Bearnir là thuốc thường được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn xương... hoặc dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật. Để tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng thuốc Bearnir và những thông tin quan trọng, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.
1. Thuốc Bearnir là thuốc gì?
Bearnir chứa thành phần chính là Cefotaxime, sản xuất và đăng ký bởi Daewoong Pharm Co., Ltd - Hàn Quốc.
- Tên dược phẩm: Thuốc Bearnir.
- Thành phần: Cefotaxime.
- Nhóm thuốc: Thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng nấm, kháng virus, thuốc trị ký sinh trùng.
- Bào chế dạng: Bột pha tiêm.
- Quy cách đóng gói: Đóng gói theo quy cách hộp gồm 10 lọ bột pha tiêm.
- Số đăng ký: VN-14154-11.
2. Công dụng thuốc Bearnir
Cefotaxime chính là một loại kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 với phổ kháng khuẩn rộng, trong đó gồm có:
- Nhóm vi khuẩn thường nhạy cảm với thuốc: Haemophilus influenzae, Serratia, Shigella, E.coli, Salmonella, P. mirabilis, P.vulgaris, Enterobacter, Haemophilus spp...
- Nhóm vi khuẩn kháng Cefotaxim: Pseudomonas cepiacia, Enterococcus, Listeria, Xanthomonas hydrophilia, Staphylococcus kháng methicillin...
Chính vì vậy mà thuốc Bearnir thường được chỉ định sử dụng trong các trường hợp như:
- Người bệnh bị nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm màng tim do cầu khuẩn Gr (+) và vi khuẩn Gr (-), nhiễm khuẩn xương khớp.
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn tại da và mô mềm, nhiễm khuẩn ổ bụng, phụ khoa và sản khoa, đường hô hấp dưới, đường tiết niệu, bệnh lậu.
- Trường hợp người bệnh cần dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Bearnir
Liều dùng dành cho người lớn:
- Trường hợp nhiễm khuẩn không biến chứng: Sử dụng 1g mỗi 12 giờ, tiêm IM (tiêm bắp) hay IV (tiêm tĩnh mạch).
- Trường hợp viêm màng não, nhiễm khuẩn nặng: Sử dụng 2g mỗi 6 - 8 giờ, tiêm IM hay IV.
- Trường hợp lậu không biến chứng: Sử dụng với liều duy nhất là 1g, tiêm IM.
- Trường hợp dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật: Sử dụng liều 1g, tiêm trước khi mổ 30 phút.
Dành cho trẻ nhỏ:
- Đối với trẻ từ 2 tháng tuổi hoặc dưới 12 tuổi: Sử dụng với liều 50 - 150mg/kg/ngày, chia thành 3 - 4 lần, tiêm IM hay IV.
- Đối với trẻ sơ sinh trên 7 ngày tuổi: Sử dụng liều 75 - 150mg/kg/ngày, chia thành 3 lần, tiêm IV.
- Đối với trẻ sinh non và trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi: Sử dụng liều 50mg/kg/ngày, chia thành 2 lần, tiêm IV.
Dành cho bệnh nhân suy thận với ClCr dưới 10m L: Giảm nửa liều.
Trong hoặc sau quá trình điều trị mà người bệnh gặp tình trạng tiêu chảy nặng hoặc kéo dài thì cần nghĩ tới khả năng bị viêm đại tràng có giả mạc. Đây là một bệnh lý rối loạn tiêu hóa nặng, cần phản ngưng điều trị bằng Cefotaxime và thay thế bằng những kháng sinh có tác dụng lâm sàng trong điều trị viêm đại tràng do C.difficile.
Nếu người bệnh dùng thuốc xuất hiện triệu chứng ngộ độc, cần ngưng Bearnir ngay lập tức và nhờ người thân đưa tới bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, đúng cách.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Bearnir
4.1. Chống chỉ định dùng thuốc Bearnir
Không sử dụng thuốc cho những người bệnh bị dị ứng hay quá mẫn cảm với Cephalosporin, phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Ngoài ra cần chú ý đề phòng đối với bệnh nhân mẫn cảm với Penicillin, bệnh nhân suy thận.
4.2. Tác dụng phụ của thuốc Bearnir
Trong quá trình sử dụng thuốc Bearnir, người bệnh có thể gặp phải một vài tác dụng phụ không mong muốn như:
- Sốt, quá mẫn, tăng bạch cầu ái toan.
- Buồn nôn và nôn ói, viêm đại tràng giả mạc, đau bụng hoặc tiêu chảy,
- Thay đổi huyết học.
- Hoa mắt, chóng mặt, hiện tượng ảo giác.
- Rối loạn nhịp tim.
4.3. Tương tác thuốc
Tương tự như các loại thuốc tân dược khác, Bearnir cũng có thể gây ra hiện tượng tương tác khi dùng kết hợp với các loại thuốc khác như: Probenecid, Fosfomycin, Azlocillin.
Thuốc cũng có thể xảy ra tương tác với một số loại thực phẩm, bia rượu, thuốc lá, chất kích thích... Chính vì vậy người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, đồng thời cung cấp đầy đủ những loại thuốc đang sử dụng (bao gồm cả kê đơn và không kê đơn), thực phẩm chức năng, vitamin cho bác sĩ biết để được cân nhắc có nên sử dụng đồng thời với thuốc hay không.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thành phần, công dụng thuốc Bearnir và những chú ý khi sử dụng. Để có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả mà thuốc mang lại, người bệnh chỉ nên dùng Bearnir khi có sự chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà vì sẽ gặp phải những tác dụng phụ ngoại ý.