Thuốc Burci chứa hoạt chất chính là Ursodeoxycholic acid với hàm lượng 150mg. Thuốc được chỉ định trong điều trị sỏi mật, bệnh viêm túi mật, viêm đường dẫn mật, cải thiện chức năng gan trong bệnh viêm gan mạn tính.
1. Thuốc Burci là thuốc gì?
Ursodeoxycholic acid là một acid mật thứ được sản sinh từ các vi khuẩn đường ruột, trong khi các acid mật sơ cấp được sản sinh ra từ gan và được tích lũy ở túi mật. Acid ursodeoxycholic là một trong những biện pháp điều trị sỏi mật được sử dụng phổ biến hiện nay. Tác dụng của thuốc là sự kết hợp của nhiều cơ chế khác nhau: Giảm tái hấp thu cholesterol, tăng chuyển hóa cholesterol ở gan thành các acid mật bằng cách làm tăng hoạt tính tại gan của enzyme cholesterol 7 alpha- hydroxylase. Bên cạnh đó, acid ursodeoxycholic cũng giúp duy trì cholesterol ở dạng hòa tan trong dịch mật.
2. Thuốc Burci có tác dụng gì?
Thuốc Burci được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Cải thiện chức năng gan ở bệnh nhân bị viêm gan mạn tính.
- Bảo vệ và phục hồi tế bào gan trước hoặc sau khi uống rượu.
- Bệnh nhân bị khó tiêu, chán ăn do rối loạn ở đường mật.
- Hỗ trợ điều trị sỏi mật cholesterol, bệnh viêm túi mật và viêm đường dẫn mật
3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Burci
Liều dùng: Liều lượng thuốc Burci có thể thay đổi tùy theo thể trạng và độ nặng của bệnh. Sau đây là liều thuốc Burci tham khảo trong một số trường hợp:
- Điều trị sỏi túi mật cholesterol: Liều khuyến cáo từ 5 - 10mg/ kg/ ngày, liều trung bình là 7.5mg/ kg/ ngày ở những người có thể trạng trung bình. Đối với người béo phì, liều khuyên dùng là 10mg/ kg/ ngày, tùy theo thể trọng mà có thể dùng từ 2 - 3 viên/ ngày.
- Điều trị bệnh gan mật mạn tính: Liều thường dùng là từ 13 - 15mg/ kg/ ngày. Bệnh nhân nên bắt đầu từ liều 200mg/ ngày, sau đó tăng liều theo bậc thang để đạt được liều tối ưu vào khoảng 4 - 8 tuần điều trị.
- Điều trị bệnh lý gan mật mắc phải do bệnh nhầy nhớt: Liều Burci tối ưu là 20mg/ kg/ ngày.
Cách dùng: Bệnh nhân có thể uống thuốc Burci một lần vào buổi tối hoặc chia thành hai lần buổi sáng và buổi tối. Thời gian điều trị thường là 6 tháng, tuy nhiên nếu sỏi có kích thước lớn hơn 1cm thì thời gian điều trị có thể kéo dài tới 1 năm.
4. Chống chỉ định
Thuốc Burci chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân mẫn cảm với hoạt chất hay các thành phần tá dược của thuốc.
- Bệnh nhân bị tắc nghẽn ống mật.
- Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Bệnh nhân viêm gan tiến triển nhanh.
- Bệnh nhân có sỏi calci.
- Bệnh nhân viêm túi mật cấp, suy giảm khả năng co bóp của túi mật hoặc túi mật không hoạt động.
- Trẻ em dưới 12 tuổi.
- Bệnh nhân bị loét dạ dày - tá tràng cấp.
- Bệnh nhân cắt bỏ hồi tràng
5. Tác dụng phụ của thuốc Burci là gì?
Thuốc Burci có thể gây ra các tác dụng phụ như dị ứng, giảm bạch cầu, tiêu chảy, viêm dạ dày, nhiễm trùng tiết niệu, đau bụng trên, buồn nôn và nôn. Bệnh nhân sử dụng thuốc Burci có thể gặp tình trạng tăng ngứa ngáy, mề đay khi bắt đầu điều trị chứng ứ mật nặng. Do đó, liều Burci khởi đầu khuyến cáo ở các bệnh nhân này là 200mg/ ngày.
6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Burci là gì?
- Đối với bệnh nhân điều trị dài hạn, mặc dù acid ursodeoxycholic không có tác dụng gây ung thư nhưng vẫn khuyến cáo giám sát trực tràng.
- Trong trường hợp sử dụng Burci để điều trị sỏi túi mật cholesterol, nên kiểm tra hiệu quả điều trị bằng chẩn đoán hình ảnh sau 6 tháng.
- Khi điều trị bệnh gan mật mạn tính, bệnh nhân bị xơ gan kết hợp với suy chức năng tế bào gan hoặc ứ mật (hàm lượng bilirubin máu lớn hơn 200 micromol/ L) phải được giám sát cẩn trọng khi dùng thuốc.
- Trường hợp bệnh nhân bị ứ mật gây mẩn ngứa, liều dùng của acid ursodeoxycholic cần được tăng dần với liều khởi đầu là 200mg/ ngày. Trong trường hợp này, việc sử dụng đồng thời cholestyramin là cần thiết với điều kiện cholestyramin phải dùng cách thuốc Burci khoảng 5 giờ.
- Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy khi dùng thuốc, phải giảm liều và trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, nên ngừng thuốc Burci.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc Burci nên nên đo các chỉ số SGPT (ALT), SGOT (AST), GGT, ALP và bilirubin tại thời điểm trước và sau điều trị để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
- Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy khả năng gây quái thai. Do vậy không sử dụng thuốc Burci ở phụ nữ mang thai hoặc đang có ý định có thai.
- Phụ nữ cho con bú: Không nên sử dụng thuốc Burci ở phụ nữ đang cho con bú
7. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc sẽ làm thay đổi tác dụng trị liệu và/ hoặc gia tăng độc tính của thuốc. Sau đây là những tương tác bệnh nhân cần lưu ý khi sử dụng thuốc Burci:
- Không dùng thuốc Burci đồng thời với cholestyramin vì tác dụng của thuốc sẽ bị giảm do gắn kết với cholestyramin và bị đào thải ra ngoài. Nếu cần dùng cholestyramin, nên dùng cách 5 giờ so với thời điểm uống thuốc Burci.
- Bệnh nhân không nên sử dụng với các loại thuốc kích thích tố estrogen do các thuốc này làm gia tăng cholesterol mật.
- Tránh sử dụng Burci với các thuốc gắn với acid mật khác như thuốc kháng acid, than hoạt tính vì có thể làm giảm hiệu lực điều trị.
Bài viết đã cung cấp các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Burci. Nếu cần thêm thông tin hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về thuốc, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.