Công dụng thuốc Ameproxen

Thuốc Ameproxen là một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) được sử dụng để giảm đau cho các tình trạng bệnh như nhức đầu, đau cơ, đau răng và đau bụng và chống viêm. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Ameproxen, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Ameproxen trong bài viết sau đây.

1. Công dụng thuốc Ameproxen là gì?

1.1. Thuốc Ameproxen là thuốc gì?

Thuốc Ameproxen thuộc nhóm thuốc kháng viêm Non-steroid (NSAIDS). Thuốc Ameproxen bao gồm các thành phần:

  • Hoạt chất chính: Naproxen hàm lượng 220mg hoặc 550mg.
  • Tá dược: Tinh bột ngô, natri starch glycolat, cellulose vi tinh thể PH 101, lactose monohydrat,....

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hoặc viên nén bao phim hàm lượng 220mg hoặc 550mg, vỉ 10 viên, hộp 10 vỉ. Thuốc Ameproxen khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 15 tuổi trở lên và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Ameproxen 200 và Ameproxen 550 có tác dụng gì?

Thuốc Ameproxen 200 và Ameproxen 550 được sử dụng mà không cần kê đơn của bác sĩ trong những trường hợp cần giảm đau nhanh từ mức độ nhẹ đến nặng và kháng viêm mạnh như:

  • Điều trị dài hạn trong viêm xương khớp, viêm dính cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp.
  • Điều trị ngắn hạn trong các cơn đau kịch phát cấp tính: hư khớp, thấp ngoài khớp, đau vùng thắt lưng, đau rễ thần kinh trầm trọng.
  • Nhức đầu, giảm đau nhức trong cảm lạnh, hạ sốt.
  • Đau nhức cơ, đau lưng.
  • Đau răng.
  • Đau bụng kinh.
  • Có thể sử dụng phối hợp với kháng sinh trong điều trị viêm xoang.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính naproxen hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc Ameproxen.
  • Người có tiền sử hen khí phế quản, viêm mũi dị ứng, nổi mề đay sau khi dùng aspirin.
  • Viêm nhân bị loét dạ dày giai đoạn tiến triển.
  • Bệnh nhân suy gan và suy thận nặng.
  • Phụ nữ mang thai trong tam nguyệt cá cuối.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi.

2. Cách sử dụng của Ameproxen

2.1. Cách dùng thuốc Ameproxen

  • Thuốc Ameproxen dùng đường uống
  • Uống thuốc vào lúc no, tốt nhất là sau các bữa ăn để tránh kích ứng niêm mạc dạ dày. Uống cả viên thuốc nếu to quá có thể bẻ đôi, không nghiền nát hay trộn với hỗn hợp khác để uống.
  • Không tự ý thêm hay bớt liều khuyến cáo hay liều chỉ định của bác sĩ.
  • Đọc kỹ tờ rơi đi kèm với hộp thuốc trước khi sử dụng.

2.2. Liều dùng của thuốc Ameproxen 200 và Ameproxen 550

Người lớn

Liều dùng khi bị đau răng, đau cơ, đau lưng, đau bụng kinh, đau nhức trong chứng cảm lạnh:

  • Khởi đầu, uống 500 mg sau 6 đến 8 giờ uống tiếp 250 mg hoặc sau 12 giờ uống liều 500 mg. Ngày đầu tiên uống không quá 1250 mg một ngày, ngày tiếp theo uống không quá 1.000 mg.
  • Có thể áp dụng liều khởi đầu là 750 đến 1.000 mg một ngày và tăng khoảng 1.500 mg một ngày cho các ngày tiếp theo nhưng cần được sự chỉ dẫn của bác sĩ

Liều dùng khi bị các chứng viêm mạn tính như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp:

  • Khởi đầu, uống 500 đến 1.000 mg một ngày cách nhau mỗi 12 giờ. Những ngày sau có thể tăng liều lên khoảng 1.500 mg một ngày.
  • Có thể áp dụng liều khởi đầu là 750 đến 1.000 mg một ngày và tăng khoảng 1.500 mg một ngày cho các ngày tiếp theo nhưng cần được sự chỉ dẫn của bác sĩ

Liều dùng cho bệnh gút:

  • Khởi đầu, uống 500mg sau 8 giờ uống tiếp 250 mg hoặc sau 12 giờ uống liều 500 mg.
  • Có thể áp dụng liều khởi đầu có thể là 1.000 đến 1.500 mg một ngày và sau đó duy trì 1.000 mg một ngày cho đến khi triệu chứng bệnh giảm dần.

Bệnh đau nửa đầu: Liều khởi đầu uống 750 mg một ngày, sau đó có thể uống thêm 250 đến 500 mg nếu cần thiết, nhưng không được vượt quá 1.250 mg một ngày.

Trẻ em

Đau thông thường trên 2 năm: Liều khởi đầu 5 đến 7 mg một ngày cách nhau 8 đến 12 giờ, nhưng không vượt quá 1.000 mg một ngày.

Đau thông thường trên 12 năm:

  • Liều khởi đầu 500 mg/ngày, sau đó cách nhau 6 đến 8 giờ uống 250 mg hoặc cách 12 giờ uống 500 mg.
  • Có thể áp dụng liều, ngày đầu tiên uống không quá 1250 mg một ngày, ngày tiếp theo uống không quá 1.000 mg theo chỉ dẫn của bác sĩ

Viêm khớp: (>2 năm): Liều ban đầu duy trì là 10 mg/kg một ngày, cách mỗi 12 giờ một lần nhưng không được vượt quá 15 mg/kg một ngày.

Xử lý khi quên liều:

  • Uống ngay liều Ameproxen khi nhớ ra nhưng nhớ phải ăn nhẹ trước khi uống.
  • Thông thường các thuốc có thể uống chậm hơn trong khoảng 1 đến 2 giờ so với thời gian quy định trong tờ hướng dẫn sử dụng.
  • Tuy nhiên, nếu thời gian hiện tại đã quá xa thời điểm cần uống sau mỗi bữa ăn thì bỏ qua liều bạn đã quên và tuyệt đối không gấp đôi liều có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của người dùng.

Xử trí khi quá liều:

  • Triệu chứng: Đau dạ dày, buồn nôn, nôn, chóng mặt, nguy hiểm hơn là phân đen hoặc có máu, suy hô hấp, tăng huyết áp, buồn ngủ, ngất hoặc hôn mê.
  • Xử trí: Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và hỗ trợ tuần hoàn. Thẩm tách máu không làm giảm nồng độ của naproxen trong huyết tương, vì độ kết dính với protein cao. Gây nôn cho bệnh nhân hoặc dùng than hoạt tính (người lớn: 60 đến 100g, trẻ em: 1 đến 2 g/ kg) có thể điều trị cho bệnh nhân quá liều trong vòng 4 giờ.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Ameproxen

Không sử dụng Ameproxen khi đã bị phát ban hoặc có các phản ứng dị ứng nặng do sử dụng bất kỳ thuốc giảm đau nào. Không nên sử dụng Ameproxen lâu hơn 10 ngày để giảm đau hoặc quá 3 ngày để hạ sốt trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Nên thông báo cho bác sĩ nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào trong các trường hợp:

  • Triệu chứng đau hoặc sốt vẫn kéo dài hoặc có biểu hiện nặng hơn.
  • Tấy đỏ hoặc sưng tại vị trí đau.
  • Bệnh nhân có uống thêm bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Có những tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc giảm đau trước đây.
  • Có bất kỳ triệu chứng bất thường mới xuất hiện hoặc triệu chứng không thường xuyên.
  • Triệu chứng ợ nóng, đau dạ dày trong khi đang dùng thuốc này.

Mặc dù hoạt chất naproxen trong Ameproxen được chỉ định điều trị trong những bệnh lý giống như chỉ định của ibuprofen, aspirin và acetaminophen, nhưng không nên dùng kết hợp naproxen sodium chung với các thuốc đó hoặc với các sản phẩm có chứa thành phần naproxen sẽ làm tăng tác dụng hiệp đồng của thuốc ngoại trừ khi đó là chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn đang có thai hoặc đang cho con bú, cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này. Đặc biệt không được sử dụng Ameproxen trong 3 tháng cuối của thai kỳ trừ khi được sự chỉ định của bác sĩ. Bởi thuốc có thể khiến thai chết lưu hoặc gây những biến chứng trong khi sinh.

Với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu cần theo dõi các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hoá. Khi có biểu hiện chảy máu đường tiêu hoá phải ngừng thuốc ngay.

Ở những bệnh nhân có nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn tiềm tàng nếu dùng Ameproxen có thể làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể với yếu tố gây nhiễm khuẩn và khiến các triệu chứng nhiễm khuẩn bị lu mờ.

Khi dùng Ameproxen ở những bệnh nhân có tổn thương thận cần hết sức thận trọng và phải thường xuyên kiểm tra định lượng creatinin trong máu để chọn liều thấp nhất có tác dụng.

Naproxen gây ức chế COX, làm giảm sự tưới máu ở thận, do vậy ở những bệnh nhân xơ gan, suy tim, hội chứng thận hư đang dùng thuốc lợi tiểu, bệnh nhân suy thận mạn, đặc biệt là người cao tuổi khi bắt đầu dùng Ameproxen cần phải kiểm tra cẩn thận tổng phân tích nước tiểu và chức năng thận.

Ở những phụ nữ đang áp dụng biện pháp tránh thai đặt dụng cụ tử cung khi dùng Ameproxen phải chú ý, vì thuốc làm giảm hiệu quả tránh thai.

Ameproxen có chứa tá dược lactose. Bệnh nhân có vấn đề về di truyền hiếm gặp thiếu hụt lactose Lapp, không dung nạp galactose hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.

Ameproxen làm giảm sự tập trung nên phải thận trọng khi lái tàu xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao và các trường hợp cần tập trung cao độ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Ameproxen

Thường gặp:

  • Hệ tiêu hoá: buồn nôn, nôn, đau bụng vùng thượng vị, chướng bụng
  • Hệ thần kinh: đau đầu, chóng mặt, mất ngủ hoặc buồn ngủ
  • Cơ quan cảm giác: rối loạn thính giác, ù tai, rối loạn thị giác, phù, khó thở, đánh trống ngực.
  • Trên da: ngứa, phát ban, chảy mồ hôi, ban xuất huyết,

Ít gặp:

  • Gan: Bất thường về các xét nghiệm đánh giá chức năng gan
  • Hệ tiêu hoá: Chảy máu đường tiêu hoá hoặc thủng đường tiêu hoá, nôn ra máu, vàng da, đi ngoài phân đen, thủng dạ dày, nôn
  • Thận: Viêm cầu thận, đái máu, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư
  • Huyết học: Giảm bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ái toan, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu, thiếu máu bất sản
  • Hệ thần kinh: Trầm cảm, có giấc mơ bất thường, giảm khả năng tập trung, mất ngủ, khó chịu
  • Trên da: Đau cơ, yếu cơ, tóc, viêm da do tăng nhạy cảm với ánh sáng, ban ngoài da,
  • Khác: Rối loạn thính giác, suy tim ứ huyết, phản ứng kiểu phản vệ, rối loạn kinh nguyệt, sốt, viêm màng não vô khuẩn, viêm loét miệng.

5. Tương tác thuốc Ameproxen

  • Ameproxen kết hợp với các thuốc chống viêm không steroid khác sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu và gây loét dạ dày tá tràng.
  • Thuốc chống đông máu đường uống, ticlopidin, heparin: Gia tăng nguy cơ chảy máu do ức chế kết tập tiểu cầu.
  • Sử dụng chung với Lithi: Làm giảm thải trừ lithi qua thận, do đó có thể gây ngộ độc.
  • Sử dụng chung Ameproxen với Methotrexat: có thể gây tăng độc tính trên hệ tạo máu
  • Thuốc chống đái tháo đường có dẫn xuất sulfonylure: Ameproxen cạnh tranh trên vị trí gắn ở protein huyết nên làm tăng tác dụng hạ đường máu.
  • Thuốc hạ huyết áp và thuốc lợi niệu: Ameproxen làm giảm tác dụng do ức chế tác dụng gây giãn mạch của prostaglandin.
  • Sử dụng chung Ameproxen với Probenecid: Probenecid làm tăng nồng độ trong huyết tương và nửa đời thải trừ của hoạt chất naproxen do ức chế sự liên hợp và sự thanh thải qua thận.

6. Cách bảo quản thuốc Ameproxen 200 và Ameproxen 550

  • Thời gian bảo quản Ameproxen là 48 tháng từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng từ 15 đến 30 độ C, tránh quá nóng trên 40 độ C.
  • Không bảo quản thuốc ở những nơi ẩm ướt như nhà tắm hay tủ lạnh.
  • Tránh xa tầm tay của trẻ.

Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng và cách dùng thuốc Ameproxen. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì người bệnh nên liên hệ bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn chuyên sâu.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe