Thuốc Atcobeta S được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi ngoài da, có thành phần chính là Betamethason và Acid Salicylic. Thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng viêm của các bệnh da có đáp ứng với corticoid.
1. Thuốc Atcobeta S có tác dụng gì?
1 tuýp thuốc Atcobeta-S có chứa 0,5mg Betamethason (dưới dạng Dipropionat), 30mg Acid Salicylic và các tá dược khác. Betamethason Dipropionat là 1 glucocorticoid có các đặc tính chung của nhóm thuốc corticoid, Acid Salicylic có đặc tính làm tróc lớp sừng da.
Acid Salicylic được sử dụng tại chỗ để điều trị chứng tăng sừng, tình trạng tróc vảy da nhờ khả năng hydrat hóa nội sinh, làm giảm pH, phân rã các liên kết da. Đặc tính làm tróc sừng của Acid Salicylic giúp corticoid có thể dễ dàng thấm vào da. Còn tác dụng dược lý của corticoid chủ yếu là kháng viêm và ức chế miễn dịch. Các corticoid dùng tại chỗ như Betamethason Dipropionat có hiệu quả trong điều trị các bệnh da nhờ đặc tính kháng viêm, giảm ngứa và co mạch.
Chỉ định sử dụng thuốc Atcobeta S:
- Làm giảm biểu hiện viêm của bệnh da tăng sinh tế bào sừng;
- Làm giảm biểu hiện viêm của các bệnh da có đáp ứng với corticoid như viêm da thần kinh (lichen đơn mãn tính), viêm da dị ứng, vảy nến, lichen phẳng, chàm (gồm chàm hình đồng tiền, viêm da chàm, chàm tay), viêm da tiết bã nhờn ở phần da đầu, tổ đỉa, vảy cá thông thường, các bệnh vảy cá khác,...
Chống chỉ định sử dụng thuốc Atcobeta S:
- Người bệnh mẫn cảm, dị ứng với thành phần hoặc tá dược của thuốc;
- Người có các thương tổn ở da do nhiễm khuẩn lao, hầu hết do virus đặc biệt là Vaccinia varicella, Herpes simplex;
- Bệnh nhân bị thương tổn ở da do vi khuẩn, vi nấm không được điều trị;
- Người bị bệnh trứng cá đỏ, viêm da quanh miệng, ngứa bộ phận sinh dục.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Atcobeta S
Cách dùng: Bôi ngoài da, bôi trực tiếp lên vị trí da bị tổn thương. Người bệnh nên làm sạch, để khô vùng da bị tổn thương trước khi bắt đầu bôi thuốc. Khi dùng, mở nắp tuýp thuốc, lấy một lượng thuốc mỡ vừa đủ, xoa đều thành 1 lớp mỏng trên da rồi massage nhẹ nhàng để thuốc thấm tốt hơn.
Liều dùng: Bôi 1 lớp mỏng thuốc mỡ Atcobeta S lên khắp vùng da bị tổn thương với tần suất 2 lần/ngày. Không dùng sản phẩm trong các trường hợp bị hăm do bỉm tã. Một số bệnh nhân có thể được chỉ định bôi thuốc với số lần ít hơn.
Thời gian điều trị tối đa:
- Trẻ em: Không quá 5 ngày;
- Người lớn: Trong vòng 2 tuần. Liều tối đa trong mỗi tuần không vượt quá 60g.
Quá liều: Việc sử dụng corticoid tác dụng tại chỗ quá nhiều hoặc trong thời gian quá dài có thể gây ức chế chức năng thượng thận - tuyến yên. Điều này gây thiểu năng thượng thận thứ phát, các biểu hiện của cường vỏ thượng thận như hội chứng Cushing. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc có Acid Salicylic quá nhiều hoặc trong thời gian quá lâu cũng có thể gây các triệu chứng của ngộ độc salicylat như ù tai, buồn nôn, thở gấp, đau bụng.
Cách xử trí quá liều thuốc Atcobeta S là điều trị triệu chứng thích hợp: Điều trị rối loạn điện giải, ngưng thuốc từ từ khi có ngộ độc mãn tính, uống natri bicarbonat kiềm hóa nước tiểu, lợi tiểu. Trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa người bệnh nhập viện điều trị ngay.
Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Atcobeta-S, người bệnh nên dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Trường hợp đã quên liều quá lâu thì bỏ qua liều đã quên, chỉ dùng liều tiếp theo với lượng quy định, không được dùng gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.
3. Tác dụng phụ của thuốc Atcobeta S
Khi sử dụng thuốc Atcobeta S, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Tác dụng phụ của corticoid dùng tại chỗ: Nóng, ngứa, kích ứng da, viêm nang lông, rậm lông, khô da, giảm sắc tố, nổi mề đay dạng mụn, viêm da tiếp xúc, viêm da quanh miệng, viêm da. Khi điều trị bằng cách băng ép có thể làm tăng khả năng xuất hiện các tác dụng phụ nhiễm trùng da thứ phát, hạt kê ở da, teo da, chứng vạch da;
- Tác dụng phụ của Acid Salicylic: Viêm da.
Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ trong trường hợp có bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra trong quá trình dùng thuốc Atcobeta-S để nhận được lời khuyên về cách xử trí hiệu quả nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Atcobeta S
Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Atcobeta S:
- Nên sử dụng thuốc Atcobeta-S trong khoảng thời gian đã được bác sĩ khuyến cáo để tránh tích lũy độc tính thuốc, đồng thời đảm bảo hiệu quả điều trị mong muốn;
- Nên ngưng bôi thuốc Atcobeta S khi thấy bị kích ứng, mẫn cảm với thuốc;
- Cần điều trị thỏa đáng khi có dấu hiệu nhiễm trùng, không bôi thuốc lên vết thương hở;
- Tác dụng phụ của corticoid dùng toàn thân (như ức chế tuyến thượng thận) có thể gặp khi sử dụng corticoid tại chỗ, đặc biệt là ở trẻ em và trẻ sơ sinh;
- Sự hấp thu toàn thân của corticoid hoặc Acid Salicylic tăng lên khi bôi thuốc trên diện rộng hoặc khi áp dụng kỹ thuật băng ép vết thương. Do đó, nên thận trọng trong các trường hợp này hoặc khi điều trị lâu dài, đặc biệt là ở trẻ em và trẻ sơ sinh;
- Nên ngưng dùng thuốc Atcobeta S khi thấy da quá khô hoặc tăng kích ứng da;
- Thuốc Atcobeta S không được dùng cho mắt. Tránh để thuốc tiếp xúc với niêm mạc miệng và mắt. Trong trường hợp thuốc dính vào mắt, cần rửa lại bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý;
- Trẻ em có thể có những phản ứng nhạy hơn với corticoid dùng tại chỗ, gây ức chế thượng thận - hạ đồi - tuyến yên. Trẻ cũng dễ gặp phải tác động corticoid ngoại sinh hơn so với người lớn vì thuốc được hấp thu qua da nhiều hơn so với tỷ lệ trọng lượng cơ thể. Đã có trường hợp trẻ em dùng corticoid tại chỗ mắc hội chứng Cushing với những biểu hiện như chậm phát triển chiều cao, tăng áp lực nội sọ, chậm tăng cân. Ức chế thương thận ở trẻ em thể hiện qua dấu hiệu mức cortisol huyết thanh thấp, không có đáp ứng với kích thích ACT. Tăng áp lực nội sọ biểu hiện bằng dấu hiệu phập phồng thóp sọ, đau đầu, phù gai thị 2 bên;
- Chưa có nghiên cứu về tính an toàn của thuốc corticoid dùng tại chỗ ở phụ nữ mang thai. Do đó, chỉ dùng thuốc Atcobeta S trong thời kỳ mang thai nếu được bác sĩ cho phép sau khi đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Đồng thời, lưu ý không nên bôi thuốc quá nhiều hoặc trong thời gian quá lâu ở phụ nữ mang thai;
- Hiện chưa rõ thuốc corticoid dùng tại chỗ được hấp thu vào máu có thể ảnh hưởng tới sữa mẹ hay không. Cần xem xét tới sự quan trọng của thuốc đối với người mẹ để quyết định nên ngưng thuốc hay ngưng cho con bú.
5. Tương tác thuốc Atcobeta-S
Các loại thuốc corticoid dùng ngoài da khác hoặc các thuốc có tính kích ứng có thể ảnh hưởng tới cơ chế tác dụng của thuốc Atcobeta S hoặc làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Do đó, người bệnh nên thông báo chi tiết, đầy đủ cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng để có sự cân nhắc, điều chỉnh phù hợp, tránh tương tác thuốc.
Một số tương tác thuốc của Atcobeta-S:
- Betamethason làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan khi sử dụng kết hợp với Paracetamol;
- Betamethason làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim, độc tính Digitalis, hạ kali máu khi dùng kết hợp với Glycosid Digitalis;
- Betamethason làm giảm tác dụng đông máu của thuốc chống đông Coumarin khi sử dụng đồng thời với nhau;
- Betamethason có thể tạo kết quả âm tính giả trong xét nghiệm nhiễm khuẩn bằng thử nghiệm Nitro-blue tetrazolium.
Thuốc Atcobeta S được sử dụng để làm giảm các bệnh lý viêm nhiễm ngoài da. Khi dùng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng và thời gian sử dụng. Điều này sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất của thuốc và hạn chế được nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.