Faromen thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm và kháng virus, có chứa thành phần chính là Meropenem trihydrate. Thuốc Faromen được sử dụng nhiều cho việc điều trị các nhiễm khuẩn ở cả người lớn và trẻ em gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm với Meropenem.
1. Thuốc Faromen là thuốc gì?
Thuốc Faromen bao gồm hoạt chất chính là Meropenem trihydrate dạng bột pha tiêm - 1 chất diệt khuẩn hoạt động tương tự như Penicillin bằng cách ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Hoạt chất này có phổ hoạt tính rộng đối với các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, ưa khí và kỵ khí. Nó cũng bền vững đối với sự thủy giải của các beta-lactam được tiết ra bởi hầu hết các loài vi khuẩn. Trong mỗi hộp thuốc Faromen có chứa 1 lọ 500mg bột thuốc pha và 1 ống 10ml nước cất vô khuẩn dùng pha tiêm.
Nhờ công dụng của Meropenem như trên, thuốc Haromen thường được chỉ định sử dụng cho mọi độ tuổi trong các trường hợp:
- Viêm phổi hoặc viêm phổi bệnh viện;
- Nhiễm khuẩn đường niệu;
- Nhiễm khuẩn trong ổ bụng;
- Nhiễm khuẩn phụ khoa ví dụ như viêm nội mạc tử cung hay các bệnh lý viêm vùng chậu;
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da;
- Viêm màng não;
- Nhiễm khuẩn huyết;
- Điều trị theo kinh nghiệm đối với các nghi ngờ nhiễm khuẩn ở người lớn bị sốt giảm bạch cầu theo đơn trị liệu hay phối hợp với các thuốc kháng virus, kháng nấm khác.
Khuyến cáo không nên sử dụng thuốc Faromen cho các đối tượng:
- Bệnh nhân mẫn cảm với thành phần của thuốc, đặc biệt là Meropenem;
- Bệnh nhân dị ứng với hoạt chất, chất kháng khuẩn Carbapenem hay bất kì thành phần tá dược nào được ghi trên bao bì.
- Quá mẫn cảm nghiêm trọng (phản ứng phản vệ hoặc phản ứng da nghiêm trọng) với bất kỳ loại tác nhân kháng khuẩn Beta-lactam nào khác (Penicillin hoặc Cephalosporin).
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Faromen
Cách dùng: Dùng thuốc Faromen bằng đường tĩnh mạch. Có thể dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc khác để có kết quả mong muốn.
Liều dùng hàng ngày:
Người lớn:
- Viêm phổi, nhiễm khuẩn đường niệu, các nhiễm khuẩn phụ khoa như viêm nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: Liều 500mg Haromen dùng bằng đường tĩnh mạch (IV) mỗi 8 giờ;
- Viêm phổi bệnh viện và viêm phúc mạc, các nghi ngờ nhiễm khuẩn ở bệnh nhân giảm bạch cầu, nhiễm khuẩn huyết: Liều 1g thuốc Faromen dùng đường tĩnh mạch (IV) mỗi 8 giờ;
- Bệnh xơ hóa nang: Liều có thể lên đến 2g mỗi 8 giờ, đa số bệnh nhân được điều trị với liều này;
- Viêm màng não: Liều dùng khuyến cáo là 2g mỗi 8 giờ.
Lưu ý: Cũng như những thuốc kháng sinh khác, cần hết sức thận trọng khi sử dụng Haromen đơn trị liệu trong các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn Pseudomonas aeruginosa đường hô hấp dưới nghiêm trọng.
Khuyến cáo nên thường xuyên thử nghiệm độ nhạy cảm của thuốc trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn gây ra do Pseudomonas aeruginosa.
Liều dùng dành cho người lớn bị suy giảm chức năng thận:
Nên giảm liều với người bệnh có độ thanh thải creatinin (ClCr) < 51ml/phút như sau:
- ClCr từ 26-50ml/phút: Dùng 1 đơn vị liều sau mỗi 12 giờ;
- ClCr từ 10-25ml/phút: Dùng nửa đơn vị liều sau mỗi 12 giờ;
- ClCr dưới 10ml/phút: Dùng nửa đơn vị liều sau mỗi 24 giờ.
Trẻ em:
- Trẻ em từ 3 tháng - 12 tuổi: Liều dùng khuyến cáo là 10-20mg/kg mỗi 8 giờ phụ thuộc mức độ và loại nhiễm khuẩn, độ nhạy cảm của tác nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhi;
- Trẻ em > 50kg: Khuyến cáo dùng liều như với người lớn.
- Liều dùng được khuyến cáo cho viêm màng não là 40mg/kg mỗi 8 giờ.
Quá liều: Quá liều không chủ ý sẽ có thể xảy ra trong quá trình điều trị, đặc biệt ở những bệnh nhân suy thận. Ở người bình thường, Faromen sẽ được nhanh chóng thải trừ qua thận; và ở các bệnh nhân suy thận, thẩm phân máu sẽ loại trừ Meropenem và các chất chuyển hóa.
3. Tác dụng phụ của thuốc Faromen
Hiếm khi có các biến cố ngoài ý nghiêm trọng. Dưới đây là các triệu chứng ngoài ý được ghi nhận qua các thử nghiệm lâm sàng:
- Viêm hoặc đau tại chỗ tiêm và viêm tĩnh mạch huyết khối;
- Các phản ứng dị ứng toàn thân (quá mẫn) rất hiếm xảy ra khi sử dụng Meropenem. Các phản ứng này còn bao gồm phù mạch và các biểu hiện phản vệ;
- Phát ban, ngứa, mề đay. Các phản ứng da nghiêm trọng như hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử da nhiễm độc thường hiếm xuất hiện;
- Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc viêm đại tràng giả mạc;
- Tăng tiểu cầu hoặc tăng bạch cầu ái toan, giảm tiểu cầu/ bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính (kể cả mất bạch cầu hạt rất hiếm xảy ra) có thể chữa trị. Thiếu máu tán huyết thường hiếm khi xảy ra. Phản ứng Coombs dương tính trực tiếp hay gián tiếp có thể xảy ra ở một số người bệnh hay giảm thời gian thromboplastin một phần;
- Làm gia tăng nồng độ Bilirubin, Transaminase, Phosphatase kiềm hoặc Lactic dehydrogenase huyết thanh đơn thuần hay phối hợp;
- Nhức đầu, dị cảm và co giật;
- Nhiễm Candida miệng và âm đạo.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Faromen
- Hiện nay có một số bằng chứng lâm sàng và cận lâm sàng về việc dị ứng chéo một phần giữa các kháng sinh Carbapenem khác với kháng sinh họ Beta-lactam, Penicillin và Cephalosporin. Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Faromen, nên nói rõ với bác sĩ về tiền sử các phản ứng quá mẫn với các kháng sinh họ Beta-lactam. Nếu phản ứng dị ứng với Meropenem xảy ra, nên ngưng dùng thuốc và thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp;
- Khi sử dụng thuốc Faromen cho người bệnh có bệnh gan cần theo dõi kỹ nồng độ Transaminase và Bilirubin;
- Cần thận trọng khi sử dụng phối hợp với các thuốc có khả năng gây độc trên thận;
- Khuyến cáo không nên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai và cho con bú thì những phản ứng có hại thuốc có thể đem lại.
5. Tương tác của thuốc Faromen
- Faromen có thể xảy ra tương tác với các thuốc Probenecid và thuốc chống đông máu;
- Không khuyến cáo dùng cùng lúc Meropenem và Acid Valproic/Natri valproate/Valpromide.
Những thông tin cơ bản về thuốc Faromen trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì Faromen là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.