Thuốc Ampicillin 1g được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm, có thành phần chính là Ampicillin. Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đường hô hấp, viêm xoang, viêm màng não,...
1. Công dụng của thuốc Ampicillin 1g
Ampicillin 1g là thuốc gì? Thuốc có thành phần chính là Ampicillin - 1 kháng sinh phổ rộng có tác dụng trên cả cầu khuẩn gram âm và gram dương. Về cơ chế tác động, Ampicillin tác động vào quá trình nhân lên của vi khuẩn, làm ức chế sự tổng hợp mucopeptid của thành tế bào vi khuẩn, dẫn tới tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả.
Thuốc Ampicillin 1g được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị viêm đường hô hấp trên do một số chủng vi khuẩn gây ra;
- Điều trị viêm xoang, viêm phế quản mạn tính bộc phát, viêm tai giữa và viêm nắp thanh quản gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm;
- Điều trị viêm màng não do Pneumococcus, Meningococcus và Haemophilus influenzae;
- Điều trị bệnh nhiễm Listeria (do vi khuẩn này rất nhạy cảm với Ampicillin).
Mặt khác, thuốc Ampicillin 1g không được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với thành phần hoặc tá dược có trong thuốc;
- Người bị nhiễm virus nhóm Herpes, đặc biệt là bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Ampicillin 1g
2.1 Cách dùng
Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Với tiêm bắp, hòa tan 1g Ampicillin với 3,5ml nước cất pha tiêm;
- Với tiêm tĩnh mạch/tiêm truyền tĩnh mạch, hòa tan 1g Ampicillin với 5 - 10ml nước cất pha tiêm.
Dung dịch đã pha nên tiêm chậm trong tối thiểu 3 - 5 phút với mỗi liều 250 - 500mg trong ít nhất 10 - 15 phút đối với liều 1g. Ampicillin có thể được thêm vào dung dịch tiêm, tiêm truyền với độ pha loãng thích hợp.
Về độ ổn định và tương hợp:
- Ampicillin 1g kém bền trong dung dịch glucose hoặc các carbohydrate khác. Do đó, không nên pha chung dung dịch có Ampicillin với các chế phẩm của máu hay các dung dịch đạm thủy phân. Vì nguyên nhân tương kỵ, không nên pha trộn Ampicillin trong cùng 1 vật chứa với thuốc Aminoglycoside;
- Dung dịch tiêm Ampicillin sodium cần được tiêm ngay lập tức sau khi pha, không được để đóng băng.
2.2 Liều dùng
Liều dùng cho người lớn:
- Đề nghị: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch gián đoạn thật chậm 3 - 6 phút, 0,5 - 2g/lần, mỗi 4 - 6 giờ/lần hoặc truyền tĩnh mạch;
- Điều trị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn: Dùng liều 8 - 14g hoặc 150 - 200mg/kg, tiêm làm nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3 - 4 giờ. Với điều trị khởi đầu trong nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn thì nên tiêm tĩnh mạch ít nhất 3 ngày, sau đó có thể tiêm bắp.
Liều dùng cho trẻ em:
- Nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn: Dùng liều 100 - 200mg/kg/ngày, chia thành nhiều liều nhỏ, cách nhau mỗi 3 - 4 giờ/lần. Nên bắt đầu tiêm tĩnh mạch trong 3 ngày, sau đó tiếp tục tiêm bắp;
- Với nhiễm khuẩn ngoài viêm màng não:
- Trẻ sơ sinh ≤ 1 tuần tuổi: Dùng liều 25mg/kg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, cách 12 giờ/lần (với trẻ cân nặng ≤ 2kg) hoặc 6 giờ/lần (với trẻ cân nặng trên 2kg);
- Trẻ sơ sinh trên 1 tuần tuổi: Dùng liều 25mg/kg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, cách 8 giờ/lần (với trẻ cân nặng ≤ 2kg) hoặc 6 giờ/lần (với trẻ cân nặng trên 2kg);
- Với viêm màng não ở trẻ dưới 2 tháng tuổi: Dùng liều tĩnh mạch 100 - 300mg/kg/ngày, chia làm nhiều lần và phối hợp với Gentamicin tiêm bắp.
Liều dùng cho bệnh nhân suy thận:
- Độ thanh thải creatinin ≥ 30ml/phút: Sử dụng liều thông thường ở người lớn;
- Độ thanh thải creatinin ≤ 10ml/phút: Sử dụng liều thông thường ở người lớn cách mỗi 8 giờ/lần;
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo: Cần dùng thêm 1 liều Ampicillin sau mỗi thời gian thẩm tách.
Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào loại, mức độ nặng của nhiễm khuẩn. Đối với đa số loại nhiễm khuẩn, cần tiếp tục điều trị ít nhất 48 - 72 giờ sau khi bệnh nhân hết triệu chứng.
Khi sử dụng thuốc Ampicillin quá liều, các phản ứng thần kinh (kể cả co giật) có thể xuất hiện nếu nồng độ b-lactam cao trong dịch não tủy. Cách xử trí là loại bỏ Ampicillin ra khỏi tuần hoàn chung bằng cách thẩm phân máu.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ampicillin 1g
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Ampicillin 1g:
- Thường gặp: Tiêu chảy, nổi mẩn đỏ (ngoại ban);
- Ít gặp: Giảm tiểu cầu tăng bạch cầu ưa eosin, thiếu máu, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, viêm miệng, viêm lưỡi, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, mày đay, viêm đại tràng, viêm đại tràng giả mạc;
- Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, dị ứng da kiểu “ban muộn”, viêm da tróc vảy và ban đỏ đa dạng.
Với các tác dụng phụ, nếu thời gian điều trị bệnh lâu bằng thuốc Ampicillin thì cần định kỳ kiểm tra gan, thận. Đồng thời, cần đánh giá kỹ lưỡng xem trước đây người bệnh có dị ứng với Penicillin hay Cephalosporin, các tác nhân dị ứng khác không. Nếu có phản ứng dị ứng như sốc phản vệ, mày đay, hội chứng Steven Johnson thì cần ngừng dùng thuốc Ampicillin và điều trị lập tức bằng Epinephrine (adrenaline). Về sau, không bao giờ được điều trị bằng Penicillin và Cephalosporin nữa.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ampicillin 1g
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ khi sử dụng thuốc Ampicillin 1g:
- Nên thử phản ứng da trước khi dùng thuốc Ampicillin. Nếu bệnh nhân quá mẫn cảm với thuốc thì tuyệt đối không được sử dụng;
- Nếu điều trị lâu dài bằng thuốc Ampicillin thì nên định kỳ kiểm tra chức năng gan, thận;
- Để giảm bớt tình trạng đau tại chỗ khi tiêm Ampicillin thì nên tiêm sâu và tiêm chậm;
- Thuốc Ampicillin đã hòa tan cần được tiêm ngay. Nếu muốn để lại thì nên bảo quản trong tủ lạnh nhưng không quá 24 giờ;
- Thận trọng với nguy cơ đề kháng chéo với Cephalosporin;
- Người bệnh suy thận nên giảm liều dùng thuốc Ampicillin;
- Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể sử dụng thuốc Ampicillin 1g với liều điều trị bình thường nhưng cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.
5. Tương tác thuốc Ampicillin 1g
Một số tương tác thuốc của Ampicillin 1g gồm:
- Tránh phối hợp thuốc Ampicillin với Allopurinol vì có thể làm tăng nguy cơ gây mẩn đỏ ở da;
- Các kháng sinh kìm khuẩn như Tetracyclin, Chloramphenicol và Erythromycin có thể làm giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn của Ampicillin.
Khi sử dụng thuốc Ampicillin 1g, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ. Điều này đảm bảo thuốc mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ, biến chứng khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.