Công dụng thuốc Axorox

Thuốc Axorox thường được kê đơn sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến có liên quan đến đường hô hấp, da, mô mềm, đường tiết niệu,... Nhằm đảm bảo sớm đạt hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ bất lợi, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng phác đồ mà bác sĩ đã chỉ dẫn.

1. Axorox là thuốc gì?

Axorox thuộc nhóm thuốc kháng nấm, trị ký sinh trùng và chống nhiễm khuẩn. Thuốc thường được sử dụng cho các trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu, tai – mũi – họng, răng miệng, da hoặc mô mềm. Thuốc Axorox có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và đóng gói theo quy cách hộp 10 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Axorox có chứa thành phần hoạt chất chính là Roxithromycin hàm lượng 150mg. Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn bổ sung thêm các tá dược khác có vai trò phụ trợ và tăng thêm công dụng của hoạt chất Roxithromycin trong thuốc.

2. Thuốc Axorox có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Roxithromycin

Roxithromycin trong thuốc Axorox đóng vai trò là 1 loại kháng sinh bán tổng hợp thuộc họ Macrolid. Xét về đặc tính dược động học, Roxithromycin có khả năng thâm nhập tốt vào các khoang cũng như những tế bào trong cơ thể. Nồng độ của Roxithromycin đặc biệt cao trong amidan, phổi, tuyến tiền liệt, xoang và tử cung. Tuy nhiên, hoạt chất này không có khả năng vượt qua hàng rào máu não.

Đa phần Roxithromycin được thải trừ và chuyển hoá ở gan, sau đó đào thải qua mật và phân. Do đó, thuốc có thể sử dụng ở liều thông thường cho những bệnh nhân bị thiểu năng thận.

Theo nghiên cứu cho biết, hoạt chất Roxithromycin trong thuốc Axorox có tác dụng kháng khuẩn đối với những chủng vi khuẩn sau:

  • Các loại vi khuẩn nhạy cảm cao: Campylobacter coli, Campylobacter jejuni, Bordetella pertussis, Clostridium perfringens, Chlamydia trachomatis, Enterococcus, Gardnerella vaginalis, Mobiluncus, Mycoplasma pneumoniae, Porphyromonas và Propionibacterium acnes,...
  • Các loại vi khuẩn nhạy cảm trung bình: Ureaplasma urealyticum, Haemophilus influenzae hoặc Vibrio cholerae.
  • Các loại vi khuẩn đề kháng thuốc: Bacteroides fragilis, Enterobacteriaceae, Acinetobacter spp. Fusobacterium, Nocardia, Pseudomonas spp, Mycoplasma hominis hoặc Meti-R Staphylococcus.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Axorox

Hiện nay, thuốc Axorox được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị cho các bệnh nhiễm khuẩn cụ thể dưới đây:

  • Điều trị nhiễm trùng tai mũi họng, bao gồm viêm amidan, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thực quản, bệnh phế quản kinh niên bội nhiễm, viêm xoang hoặc viêm phế quản.
  • Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và sinh dục, bao gồm viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm cổ âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm vòi tử cung, nhất là các tình trạng viêm nhiễm do chủng Chlamydia.
  • Điều trị nhiễm trùng răng miệng.
  • Điều trị nhiễm trùng da – mô mềm, bao gồm nhọt, viêm nang, nhọt độc, bệnh mủ da, chốc lở, viêm quầng, viêm da do nhiễm trùng hoặc loét do nhiễm trùng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, cần tránh tự ý dùng thuốc Axorox cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định:

  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với hoạt chất Roxithromycin hay bất kỳ tá dược phụ trợ có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Axorox cho người quá mẫn cảm với thuốc kháng sinh thuộc nhóm Macrolid.
  • Không dùng thuốc Axorox cho người đang dùng đồng thời các hợp chất gây co mạch dạng Ergotamin.
  • Chống chỉ định Axorox và một số loại kháng sinh Macrolid khác cho bệnh nhân đang điều trị bằng Astemizol hoặc Terfenadin do nguy cơ gây loạn nhịp tim đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.
  • Chống chỉ định dùng Axorox cho người đang điều trị bằng Cisaprid do nguy cơ gây loạn nhịp tim nặng.
  • Không dùng thuốc Axorox cho bệnh nhi dưới 6 tháng tuổi.
  • Chống chỉ định tương đối dùng thuốc Axorox cho phụ nữ có thai hoặc người mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều dùng và hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Axorox

Thuốc Axorox được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống Axorox nguyên viên cùng với ly nước khoảng 250ml, tránh dùng chung với các đồ uống có gas, bia, rượu, cà phê hoặc chất kích thích khác. Trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn bằng Axorox, bệnh nhân cần tuân thủ áp dụng chính xác liều lượng thuốc được khuyến cáo dưới đây:

  • Liều cho người lớn: Uống liều hàng ngày 150mg x 2 lần/ngày hoặc 300mg/ lần/ ngày trước khi ăn. Nên uống Axorox kéo dài tối thiểu 2 ngày sau khi đã giảm triệu chứng và ít nhất 10 ngày đối với các trường hợp bị nhiễm khuẩn do Streptococcus, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung hoặc viêm đường niệu. Điều trị nhiễm khuẩn bằng Axorox có thể kéo dài tối đa 4 tuần.
  • Liều cho trẻ em: Uống liều từ 5 – 8mg/ kg thể trọng/ ngày, chia 2 lần/ ngày. Đối với trẻ nặng từ 6 – 11kg có thể uống liều 25mg x 2 lần/ ngày, trẻ nặng từ 12 – 23kg uống liều 50mg x 2 lần/ ngày, trẻ nặng từ 24 – 40kg uống liều 100mg x 2 lần/ ngày
  • Liều cho người bị suy gan nặng: Cần phải giảm liều thuốc Axorox xuống một nửa so với liều thông thường.
  • Liều cho bệnh nhân bị suy thận: Không phải thay đổi liều Axorox.

Trước khi điều trị với Axorox, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý áp dụng, thay đổi liều hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc quá quy định khi chưa trao đổi với người phụ trách y khoa.

4. Thuốc Axorox gây ra các tác dụng phụ gì khi sử dụng?

Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý khi điều trị nhiễm khuẩn bằng thuốc Axorox, cụ thể:

  • Phản ứng thường gặp: Nôn ói, buồn nôn, ỉa chảy hoặc đau thượng vị.
  • Phản ứng ít gặp: Phát ban, phù mạch, nổi mày đay, co thắt phế quản, ban xuất huyết, sốc phản vệ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, giảm khứu giác, chứng dị cảm, giảm vị giác, bội nhiễm hoặc tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
  • Phản ứng hiếm gặp: Viêm gan ứ mật, tăng enzym gan trong huyết thanh hoặc các triệu chứng của viêm tuỵ.

Một số tác dụng phụ bất lợi có thể dần biến mất khi người bệnh dừng điều trị. Tuy nhiên, một vài triệu chứng hiếm gặp có nguy cơ tiến triển thành các biến chứng khác và cần được xử trí kịp thời để tránh gây nguy hại cho tính mạng người bệnh. Tốt nhất, nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng Axorox, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ sớm nhất có thể để được hỗ trợ.

5. Những lưu ý quan trọng khi điều trị bằng thuốc Axorox

Trước và trong suốt quá trình sử dụng thuốc Axorox, bệnh nhân cần lưu ý một số điều quan trọng dưới đây:

  • Thận trọng khi điều trị bằng Axorox cho bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận mức nặng.
  • Thận trọng khi kê đơn Axorox cho người cao tuổi, người bị mẫn cảm với các loại thuốc, người nghi ngờ có thai, viêm loét dạ dày, hôn mê gan hoặc nhược cơ.
  • Cần tránh dùng Axorox chung với các Alcaloid do nguy cơ gây co mạch của nấm cựa gà (Dihydroergotamine hoặc Ergotamine).
  • Tránh phối hợp Axorox với các loại thuốc như Terfenadin, Midazolam, Disopyramide, Digoxin, Astemizol và Cisaprid do nguy cơ gây loạn nhịp tim trầm trọng.
  • Thuốc Axorox ít tương tác với Carbamazepin, Warfarin, Ciclosporin hoặc các thuốc tránh thai đường uống.
  • Uống Axorox cùng với Ciclosporin và Theophylin có thể làm tăng nhẹ nồng độ các thuốc này trong huyết tương.
  • Thuốc Axorox có thể làm tăng nồng độ của Disopyramid không liên kết trong huyết thanh.
  • Thuốc Axorox có nguy cơ làm tăng nồng độ của thuốc Bromocriptin trong huyết tương.
  • Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu cho trường hợp quá liều Axorox. Do đó nếu xuất hiện các triệu chứng quá liều, bệnh nhân có thể điều trị bằng phương pháp rửa dạ dày và áp dụng các các điều trị hỗ trợ.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của Axorox trước khi dùng, đồng thời xem kỹ thuốc có dấu hiệu lạ như đổi màu, biến dạng hoặc nấm mốc không.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Axorox, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Axorox là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe