Rupatadine 10 mg là thuốc điều trị các triệu chứng dị ứng với thành phần chính là Rupatadine fumarate thuộc nhóm thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về cách sử dụng và những tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc.
1. Rupatadine là gì?
Thuốc Rupatadine 10 mg có hoạt chất chính là Rupatadine fumarate 10mg. Đây là thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai, đối kháng histamine có tác dụng kéo dài, với hoạt tính đối kháng thụ thể H1 ngoại vi có chọn lọc.
2. Chỉ định sử dụng của thuốc Rupatadine
Thuốc Rupatadine được bác sĩ sĩ chỉ định và kê đơn điều trị các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng và nổi mề đay ở người lớn, thanh thiếu niên trên 12 tuổi.
3. Chống chỉ định của Rupatadine
Thuốc Rupatadine chống chỉ định với những người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc
4. Liều lượng & cách dùng của Rupatadine
Liều lượng và cách dùng thuốc Rupatadine như sau:
- Người lớn: Liều khuyến cáo sử dụng thuốc Rupatadine là 10 mg/viên và dùng một lần trong ngày. Người bệnh có thể dùng chung với bữa ăn hoặc không.
- Trẻ em: không khuyến cáo sử dụng thuốc Rupatadine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Theo đó, ở đối tượng là trẻ em từ 2 đến 11 tuổi có thể được bác sĩ khuyến cáo sử dụng thuốc Rupatadine 1 mg/ml ở dạng dung dịch uống.
- Người cao tuổi: Nên thận trọng sử dụng thuốc Rupatadine ở đối tượng này.
- Bệnh nhân suy thận hoặc gan: Vì không có kinh nghiệm, cũng như các nghiên cứu lâm sàng nên hiện nay thuốc không được khuyến cáo ở những bệnh nhân này.
5. Tác dụng phụ của Rupatadine
- Tác dụng phụ thường gặp: buồn ngủ, nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, khô miệng và chóng mặt.
- Tác dụng ít gặp: Viêm họng hạt, ho, cổ họng khô, chảy máu cam, khô mũi, đau hầu họng, rối loạn chú ý, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, đau khớp, đau lưng, đau cơ, khát nước, cáu gắt, tăng cân, tăng creatine phosphokinase trong máu, kiểm tra chức năng gan bất thường.
- Tác dụng hiếm gặp: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, xuất hiện phản ứng quá mẫn (bao gồm phản ứng phản vệ, phù mạch và nổi mề đay).
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Rupatadine
- Sử dụng thuốc Rupatadine thận trọng trên những bệnh nhân đã biết kéo dài khoảng QT, những bệnh nhân bị hạ kali máu không điều chỉnh được, bệnh nhân có tình trạng loạn nhịp liên tục, chẳng hạn như nhịp tim chậm có ý nghĩa lâm sàng, thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân là người cao tuổi (65 tuổi trở lên).
- Phụ nữ có thai: Hiện nay, có rất ít dữ liệu về việc sử dụng Rupatadine ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật không chỉ ra tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thai nghén, sự phát triển bào thai, sinh con hoặc sự phát triển sau khi sinh. Vì thế, bạn vẫn nên tránh sử dụng thuốc trong giai đoạn thai kỳ.
- Phụ nữ cho con bú: Người ta chưa biết liệu thuốc Rupatadine có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Nghiên cứu cho thấy Rupatadine có bài tiết qua sữa ở động vật. Cân nhắc sử dụng thuốc giữa lợi ích của việc cho con bú và lợi ích của thuốc đối với người phụ nữ đang cho con bú.
- Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc: Ở liều lượng khuyến cáo, Rupatadine không ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc sử dụng máy móc. Tuy nhiên, khi bạn mới bắt đầu dùng Rupatadine bạn nên chú ý tác dụng của thuốc trước khi lái xe hoặc sử dụng máy móc.
Thuốc Rupatadine 10 mg có hoạt chất chính là Rupatadine fumarate 10mg. Thuốc Rupatadine được bác sĩ sĩ chỉ định và kê đơn điều trị các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng và nổi mề đay ở người lớn, thanh thiếu niên trên 12 tuổi. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.