Công dụng thuốc Alopatan

Alopatan là dạng thuốc nhỏ mắt được dùng trong điều trị các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc dị ứng theo mùa. Để nâng cao hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng Alopatan, người bệnh nên tuân theo mọi chỉ dẫn về liều lượng, thời gian và tần suất nhỏ thuốc. Tuyệt đối không tự ý tăng liều hay kéo dài thời gian sử dụng Alopatan khi chưa được bác sĩ chấp thuận.

1. Thuốc Alopatan là thuốc gì?

Alopatan thuộc nhóm thuốc điều trị mắt - tai mũi họng, được sản xuất bởi Cooper S.A. Pharmaceuticals – Hy Lạp và hiện lưu hạnh tại Việt Nam dưới dạng dung dịch nhỏ mắt, mỗi hộp bao gồm 1 lọ x 5ml. Hiện nay, thuốc Alopatan được sử dụng chủ yếu để chữa các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc dị ứng.

Mỗi dung dịch nhỏ mắt Alopatan có chứa thành phần hoạt chất chính là Olopatadin (Dạng Olopatadin hydrochlorid) hàm lượng 1mg. Bên cạnh đó, thuốc còn được bổ sung thêm một số tá dược khác giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

2. Công dụng thuốc Alopatan

2.1. Hoạt chất Olopatadin có tác dụng gì?

Thành phần dược chất Olopatadin trong thuốc Alopatan được biết đến là chất ức chế giải phóng Histamin và đối kháng chọn lọc thụ thể H1. Khi sử dụng bằng đường nhỏ mắt, Olopatadin có tác dụng ức chế sự ảnh hưởng của histamin đến những tế bào biểu mô kết mạc. Ngoài ra, hoạt chất Olopatadin cũng ngăn cản tác dụng trên Dopamine, Alpha-adrenergic cũng như thụ thể Muscarin loại 1 & 2.

Nhìn chung, Olopatadin được hấp thu toàn thân tương đối ít sau khi nhỏ mắt. Nồng độ đạt đỉnh của Olopatadin trong huyết thanh có thể khoảng 2 giờ hoặc 12 giờ sau khi dùng, tùy thuộc vào cơ địa của bản thân. Ước tính, thời gian bán thải của Olopatadin xấp xỉ khoảng 3 giờ và thải trừ phần lớn ở thận. Khoảng 60 – 70% liều thuốc Olopatadin được thải trừ qua đường nước tiểu dưới dạng không chuyển hóa. Theo nghiên cứu cho thấy, 2 chất chuyển hóa chính của Olopatadin là N-oxyd và Mono-desmethyl được bài trừ ra bên ngoài qua đường nước tiểu ở nồng độ thấp.

2.2. Chỉ định và Chống chỉ định sử dụng thuốc Alopatan

Thuốc Alopatan được dùng theo đơn của bác sĩ và sử dụng chủ yếu để điều trị các dấu hiệu cũng như triệu chứng liên quan đến bệnh viêm kết mạc dị ứng theo mùa. Tuy nhiên, cần chống chỉ định Alopatan cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ:

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với hoạt chất Olopatadin hay bất kì tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Alopatan cho bệnh nhi dưới 3 tuổi.
  • Chống chỉ định tương đối cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ nuôi con bú.

Thuốc Alopatan chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc hoặc kết hợp với các dược phẩm khác khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Cách dùng thuốc Alopatan hiệu quả và an toàn

Thuốc Alopatan được dùng bằng đường nhỏ mắt theo liều khuyến cáo của bác sĩ. Bệnh nhân nên nhỏ mỗi bên mắt một giọt với tần suất 2 lần / ngày (cách nhau 8 giờ) và cần duy trì điều trị mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng biến mất hoàn toàn. Nếu bạn đang sử dụng thêm các thuốc nhỏ mắt khác, hãy dùng cách nhau ít nhất 5 phút để tránh nguy cơ tương tác.

Đối với bệnh nhi từ 3 tuổi trở lên có thể dùng liều Alopatan tương tự như người lớn mà không cần phải điều chỉnh. Ngoài ra, có thể sử dụng Alopatan cho bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan, tuy nhiên nên tham khảo liều dùng của bác sĩ để đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến chức năng gan thận.

4. Tác dụng phụ của thuốc Alopatan

Trong quá trình điều trị viêm kết mạc dị ứng bằng thuốc Alopatan, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ dưới đây:

  • Phản ứng ở mắt như châm chích, nóng, nhìn mờ, khô mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, đau hoặc ngứa mắt, cảm thấy như có rặm trong mắt, phù mi.
  • Phản ứng ngoài mắt như hội chứng cúm, mệt mỏi hoặc đau lưng.
  • Viêm hầu họng, quá mẫn cảm với thuốc, viêm kết mạc hoặc hội chứng cảm lạnh.
  • Viêm xoang, viêm mũi, ho nhiều.
  • Nhiễm trùng, đau lưng, mệt mỏi, buồn nôn.
  • Tăng chảy nước mắt.

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần ngưng sử dụng Alopatan và báo cho bác sĩ biết để có hướng giải quyết. Việc khắc phục sớm những phản ứng liên quan đến dùng thuốc Alopatan sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa các rủi ro sức khỏe khác.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc Alopatan

Nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Alopatan, bệnh nhân cần lưu ý một số khuyến cáo sau:

  • Mặc dù Alopatan là thuốc kháng histamin và chống dị ứng dùng tại chỗ, tuy nhiên thuốc có thể được hấp thu toàn thân và gây ra một số phản ứng quá mẫn nguy hiểm cho người bệnh.
  • Nguy cơ gây ngứa mắt do thuốc Alopatan có chứa thành phần Benzalkonium clorid.
  • Đã có báo cáo cho thấy nguy cơ gặp phải tình trạng viêm loét giác mạc nhiễm độc hoặc viêm giác mạc đốm khi sử dụng thuốc Alopatan.
  • Đối với bệnh nhân bị tổn thương giác mạc hoặc khô mắt cần theo dõi chặt chẽ những phản ứng khi dùng thuốc Alopatan. Những đối tượng này nên trao đổi cụ thể với bác sĩ về thời gian cũng như tần suất dùng thuốc phù hợp.
  • Hoạt chất Benzalkonium trong thuốc Alopatan có khả năng làm mất màu kính áp tròng mềm. Do vậy, người bệnh nên tháo bỏ kính áp tròng trước khi tiến hành nhỏ mắt bằng thuốc Alopatan. Ngoài ra, nên chờ tối thiểu 15 phút sau khi nhỏ mắt mới đeo lại kính áp tròng.
  • Sau khi nhỏ thuốc Alopatan, mắt có thể xuất hiện triệu chứng nhìn mờ hoặc rối loạn thị lực tạm thời, khi đó người bệnh cần tránh lái xe để đảm bảo an toàn.
  • Phụ nữ có thai hay người mẹ đang nuôi con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng Alopatan. Chỉ nên dùng Alopatan khi lợi ích lớn hơn hẳn so với rủi ro.
  • Không dùng thuốc Alopatan theo đường uống hoặc tiêm, chỉ dùng bằng đường nhỏ mắt.
  • Khi dùng quá liều thuốc Alopatan và gặp các triệu chứng ngộ độc, bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám chữa.
  • Nếu trót bỏ lỡ liều dùng thuốc Alopatan, bạn cần nhỏ bù liều vào thời điểm sớm nhất. Tuyệt đối không dùng chồng liều hoặc gấp đôi liều Alopatan cùng một lúc.
  • Kiểm tra hạn sử dụng và màu sắc dung dịch Alopatan trước khi nhỏ mắt nhằm ngăn ngừa nguy cơ dùng thuốc hết hạn hoặc hư hỏng.
  • Thận trọng khi dùng chung Alopatan cùng với các thuốc điều trị bệnh khác, nhất là thuốc nhỏ mắt. Tốt nhất, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết danh sách các dược phẩm khác hiện đang sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê toa, thảo dược, viên uống bổ sung hoặc thực phẩm chức năng nhằm ngăn ngừa nguy cơ tương tác bất lợi giữa các thuốc.
  • Để xa tầm với trẻ em và bảo quản thuốc Alopatan tại nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Alopatan, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Alopatan là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe