tác dụng của Buspirone là tác động và khôi phục sự cân bằng của các chất trung gian hóa học dẫn truyền thần kinh ở bệnh nhân mắc chứng hay lo lắng.
Vậy thuốc Buspar chữa bệnh gì? Buspar được sử dụng để điều trị các triệu chứng lo lắng, bao gồm sợ hãi, căng thẳng, khó chịu, chóng mặt, nhịp tim đập nhanh và các triệu chứng về thể chất khác.
Thuốc Buspar không phải là thuốc chống loạn thần, do đó không nên thay thế cho cho các thuốc điều trị tâm thần do bác sĩ chỉ định.
Một số tác dụng khác của thuốc Buspar không được đề cập trong hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất nhưng bác sĩ vẫn có thể chỉ định tùy theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc Buspar để điều trị khi có chỉ định của bác sĩ.
2. Liều dùng, cách dùng thuốc Buspar
Liều dùng thuốc Buspar điều trị lo âu ở người trưởng thành:
- Liều khởi đầu: 7.5mg x 2 lần/ngày hoặc 5mg x 3 lần/ngày;
- Liều duy trì: Tăng liều dùng mỗi 5mg sau 2-3 ngày đến liều mục tiêu khoảng 20-60mg/ngày. Liều tối đa của thuốc Buspar cho người trưởng thành là 60 mg/ngày.
Liều dùng thuốc Buspar cho trẻ em:
- Điều trị lo âu cho trẻ 6-18 tuổi: Liều khởi đầu khuyến cáo là 2.5-10mg/ngày. Sau đó tăng dần mỗi 2.5mg/ngày sau 2-3 ngày cho đến liều đích là 15-60mg/ngày chia làm 2 lần uống;
- Điều trị lo âu nghiêm trọng cho trẻ 5-15 tuổi: Liều khuyến cáo là 5mg/ngày, tăng 5-10mg mỗi 3 ngày cho đến tối đa là 50mg/ngày;
- Điều trị lo âu và khó chịu ở trẻ rối loạn phát triển trầm trọng (6 đến 17 tuổi): Liều khuyến cáo là 5mg x 3 lần/ngày trong thời gian 3 tuần, liều tối đa không quá 45mg/ngày.
Cách dùng thuốc Buspar:
- Bệnh nhân nên sử dụng thuốc Buspar theo chỉ định của bác sĩ và khuyến cáo của nhà sản xuất. Đặc biệt, bệnh nhân không nên sử dụng thuốc Buspar với liều thấp hơn, cao hơn hoặc dùng kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định;
- Bệnh nhân có thể uống thuốc kèm hoặc không kèm với thức ăn, tuy nhiên khi uống sau bữa ăn sẽ hạn chế được tình trạng kích ứng dạ dày;
- Viên thuốc Buspar cho phép bệnh nhân bẻ thành 2 hoặc 3 phần để chia thành những liều dùng nhỏ hơn;
- Nếu chuyển sang dùng thuốc Buspar sau khi dùng các thuốc chống lo âu khác, bệnh nhân có thể phải giảm liều thuốc trước đó dần dần thay vì ngừng thuốc đột ngột. Một số loại thuốc điều trị lo âu có thể gây triệu chứng nghiện khi người bệnh ngưng dùng thuốc đột ngột sau một thời gian sử dụng lâu dài;
- Thuốc Buspar có thể làm một số xét nghiệm cho kết quả dương tính giả. Do đó bệnh nhân có thể phải ngừng sử dụng thuốc Buspar trong ít nhất 48 giờ trước khi xét nghiệm và thông báo cho bác sĩ bản đang sử dụng thuốc Buspar;
- Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc Buspar, bệnh nhân hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn.
3. Tác dụng phụ của thuốc Buspar
Bệnh nhân dùng thuốc Buspar cần đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức nếu có bất cứ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng như phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.
Ngừng sử dụng thuốc Buspar và gọi cho bác sĩ ngay nếu bệnh nhân có các tác dụng phụ nghiêm trọng như đau tức ngực hoặc khó thở.
Một số phản ứng phụ thường gặp khác của thuốc Buspar có thể bao gồm:
- Đau đầu;
- Chóng mặt;
- Buồn ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ (mất ngủ);
- Buồn nôn;
- Đau bụng;
- Cảm giác hồi hộp hoặc kích động.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Buspar
Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về các vấn đề sau:
- Đang mang thai hoặc cho con bú: Đối tượng này chỉ dùng thuốc Buspar theo chỉ định của bác sĩ;
- Dị ứng với Buspirone hay bất kì thành phần nào của thuốc Buspar;
- Đang dùng các loại thuốc khác (bao gồm thuốc kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng);
- Dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi;
- Đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý như bệnh thận hoặc bệnh gan.
Không sử dụng thuốc Buspar nếu bệnh nhân đã dùng các chất ức chế MAO trong 14 ngày trước đó do có thể xảy ra tương tác thuốc nguy hiểm. Thuốc ức chế MAO bao gồm Isocarboxazid, Linezolid, tiêm xanh methylen, Phenelzine, Rasagiline, Selegiline và Tranylcypromine.
Thuốc Buspar dự kiến không gây hại cho thai nhi, tuy nhiên bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai trong thời gian điều trị. Chưa rõ khả năng bài tiết vào sữa mẹ của Buspirone hoặc nếu có thì có gây hại trẻ bú mẹ hay không. Vì vậy, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết nếu đang cho con bú trước khi dùng thuốc Buspar.
Buspirone không được FDA chấp thuận để sử dụng cho bất kỳ ai dưới 18 tuổi, tuy nhiên trên thực tế sản phẩm này vẫn được sử dụng cho trẻ em dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Thuốc Buspar có thể làm giảm khả năng suy nghĩ hoặc phản ứng của bệnh nhân. Do đó cẩn thận khi chỉ định cho bệnh nhân thường xuyên lái xe hoặc làm công việc đòi hỏi phải tỉnh táo.
5. Tương tác thuốc của Buspar
Sử dụng đồng thời thuốc Buspar với các loại thuốc khác có tác dụng gây buồn ngủ hoặc làm chậm nhịp thở có thể làm trầm trọng thêm những tác dụng này.
Các loại thuốc sau đây có thể tương tác với thuốc Buspar;
- Thuốc ức chế MAO;
- Amitriptyline;
- Diazepam;
- Haloperidol;
- Nefazodone;
- Trazodone;
- Triazolam hoặc Flurazepam;
- Diltiazem hoặc Verapamil;
- Thuốc kháng sinh, bao gồm Erythromycin và Rifampin;
- Thuốc chống nấm, bao gồm Itraconazole;
- Cimetidin.
Ngoài ra, thuốc ngủ, thuốc giảm đau có an thần hoặc thuốc giãn cơ và các loại thuốc điều trị lo âu, trầm cảm hoặc co giật khác vẫn có thể xảy ra tương tác với thuốc Buspar.
Thuốc Buspar chứa hoạt chất Buspirone nên được chỉ định trong điều trị giảm lo âu, sợ hãi, căng thẳng, khó chịu, chóng mặt, nhịp tim đập nhanh và các triệu chứng về thể chất khác. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com