Amphocin là một loại thuốc kháng nấm được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Thuốc chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm nấm nặng và nhiễm nấm gây nguy hiểm tính mạng. Cách dùng thuốc Amphocin nên được thực hiện thế nào?
1. Amphocin là thuốc gì? Có công dụng gì?
Thành phần hoạt chất của Amphocin là Amphotericin B, được bào chế dưới dạng đường tiêm tĩnh mạch
Thuốc Amphocin sử dụng chủ yếu để điều trị bệnh nhân bị nhiễm nấm nặng tiến triển và có khả năng đe dọa tính mạng. Thuốc không được sử dụng để điều trị các bệnh nấm không xâm lấn như nấm miệng, nấm Candida âm đạo và nấm Candida thực quản. Thuốc được chỉ định dùng cho các bệnh nhân sau:
- Bệnh nhân nhiễm nấm nặng đe dọa tính mạng;
- Phòng ngừa nguy cơ nhiễm nấm trên một số đối tượng bị giảm bạch cầu trung tính, ung thư, ghép nội tạng dùng kháng sinh kéo dài.
- Điều trị kéo dài cho người nhiễm HIV vì nguy cơ nhiễm nấm cao.
Hoạt chất chính của Amphocin là Amphotericin B, đây là thuốc thuộc nhóm chống nấm. Amphotericin B là một thuốc chống nấm nhờ gắn vào sterol (chủ yếu là ergosterol) ở màng tế bào nấm làm biến đổi tính thấm của màng gây tiêu diệt nấm.
Thuốc không hòa tan được trong nước nhưng lại được bào chế để tiêm truyền tĩnh mạch bằng phức hợp với muối mật deoxycholat, hoặc phức hợp với lipid để giảm độc tính. Ngoài ra, do đường uống thuốc hấp thu kém, vì thế mà hay được bào chế dưới dạng tiêm truyền.
2. Cách sử dụng thuốc Amphocin
Cách sử dụng: Thuốc được bào chế dưới dạng truyền tĩnh mạch nên được nhân viên y tế thực hiện pha và truyền tĩnh mạch cho người bệnh. Ngoài ra, thuốc cũng được dùng bằng cách tiêm khớp, tiêm cột sống, tiêm màng phổi...tùy vào từng tình trạng mà có chỉ định đường dùng phù hợp. Khi truyền tĩnh mạch phải truyền trong vong 2 đến 6 giờ, tránh truyền nhanh trong vòng dưới 1 giờ vì khả năng gây sốc.
Liều dùng: Liều dùng tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, cân nặng và các bệnh lý kèm theo. Thời gian sử dụng thường mỗi ngày 1 lần hoặc cách ngày 1 lần. Để đảm bảo an toàn cho việc sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ test trên da trước để chắc chắn bạn không dị ứng với thuốc, rồi mới tiến hành truyền.
Lưu ý: Amphotericin B để tiêm không được dùng với liều lớn hơn 1,5mg/ kg. Thận trọng việc lựa chọn liều để tránh dùng quá liều do vô ý, vì quá liều có thể dẫn đến ngừng tim hoặc ngừng hô hấp có khả năng gây tử vong cao, trẻ em dùng quá liều có thể gây co giật, ngừng tim phổi ngay sau khi dùng thuốc. Để đảm bảo cần xác minh tên sản phẩm và liều lượng trước khi sử dụng, theo dõi chặt khi dùng thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Amphocin
Cùng với những tác dụng cần thiết trong việc điều trị bệnh, thuốc Amphocin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Mặc dù không phải tất cả các tác dụng phụ này đều có thể xảy ra. Dưới đây là một số tác dụng phụ mà bạn có thể gặp khi dùng thuốc Amphocin:
- Một số tác dụng phụ phổ biến: Sốt và ớn lạnh, đau đầu, tăng hoặc giảm số lần đi tiểu, nhịp tim không đều, chuột rút hoặc đau cơ, buồn nôn và nôn, đau ở chỗ tiêm, mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể bất thường;
- Một số tác dụng phụ ít phổ biến hoặc hiếm gặp: Nhìn mờ hoặc nhìn đôi, co giật, tê, ngứa ran, đau hoặc yếu ở bàn tay hoặc bàn chân, khó thở, khó thở, thở khò khè hoặc tức ngực, ngứa ran, đau hay yếu cơ...
- Cần thông báo cho bác sĩ nếu như các tác dụng phụ sau đây kéo dài hay khiến bạn khó chịu: Bệnh tiêu chảy, nhức đầu, khó tiêu, ăn mất ngon, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau bụng; với tiêm cột sống gây đau lưng, đau chân, đau cổ, chóng mặt hay choáng váng...
Ngoài những tác dụng phụ trên, khi dùng thuốc bạn cũng có thể xảy ra các tác dụng phụ khác. Cần thông báo hay tới cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc khi xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài.
4. Những lưu ý khi dùng thuốc Amphocin
Không dùng thuốc này với bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc. Thận trọng với người suy giảm chức năng thận vì thuốc gây độc cho thận.
Trước khi dùng thuốc cần thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng, các bệnh lý kèm theo. Việc dùng thuốc cho trẻ em chưa thấy việc nguy cơ gây hại cao hơn người lớn nhưng cần cân nhắc khi dùng, người cao tuổi có thể chức năng thận suy giảm nên lựa chọn liều phù hợp. Thông báo với bác sĩ để có thể cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc dùng thuốc cho bệnh nhân.
Việc dùng thuốc nên được tiến hành trong bệnh viện, nơi có đủ điều kiện cấp cứu. Cần theo dõi chặt người bệnh trong khi dùng thuốc, nhất là trong giai đoạn đầu. Tai biến do dùng thuốc có thể xảy ra trong lần đầu, sau 1 đến 3 giờ truyền lần đầu. Trong thời gian đầu cũng nên theo dõi các chức năng gan thận, công thức máu bằng xét nghiệm 2 lần mỗi tuần.
Thuốc này chỉ được dùng dưới chỉ định của bác sĩ và chỉ dùng khi thực sự cần thiết trong trường hợp đe doạ tính mạng.
Tương tác thuốc: Việc sử dụng thuốc Amphocin với các thuốc khác có thể gây ra tương tác thuốc. Một số thuốc gây ra tương tác với thuốc này gồm:
- Thuốc gây độc thận (aminoglycosid, capreomycin, colistin, cisplatin, cyclosporine, methoxyflurane, pentamidine, polymyxin B, vancomycin) phải tránh kết hợp đồng thời với amphotericin B.
- Thuốc làm giảm kali máu (glycosid trợ tim, tubocurarin...) nếu dùng đồng thời với amphotericin B sẽ làm tăng độc tim do glycosid trợ tim và làm tăng tác dụng giãn cơ của các loại thuốc giãn cơ.
- Thuốc chống nấm khác: Flucytosin và amphotericin B có tác dụng hiệp đồng ức chế một số nấm, nhưng nếu dùng chung có thể làm tăng độc tính của flucytosin do tăng hấp thụ tại chỗ của tế bào và/ hoặc làm giảm bài tiết thuốc này qua thận. Nếu dùng đồng thời 2 thuốc đó ở người nhiễm HIV, phải tiến hành đo nồng độ flucytosin huyết thanh và đếm tế bào máu.
- Zidovudin: Dùng phối hợp 2 thuốc này trên động vật trong 30 ngày thấy làm tăng độc tính đối với tủy và thận. Tuy chưa rõ trên người, nhưng khi phối hợp 2 thuốc này phải thận trọng, giám sát chặt chẽ chức năng thận và huyết học.
- Thuốc chống ung thư (như mechlorethamin) có thể làm tăng độc tính của thuốc cho thận, co thắt phế quản, và hạ huyết áp ở người bệnh dùng đồng thời 2 thuốc đó.
- Corticosteroid có thể làm tăng tình trạng mất kali trong cơ thể do amphotericin B, thông thường hai loại thuốc này không được phối hợp, trừ khi cần thiết để dùng điều trị các phản ứng phụ của amphotericin B.
Trên đây là một số thông tin về thuốc Amphocin, thuốc được dùng dưới chỉ định của bác sĩ khi thật sự cần thiết. Bạn nên hỏi bác sĩ về các rủi ro có thể gặp phải để có thể tự theo dõi khi dùng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com