Thuốc Antisamin được chỉ định trong điều trị chảy máu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy thuốc Antisamin sử dụng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về tác dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc này.
1. Thuốc Antisamin có tác dụng gì?
Thuốc Antisamin có chứa thành phần chính Acid Tranexamic hàm lượng 250mg và các tá dược vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Antisamin được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:
- Chảy máu bất thường trong và sau phẫu thuật, bệnh lý sản phụ khoa (như đa kinh), bệnh liên quan đường tiết niệu - sinh dục (chảy máu tiền liệt tuyến).
- Bệnh xuất huyết do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Bệnh tan huyết do lao phổi, chảy máu thận, chảy máu mũi.
Mặt khác, thuốc Antisamin chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân như sau:
- Dị ứng với hoạt chất Tranexamic hay các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
- Đang điều trị bệnh huyết khối.
- Các trường hợp phẫu thuật hệ thần kinh trung ương, chảy máu hệ thần kinh trung ương và chảy máu dưới màng nhện hoặc những trường hợp chảy máu não khác.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Antisamin
2.1. Cách dùng
Thuốc Antisamin bào chế ở dạng dung dịch tiêm, dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Không nên trộn lẫn thuốc với dung dịch có chứa Penicillin hoặc với máu để truyền vào máu.
2.2. Liều dùng
Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của thuốc Antisamin:
- Liều dùng thông thường: Tiêm tĩnh mạch: 5 – 10 ml (100mg/ml) hoặc 0,5 – 1g (10 – 15 mg/kg), dùng từ 2 – 3 lần/24 giờ. Tiêm tĩnh mạch chậm, không được tiêm nhanh hơn 1ml/phút.
- Trường hợp điều trị đặc biệt:
- Phân hủy fibrin toàn thân: dùng với liều 10ml (100mg/ml), tiêm tĩnh mạch 3 – 4 lần/24 giờ.
- Thủ thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt: dùng với liều 5 - 10ml (100mg/ml), trong thời gian phẫu thuật, tiêm tĩnh mạch 2 - 3 lần/24 giờ với liều trên trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật.
- Phẫu thuật răng cho những người bệnh có tạng chảy máu: Dùng thuốc Antisamin ngay trước khi phẫu thuật với liều tiêm tĩnh mạch 10mg/kg thể trọng. Sau phẫu thuật dùng với liều 25mg/kg thể trọng dưới dạng viên nén, cứ 24 giờ uống 1 lần, dùng liên tiếp trong 6 – 8 ngày.
- Người suy thận: Cần phải điều chỉnh liều dùng của thuốc Antisamin dựa theo nồng độ creatinin trong huyết thanh cụ thể như sau:
- Nồng độ creatinin từ 120 – 250mmol/l: dùng với liều 10mg/kg tiêm tĩnh mạch 2 lần/ngày.
- Nồng độ creatinin từ 250 - 500mmol/l: dùng với liều 10mg/kg tiêm tĩnh mạch 1 lần/ngày.
- Nồng độ creatinin trên 500mmol/l: dùng với liều 5mg/kg tiêm tĩnh mạch 1 lần/ngày hoặc 100mg/kg mỗi 48 giờ.
Khi dùng quá liều thuốc, người bệnh thường có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, hạ huyết áp tư thế đứng. Cần báo ngay với bác sĩ điều trị để được can thiệp kịp thời nếu tình trạng ngày càng trầm trọng. Người bệnh có thể được gây nôn, rửa dạ dày và dùng than hoạt để loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể. Nên bổ sung dịch truyền để thúc đẩy bài tiết thuốc qua thận và dùng các biện pháp khác để điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Antisamin
Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Antisamin đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như sau:
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy có thể xảy ra nhưng mất đi khi người bệnh giảm liều dùng hàng ngày.
- Chóng mặt, hạ huyết áp khi tiêm tĩnh mạch nhanh, vì vậy không nên tiêm tĩnh mạch nhanh với tốc độ 1ml/phút.
- Thay đổi nhận thức màu hiếm khi xảy ra, trong trường hợp này người bệnh nên ngưng dùng thuốc.
- Tắc huyết khối, co giật, phản ứng dị ứng da.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác khi dùng thuốc Antisamin chưa được nghiên cứu. Vì vậy để đảm bảo an toàn, cần liên hệ ngay với bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào.
4. Tương tác thuốc Antisamin
Báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược...để tránh các phản ứng tương tác xảy ra khi dùng kết hợp thuốc trong quá trình điều trị.
Sau đây, là một số thuốc có khả năng tương tác với thuốc Antisamin khi dùng kết hợp như sau:
- Tránh dùng phối hợp thuốc Antisamin và Estrogen vì có khả năng xảy ra nguy cơ huyết khối nhiều hơn.
- Thận trọng khi dùng đồng thời thuốc này với các thuốc cầm máu khác.
5. Một số lưu ý khi dùng thuốc Antisamin
Dưới đây là một số lưu ý khi dùng thuốc Antisamin giúp đạt hiệu quả của thuốc cũng như giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ:
- Người có tiền sử huyết khối không nên dùng thuốc Antisamin trừ khi cùng được điều trị bằng thuốc chống đông.
- Bệnh nhân có chảy máu do đông máu rải rác nội mạch không được điều trị bằng thuốc Antisamin trừ khi bệnh chủ yếu do rối loạn cơ chế phân hủy fibrin. Cần phải chỉ định dùng phối hợp thêm Heparin với liều lượng đã được cân nhắc cẩn thận.
- Không dùng thuốc Antisamin cho người bệnh suy thận do có nguy cơ tích lũy acid Tranexamic.
- Khi dùng thuốc Antisamin ở bệnh nhân bị huyết niệu từ đường tiết niệu trên thường có nguy cơ bị tắc trong thận.
- Không nên dùng thuốc Antisamin cho phụ nữ có thai trong những tháng đầu của thai kỳ, vì đã có báo cáo về tác dụng có hại cho thai nhi. Chỉ dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai khi được chỉ định chặt chẽ và khi không thể dùng liệu pháp thay thế khác.
- Thuốc có khả năng bài tiết trong sữa mẹ nên ngừng cho bú mẹ khi dùng thuốc này để tránh nguy cơ xảy ra cho trẻ bú mẹ.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Antisamin. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Antisamin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bảo quản Antisamin ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp lên thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.