Đau nửa đầu là một bệnh lý hay gặp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người bệnh. Do đó, việc sử dụng các thuốc điều trị là vô cùng cần thiết, và một trong số đó là thuốc Alsuma với hoạt chất Sumatriptan.
1. Alsuma là thuốc gì?
Alsuma là một dạng thuốc tiêm chứa hoạt chất Sumatriptan và được chỉ định trong điều trị chứng đau nửa đầu. Thuốc Alsuma đã ngừng sản xuất tại Hoa Kỳ.
2. Thuốc Alsuma chữa bệnh gì?
Alsuma là một thuốc điều trị đau nửa đầu thông qua cơ chế co các mạch máu quanh não. Hoạt chất Sumatriptan còn có tác dụng làm giảm các chất trong cơ thể có thể gây ra đau đầu, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng hay tiếng ồn và các triệu chứng đau nửa đầu khác.
Thuốc Alsuma được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu và đau đầu cụm ở người trưởng thành, tuy nhiên cần lưu ý là thuốc chỉ có tác dụng điều trị giảm các cơn đau đầu chứ không giúp ngăn ngừa hay giảm số lượng các đợt cấp.
Alsuma không thích hợp sử dụng để điều trị đau đầu do căng thẳng hoặc đau đầu kèm liệt một bên cơ thể. Do đó, người bệnh chỉ sử dụng thuốc Alsuma khi được bác sĩ xác định chính xác đau nửa đầu.
3. Một số cảnh báo của Alsuma khi sử dụng
Không sử dụng thuốc Alsuma cho người đã sử dụng các chất ức chế MAO trong vòng 14 ngày vừa qua vì nguy cơ xảy ra tương tác thuốc nguy hiểm.
Người bệnh không sử dụng thuốc Alsuma trong vòng 24 giờ trước hoặc sau khi sử dụng một loại thuốc trị đau nửa đầu khác.
Những trường hợp không được sử dụng thuốc Alsuma:
- Tiền sử từng bị dị ứng với Sumatriptan;
- Mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não (bao gồm cả mức độ nhẹ);
- Bệnh mạch vành, đau thắt ngực, rối loạn hệ tuần hoàn hoặc các tình trạng gây thiếu máu nuôi cơ tim;
- Các bệnh lý mạch máu ảnh hưởng làm giảm cung cấp máu đến các chi, dạ dày, ruột hoặc thận;
- Hội chứng Wolff-Parkinson-White;
- Tăng huyết áp không kiểm soát được;
- Bệnh lý gan nặng;
- Cơn đau đầu có tính chất khác với cơn đau nửa đầu trước đây.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thuốc Alsuma, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về các vấn đề sau:
- Đang mắc bệnh lý gan hoặc suy thận;
- động kinh hoặc rối loạn co giật khác;
- Huyết áp tăng cao, rối loạn nhịp tim;
- Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, bao gồm đái tháo đường, mãn kinh, hút thuốc lá, thừa cân, cholesterol máu cao, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành, trên 40 tuổi và nam giới, hoặc phụ nữ đã cắt tử cung.
Alsuma có thể ảnh hưởng đến đồng tử người bệnh trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể. Do đó người bệnh cần báo trước với bác sĩ phẫu thuật mắt về việc đang sử dụng thuốc Alsuma.
Cho đến nay vẫn chưa biết khả năng gây hại cho thai nhi khi bà bầu sử dụng thuốc Alsuma. Do đó, người bệnh hãy cho bác sĩ biết nếu đang mang thai.
Sumatriptan trong Alsuma có thể đi vào sữa mẹ, nhưng có ảnh hưởng đối với em bé hay không thì chưa được biết. Tuy nhiên, để tránh cho trẻ tiếp xúc với Sumatriptan trong sữa, bà mẹ tốt nhất không cho con bú trong vòng 12 giờ sau khi tiêm thuốc. Trường hợp sử dụng máy hút sữa, bà mẹ hãy vắt hết sữa trước khi tiến hành tiêm thuốc.
Thuốc Alsuma không được khuyến cáo sử dụng người dưới 18 tuổi.
4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Alsuma
Người bệnh cần sử dụng thuốc tiêm Alsuma theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc dùng lâu hơn so với khuyến cáo. Đồng thời nên tham khảo thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm. Việc lạm dụng thuốc điều trị đau nửa đầu như thuốc Alsuma có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Alsuma được sử dụng theo đường tiêm dưới da. Người bệnh sẽ được hướng dẫn cách sử dụng bơm tiêm tự động tại nhà, do đó không nên tự tiêm thuốc Alsuma nếu bản thân vẫn chưa hiểu đầy đủ về cách tiêm.
Sản phẩm Alsuma thường đi kèm với tớ hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả, người bệnh có thể thực hiện theo các hướng dẫn này một cách cẩn thận. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Người bệnh hãy sử dụng thuốc Alsuma ngay khi nhận thấy triệu chứng đau nửa đầu xuất hiện hoặc trong các đợt cấp của chứng đau nửa đầu.
Bác sĩ có thể tiêm liều đầu tiên của thuốc Alsuma tại bệnh viện hoặc phòng khám để xem có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra hay không.
Sau khi sử dụng thuốc thuốc Alsuma mà cơn đau nửa đầu vẫn không biến mất hoàn toàn, người bệnh hãy gọi cho bác sĩ điều trị trước khi tiến hành mũi tiêm Alsuma tiếp theo. Nếu cơn đau đầu biến mất và sau đó tái phát trở lại, bệnh nhân có thể tiến hành tiêm mũi thuốc Alsuma thứ hai với điều kiện cách ít nhất 1 giờ kể từ lần tiêm đầu tiên. Lưu ý không sử dụng nhiều hơn 2 lần tiêm thuốc Alsuma trong 24 giờ.
Lưu trữ thuốc Alsuma ở nhiệt độ phòng, tránh nơi ẩm thấp, nhiệt độ quá cao và ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Cần làm gì khi bỏ lỡ một liều thuốc Alsuma:
- Sản phẩm này chỉ được sử dụng khi cần thiết và không có lịch dùng thuốc hàng ngày;
- Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ khi triệu chứng đau nửa đầu không cải thiện sau khi tiêm thuốc Alsuma.
Xử trí quá liều Sumatriptan:
- Gọi ngay cho cấp cứu y tế hoặc trực tiếp đưa người bệnh đến bệnh viện càng nhanh càng tốt;
- Các triệu chứng dùng quá liều thuốc Alsuma có thể bao gồm run, đỏ da, đóng vảy hoặc da có vảy nơi tiêm thuốc, suy nhược, thiếu phối hợp, các vấn đề về hô hấp, xanh tím môi hoặc móng tay, các vấn đề về thị lực, co giật hoặc mất cử động ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.
Người bệnh tuyệt đối không sử dụng thuốc Alsuma trong vòng 24 giờ trước hoặc sau khi sử dụng một loại thuốc đau nửa đầu khác, bao gồm:
- Sản phẩm chứa Sumatriptan dạng uống hoặc xịt mũi;
- Almotriptan (Axert), Eletriptan (Relpax), Frovatriptan (Frova), Naratriptan (Amerge), Rizatriptan (Maxalt), hoặc Zolmitriptan (Zomig);
- Thuốc nhóm ergot như Dihydroergotamine (DHE 45, Migranal), Ergotamin (Ergomar, Cafergot, Migergot) hoặc Methylergonovine (Methergine).
Alsuma có thể làm giảm suy nghĩ hoặc phản ứng của người bệnh, do đó hãy cẩn thận khi lái xe hoặc làm bất cứ việc gì đòi hỏi sự tỉnh táo.
5. Tác dụng phụ của thuốc Alsuma
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Alsuma cần xử trí cấp cứu:
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với Sumatriptan như phát ban, khó thở, sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng;
- Đau bụng đột ngột dữ dội và tiêu chảy ra máu;
- Đau thắt ngực dữ dội, khó thở, nhịp tim không đều;
- Cơn động kinh, co giật;
- Giảm lưu thông máu 2 chi dưới với biểu hiện hay chuột rút, cảm giác căng cứng hoặc nặng nề, tê hoặc ngứa ran, yếu cơ, đau rát, cảm giác lạnh, thay đổi màu sắc da;
- Tăng huyết áp nghiêm trọng với biểu hiện đau đầu dữ dội, mắt mờ, đập thình thịch ở cổ hoặc tai, chảy máu cam, lo lắng;
- Dấu hiệu nhồi máu cơ tim như đau tức ngực, đau lan lên hàm hoặc vai, buồn nôn, vã mồ hôi;
- Dấu hiệu tai biến mạch máu não như đột ngột tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể, đau đầu dữ dội đột ngột, nói đớt, các vấn đề về thị lực hoặc thăng bằng;
- Hội chứng ngộ độc serotonin như kích động, ảo giác, sốt, nhịp tim nhanh, phản xạ hoạt động quá mức, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, mất phối hợp, ngất xỉu.
Các tác dụng phụ thường gặp khác của thuốc Alsuma bao gồm:
- Cảm giác tê bì hoặc nóng rát;
- Cảm giác đè nặng ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể;
- Chóng mặt, buồn ngủ, cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi;
- Đau hoặc cứng cổ;
- Đỏ bừng mặt;
- Đau, sưng đỏ, chảy máu hoặc bầm tím vị trí tiêm thuốc Alsuma.
6. Tương tác thuốc của Alsuma
Sử dụng thuốc Alsuma đồng thời với một số loại thuốc khác có thể làm gia tăng nồng độ serotonin trong cơ thể, từ đó gây tích tụ và dẫn đến một tình trạng được gọi là "hội chứng serotonin", thậm chí có thể gây tử vong. Người bệnh hãy cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng các thuốc sau:
- Thuốc điều trị trầm cảm;
- Thuốc điều trị rối loạn tâm thần;
- Nhóm thuốc gây nghiện (opioid);
- Thuốc chống buồn nôn và nôn.
Một số loại thuốc khác có thể xảy ra tương tác với thuốc Alsuma, bao gồm thuốc theo toa bác sĩ hoặc không, sản phẩm bổ sung vitamin và các loại thảo dược.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.