Thuốc Albalon thường được chỉ định sử dụng nhằm làm giảm tạm thời các triệu chứng đỏ mắt và khó chịu nhẹ trong mắt. Trong quá trình sử dụng thuốc Albalon, người bệnh cần tuân theo liều lượng và tần suất dùng thuốc để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.
1. Albalon là thuốc gì?
Thuốc Albalon được sử dụng cho mắt, giúp giảm tạm thời các triệu chứng khó chịu hoặc đỏ mắt nhẹ do các chất kích ứng gây ra. Thuốc có chứa hoạt chất chính là naphazoline, được biết đến là một chất co mạch, hoạt động bằng cách thu hẹp các mạch máu bị sưng trong mắt, từ đó làm giảm thiểu triệu chứng đỏ mắt. Ngoài ra, thuốc Albalon cũng được sử dụng cho một số mục đích điều trị khác không được liệt kê trong hướng dẫn này.
2. Một số điều cần lưu ý trước khi sử dụng thuốc Albalon
Trước khi sử dụng Albalon thuốc dành cho mắt, người bệnh cần lưu ý một số điều quan trọng dưới đây:
- Tránh sử dụng thuốc Albalon nếu đang gặp phải tình trạng dị ứng với hoạt chất naphazoline hoặc mắc bệnh tăng nhãn áp góc hẹp.
- Trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng nếu bạn đang mắc một số bệnh lý khác như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn tuyến giáp, chấn thương mắt hoặc nhiễm trùng.
- Theo khuyến cáo của FDA đối với thai kỳ loại C, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào chứng minh Albalon gây hại cho thai nhi. Tốt nhất, bạn nên báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc có ý định mang thai trong tương lai gần trước khi sử dụng.
- Không có dữ liệu cụ thể về việc naphazoline nhỏ mắt có thể đi vào đường sữa mẹ và gây hại cho trẻ sơ sinh, do đó bà mẹ đang nuôi con bú nên hỏi ý kiến của bác sĩ về lợi ích và rủi ro của albalon trước khi sử dụng.
3. Nên sử dụng thuốc Albalon như thế nào?
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Albalon, người bệnh cần sử dụng chính xác theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh dùng thuốc quá ít, với lượng lớn hoặc lâu hơn thời gian khuyến cáo. Việc sử dụng thuốc Albalon trong thời gian dài hoặc quá thường xuyên có thể gây trầm trọng thêm cho các triệu chứng cũng như tổn thương tại mạch máu trong mắt.
Để sử dụng thuốc Albalon đúng cách và đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần tuân thủ một số điều dưới đây:
- Rửa sạch tay trước khi nhỏ mắt bằng thuốc
- Khi nhỏ thuốc, bạn hơi ngửa đầu ra sau và kéo mi mắt xuống dưới, sau đó hướng đầu ống nhỏ giọt xuống phía góc mắt và nhỏ từ 1 – 2 giọt.
- Sau khi nhỏ thuốc nên nhắm mắt lại và ấn nhẹ ngón tay vào góc trong của mắt khoảng 60 giây để dung dịch thuốc không chảy vào ống dẫn nước mắt.
- Chỉ được nhỏ mắt bằng thuốc Albalon theo đúng số lượng giọt được khuyến nghị.
Trong quá trình nhỏ thuốc Albalon, cần tránh để đầu của ống nhỏ mặt chạm trực tiếp lên mắt hoặc tay. Điều này có thể làm nhiễm bẩn ống nhỏ giọt và dễ gây nhiễm trùng mắt, thậm chí gây ra các vấn đề về thị lực nghiêm trọng khác.
Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý quan sát màu sắc và kết cấu thuốc Albalon. Nếu dung dịch trong lọ thuốc đã thay đổi màu sắc hoặc có chứa các hạt bên trong, tốt nhất bạn nên ngừng dùng thuốc.
4. Cần làm gì khi bỏ lỡ liều thuốc hoặc dùng quá liều Albalon?
Do thuốc albalon được sử dụng trong trường hợp cần thiết, vì vậy không có một lịch trình nhất định. Nếu bạn được khuyến cáo dùng thuốc vào các khoảng thời gian cố định trong ngày và trót bỏ lỡ liều thuốc, hãy sử dụng ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, cần bỏ qua liều đã quên nếu gần giờ sử dụng cho liều thuốc tiếp theo trong liệu trình. Tuyệt đối không nên sử dụng thêm thuốc để bù liều.
Đối với trường hợp quá liều thuốc Albalon, mặc dù hiện nay chưa có báo cáo cụ thể về các triệu chứng quá liều tuy nhiên một số bệnh nhân có thể xảy ra phản ứng kích ứng với hoạt chất naphazoline sau khi nhỏ thuốc. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào sau khi dùng quá liều Albalon, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc tìm đến sự hỗ trợ của y tế càng sớm càng tốt.
5. Một số tác dụng phụ của thuốc Albalon
Thuốc Albalon có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng, bao gồm:
- Phản ứng dị ứng, chẳng hạn như khó thở, phát ban, sưng phù lưỡi, cổ họng, mặt và môi.
- Đau mắt, đỏ mắt liên tục hoặc trở nên trầm trọng hơn.
- Có những thay đổi trong tâm nhìn, chẳng hạn như mờ mắt.
- Nhịp tim nhanh, tim đập không đều, đau tức ngực.
- Đau nhức đầu dữ dội kèm ù tai, lú lẫn, lo lắng hoặc khó thở.
- Cay hoặc có cảm giác bỏng nhẹ mắt.
- Chảy nước mắt.
- Chóng mặt.
- Hồi hộp.
Các tác dụng phụ của thuốc Albalon có thể xảy ra không giống nhau ở mỗi đối tượng bệnh nhân. Nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, bạn nên ngừng sử dụng albalon và báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử trí.
6. Một số điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Albalon
Khi điều trị tình trạng đỏ mắt bằng thuốc Albalon, người bệnh cần thận trọng một số điều dưới đây:
- Thuốc Albalon chỉ có tác dụng giảm tạm thời chứng đỏ mắt nhẹ hoặc cảm giác khó chịu ở mắt do các chất kích ứng nhỏ gây ra.
- Không sử dụng thuốc albalon nếu mắc bệnh tăng nhãn áp góc hẹp.
- Ngừng sử dụng thuốc Albalon và báo cho bác sĩ ngay nếu tình trạng đỏ mắt không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn, kèm theo các tình trạng khác như đau mắt, chóng mặt, thay đổi thị lực, đau đầu, khó thở hoặc ù tai nghiêm trọng.
- Tránh sử dụng thuốc albalon khi đang đeo kính áp tròng vì thuốc có chứa chất bảo quản dễ làm thay đổi màu kính áp tròng mềm. Người bệnh nên chờ ít nhất 15 phút sau khi dùng albalon trước khi đeo kính áp tròng.
7. Hướng dẫn bảo quản thuốc Albalon
Thuốc Albalon cần được bảo quản tại nơi khô ráo, không quá 30 độ C và tránh ánh sáng trực tiếp. Thuốc nên đặt ở vị trí cao, khuất tầm với của trẻ nhỏ và hạn chế tối đa tiếp xúc với thú nuôi trong gia đình. Ngoài ra, bạn không được dùng chung thuốc albalon với người khác và chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng với những chia sẻ về thuốc Albalon sẽ giúp quá trình sử dụng thuốc ở người bệnh được hiệu quả và an toàn nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com - holevn.org