Công dụng thuốc Bacfenz 20

Thuốc Bacfenz 20 thuộc nhóm thuốc giãn cơ có thành phần chính Baclofen. Thuốc thường được dùng trong các trường hợp xơ cứng rải rác, tổn thương tuỷ sống, đột quỵ mạch máu não, viêm màng não hoặc chấn thương đầu. Vậy thuốc Bacfenz 20 công dụng như thế nào?

1. Thuốc Bacfenz 20 có tác dụng gì?

Thuốc Bacfenz 20 có thành phần chính Baclofen là thuốc dãn cơ có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh GABA trong não. GABA do một số dây thần kinh tiết ra, làm giảm hoạt động điện của các dây thần kinh khác. Về cơ chế tác dụng chính, Baclofen phong bế các dây thần kinh trong việc hình thành tổ chức lưới của não, các dây thần kinh kiểm soát các cơ.

Đây là một trong những thuốc hiệu quả nhất trong điều trị các trường hợp nấc mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh lý ở dạ dày- thực quản, tổn thương thân não hoặc nấc vô căn, kể cả những trường hợp không đáp ứng với nhiều loại thuốc khác.

Ngoài ra, thuốc Bacfenz 20 còn ngăn chặn hoạt động thần kinh trong tuỷ sống, giảm co thắt cơ và cứng khớp do chấn thương sọ não và tuỷ sống, do đột quỵ hay do các chấn động thần kinh như xơ cứng rải rác. Thuốc Bacfenz 20 thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Giảm co thắt cơ và chuột rút trong xơ cứng rải rác, đa xơ cứng.
  • Dùng trong tổn thương tuỷ sống: u tủy sống, rỗng tủy sống, bệnh thần kinh vận động, viêm tuỷ ngang, chấn thương tuỷ sống.
  • Đột quỵ mạch máu não, liệt do não, viêm màng não, chấn thương đầu.

Các chống chỉ định của thuốc Bacfenz 20 gồm có:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với các thành phần của thuốc Bacfenz 20
  • Loét dạ dày
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin (bệnh di truyền gây ra mụn nước ngoài da, đau bụng và/ hoặc rối loạn hệ thần kinh)

2. Liều sử dụng của thuốc Bacfenz 20

Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Bacfenz 20 sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

Liều dùng của người lớn:

  • 3 ngày đầu: 5 mg x 3 lần/ngày
  • Tăng 5 mg mỗi 3 ngày tiếp theo cho mỗi liều trong ngày

Liều dùng của trẻ em:

  • Liều thường dùng: 0,75- 2 mg/kg/ngày
  • Từ 12 tháng- 2 tuổi: 10 mg/ngày
  • Từ 2-6 tuổi: 20- 30 mg/ngày
  • Từ 6-10 tuổi: 30-60 mg/ngày
  • Trẻ > 10 tuổi: tối đa 2,5 mg/kg/ngày

Liều Bacfenz 20 nên được giảm ở bệnh nhân suy thận hoặc ở người trải qua chạy thận nhân tạo mạn tính. Không ngừng thuốc đột ngột, phải giảm liều từ từ trước khi ngưng thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Bacfenz 20

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Bacfenz 20 có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi
  • Đau cơ bắp, yếu cơ và hạ huyết áp
  • Ảo giác, trầm cảm, nhức đầu, ù tai
  • Co giật, nói lắp
  • Khô miệng, thay đổi vị giác
  • Nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón
  • Rung giật nhãn cầu, run, mất ngủ
  • Rối loạn thị giác, da phát ban, ngứa, tăng tiết mồ hôi
  • Rối loạn tiết niệu, hô hấp hoặc suy tim, đường huyết thay đổi
  • Vấn đề cương cứng và xuất tinh

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Bacfenz 20

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Bacfenz 20 gồm có:

  • Baclofen gây kích thích tiết acid dạ dày và nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng và tránh ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng
  • Baclofen cũng nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng hoặc bị động kinh và rối loạn co giật vì những rối loạn trầm trọng hơn có thể do Baclofen.
  • Chức năng gan của bệnh nhân nên được theo dõi ở bệnh nhân bị bệnh gan khi dùng Bacfenz 20, bệnh nhân suy thận cần giảm liều
  • Thận trọng khi sử dụng Bacfenz 20 ở bệnh nhân suy hô hấp, đái tháo đường, người già, mà tác dụng không mong muốn có thể được phổ biến hơn và ở những bệnh nhân có bệnh tai biến mạch máu não

5. Các tương tác thuốc với Bacfenz 20

  • Các thuốc an thần và thuốc ngủ dùng chung với Baclofen có thể làm gia tăng tình trạng buồn ngủ.
  • Dùng chung với các thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc thuốc lợi tiểu có thể làm hạ huyết áp quá mức.
  • Levodopa, lithium có thể làm trầm trọng hơn các tác dụng phụ của thuốc.
  • NSAID như ibuprofen và các thuốc suy thận khác có thể làm giảm bài tiết Baclofen dẫn đến ngộ độc.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (ví dụ như amitriptylin hoặc imipramin), có thể làm tăng tác dụng giãn cơ bắp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe