Basori là thuốc thường được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh nhược cơ. Việc sử dụng thuốc Basori theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị bệnh.
1. Thuốc Basori công dụng thế nào?
Thuốc Basori có chứa thành phần chính là hoạt chất Pyridostigmine bromid hàm lượng 60mg. Đây vốn là 1 hợp chất amoni bậc 4 có tác dụng giống neostigmin cho khả năng gây ức chế hoạt tính enzyme cholinesterase nhưng tác dụng xuất hiện chậm và kéo dài hơn. Do đó, khoảng cách giữa các liều của pyridostigmin dài hơn so với neostigmin nên thuốc được dùng chủ yếu trong điều trị bệnh nhược cơ.
Thông thường, người bệnh có thể kết hợp pyridostigmin với neostigmin trong điều trị bệnh nhược cơ bằng cách dùng pyridostigmin trong ngày và tối và neostigmin sử dụng vào buổi sáng.
Thuốc Basori gây đáp ứng cholinergic toàn thân bao gồm tăng trương lực cơ xương và cơ ruột, co đồng tử, co thắt tử cung, làm gia tăng hiện tượng co thắt phế quản, chậm nhịp tim, tăng tiết ở các tuyến ngoại tiết.
2. Chỉ định và chống chỉ định
Thuốc Basori được dùng trong điều trị bệnh nhược cơ, đối kháng với các thuốc giãn cơ cura không khử cực.
Tuy nhiên, bệnh nhân lưu ý không sử dụng thuốc cho các trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc, đang trong tình trạng tắc nghẽn cơ học đường tiêu hóa hoặc đường niệu.
Ngoài ra, Basori chống chỉ định cho người bệnh đang sử dụng các thuốc mềm cơ cura không khử cực như Suxamethonium.
3. Liều lượng và cách dùng
3.1. Liều dùng
Tùy từng bệnh lý bệnh nhân mắc phải mà liều dùng thuốc Basori sẽ có những sự khác biệt như:
- Người rơi vào tình trạng mất trương lực đường tiêu hóa: Sử dụng với liều 1 viên/ lần, các lần dùng thuốc cách nhau khoảng 4 giờ.
- Người bị nhược cơ cơ năng: Sử dụng với liều từ 1 đến 3 viên/ ngày, ngày uống 2 - 4 lần tùy theo tình trạng và mức độ bệnh. Trong một số trường hợp có thể dùng liều cao hơn để trị bệnh hiệu quả.
- Người bị liệt nhẹ trung ương hoặc ngoại vi: Sử dụng với liều 1 đến 6 viên/ ngày.
- Sử dụng cho trẻ sơ sinh: Sử dụng từ 5 đến 10mg/ ngày.
- Bệnh nhân suy thận: Thuốc chủ yếu được bài tiết ở dạng không đổi qua thận nên cần giảm liều cho nhóm bệnh nhân này.
3.2. Cách dùng
Thuốc Basori được bào chế dưới dạng viên nén bao đường nên bệnh nhân sử dụng thuốc bằng đường uống. Bạn nên dùng nước sôi để nguội khi uống thuốc. Riêng với trẻ sơ sinh, cần tán nhỏ thuốc cho trẻ uống.
4. Tác dụng phụ
Trong quá trình sử dụng thuốc Basori, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như:
- Đối với hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, một số trường hợp tăng nhu động và co bóp dạ dày và tăng tiết nước bọt.
- Trên tim mạch: Có thể làm giảm nhịp tim.
- Trên da: Xuất hiện ban đỏ trên da, ít hoặc từng mảng.
- Tác dụng phụ khác: Có thể gây co giật, co thắt cơ, tăng tiết nước mắt.
Khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ tư vấn để được xử lý hiệu quả, an toàn và kịp thời.
5. Tương tác thuốc
Trong quá trình sử dụng, Basori có thể tương tác với thức ăn hoặc các thuốc, thực phẩm chức năng khác như:
- Thuốc mềm cơ chống khử cực Suxamethonium có tác dụng đối kháng với thuốc Basori. Do đó tuyệt đối không được phối hợp 2 thuốc trên.
- Basori cũng có thể gây tương tác với 1 số thuốc kháng sinh nổi bật gồm có Aminosid, thuốc tê, thuốc mê hoặc 1 số thuốc chống loạn nhịp tim.
- Để tránh tương tác, bệnh nhân hãy liệt kê các thuốc, thực phẩm chức năng đang dùng và thông báo cho dược sĩ, bác sĩ điều trị biết để tránh ảnh hưởng đến việc điều trị.
6. Thận trọng khi dùng
- Cẩn trọng khi sử dụng thuốc Basori cho người bệnh động kinh, có cơn hen phế quản, loạn nhịp tim, mắc viêm loét dạ dày và người bị suy giảm chức năng thận.
- Thuốc Basori có thể truyền qua được nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ. Vì thế phải tuyệt đối thận trọng khi sử dụng đối với người mang thai và cho con bú.
- Ở một số người, pyridostigmine bromid kéo dài tác dụng hơn muối của neostigmin, nên sẽ gây các cơn tăng tiết acetylcholin.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Basori. Bạn cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả và tránh gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn. Lưu ý, Basori là thuốc kê đơn, bạn tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, gây biến chứng nặng nề.