Cây mần ri được xem là một trong những loại thuốc trị bệnh quý và đem lại hiệu quả cao trong điều trị những căn bệnh mãn tính như bệnh về gan, bệnh xương khớp hay đau đầu. Với công dụng vượt trội, sử dụng cây mần ri một cách tối ưu giúp sức khỏe được cải thiện đáng kể.
1. Tổng quan về cây mần ri
Cây mần ri còn có các tên khác như mần ri tím, màng ghi hoa tím, mần ri tía, mùng ri hay cây hoa trắng. Nó có tên khoa học là Cleome chelidonii (mần ri hoa tím) và Cleome gynandra (mần ri hoa trắng), thuộc họ Màn Màn.
1.1. Về đặc điểm thực vật
Cây mần ri được biết đến là loài thực vật thân thảo sống lâu năm với chiều cao khoảng 1m. Lá của nó có màu xanh lá, dài hẹp cùng với thân cây mềm và được bao phủ bởi những sợi lông nhỏ màu trắng.Từ một cuống ở thân sẽ phát triển thêm khoảng từ 3-5 lá chét.
Hoa mần ri nở quanh năm với hai màu trắng hoặc tím. Quả có đặc điểm là dài và bên trong chứa nhiều hạt có hình thận. Rễ mần ri có dạng hình trụ dài và phát triển thành chùm to.
Hai loại mần ri tím và trắng đều có tính ấm, không gây độc. Do đó có tác dụng điều trị bệnh cảm cúm, rắn cắn và nhức đầu.
1.2. Về phân bố
Cây mần ri thường mọc hoang ở đồng bằng cũng như khu vực đất thấp. Trên thế giới, loài cây này phân bố nhiều ở các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc,... Tại Việt Nam, cây phát triển dọc các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Nó trở nên phổ biến hơn khi được người dân trồng trong vườn nhà để làm thuốc chữa bệnh.
1.3. Về thu hái, sơ chế và bảo quản cây mần ri
Với đặc điểm như trên, cây mần ri được thu hái quanh năm, sau khi đem về sẽ được rửa sạch và dùng tươi hoặc phơi khô rồi cho vào túi nilon và cột kín để sử dụng lâu hơn. Trong thời gian đó, cần chú ý bảo quản ở nơi khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát để không bị hư hỏng hoặc bị mốc.
1.4. Bộ phận sử dụng
Tất cả các bộ phận của cây bao gồm rễ, thân, lá và hạt đều được sử dụng triệt để trong làm dược liệu chữa bệnh.
2. Thành phần hóa học cây mần ri
Trong cây mần ri chứa nhiều hoạt chất các nhau bao gồm alucocleomin, glycoside và glucocapparin. Ngoài ra, trong hạt còn có chứa 0,04% viscosin và 0,1% axit viscosic. Bên cạnh đó, protein, chất béo, vitamin A và đường khử cũng chứa trong vị thuốc này.
3. Tác dụng cây mần ri
Cây mần ri được ứng dụng rộng rãi trong việc điều trị các bệnh lý bởi lẽ hầu hết các bộ phận của cây đều có thể sử dụng để làm thuốc, sau đây là một số tác dụng của cây mần ri:
3.1. Điều trị bệnh về gan
Tác dụng của cây mần ri giúp cải thiện tình trạng viêm gan, xơ gan. Gan được biết đến là một trong những bộ phận rất quan trọng của cơ thể, là nhà máy chuyển hóa các chất. Từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày hoặc do bệnh lý mà gan có thể bị viêm, xơ dẫn đến suy giảm chức năng.
Cách để điều trị hiệu quả bao gồm thanh nhiệt và hàn thấp tùy theo chứng vàng da. Cây mần ri với đặc trưng là mang tính ấm và có vị đắng sẽ giúp điều trị hiệu quả các bệnh về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan.
3.2. Chữa bệnh đau nhức xương khớp
Bệnh đau nhức xương khớp thường xảy ra ở người cao tuổi hoặc khi thời tiết thay đổi, làm cho quá trình vận động trở nên khó khăn, Càng về sau, bệnh lý sẽ gây nguy hiểm càng cao điển hình là bị thoái hóa khớp. Mần ri có vị đắng và được ứng dụng rất hiệu quả trong điều trị đau nhức xương khớp.
3.3. Chữa bệnh cảm sốt, đau đầu
Hệ hô hấp kém và không lọc sạch được không khí là nguyên nhân chính gây ra bệnh cảm sốt, đau nhức đầu. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn xâm nhập và tấn công cơ thể gây nên đau đầu, sốt, viêm mũi,...
Sử dụng cây mần ri để điều trị là phương pháp hiệu quả nhất, trong khi thuốc kháng sinh sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn.
4. Các bài thuốc từ cây mần ri
4.1. Hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ
Đầu tiên, cần chuẩn bị: 50 gram mần ri, 6 gram mật nhân và 50 gram diệp hạ châu.Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch 3 loại thảo dược để loại bỏ hết bụi bẩn và vi khuẩn.
- Cho các dược liệu vào ấm với 1500ml nước lọc. Đun sôi cho đến khi lại còn 1000ml thì tắt bếp.
- Lọc lấy nước thuốc và bỏ đi phần bã. Sau đó chia làm 2 phần bằng nhau để uống vào 2 buổi trong ngày.
- Thực hiện đều đặn và liên tục mỗi ngày thì chỉ sau vài tuần, bệnh sẽ có thuyên giảm rõ rệt.
4.2. Hỗ trợ tăng cường chức năng gan
Chuẩn bị 50 gram mần ri hoa trắng khô và thực hiện như sau:
- Rửa sạch dược liệu, vớt ra và để ráo nước.
- Cho vào ấm để hãm cùng nước nóng.
- Sau khi ra hết hoạt chất từ dược liệu thì rót lấy nước uống.
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày để đạt kết quả tốt nhất.
4.3. Hỗ trợ điều trị lao hạch
Chuẩn bị: 50 gram mần ri, 15 gram cam thảo và 50 gram hạ khô thảo
Sau đó thực hiện như sau:
- Rửa sạch các dược liệu sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào ấm nấu với 1 lít nước lọc.
- Đun sôi cho đến khi hỗn hợp đổi màu và sắc lại thì ngưng nấu. Lọc lấy nước thuốc và.chia làm 2 lần để uống trong ngày.
- Duy trì đều đặn và không ngắt quãng để đạt kết quả điều trị cao nhất.
4.4. Hỗ trợ điều trị đi tiểu khó, thận yếu
Chuẩn bị: 50 gram mần ri và 50 gram bán chi liên
Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch các dược liệu với nước muối pha loãng để diệt khuẩn.
- Sau đó cho tất cả vào ấm nấu với 500ml nước cho đến khi hỗn hợp sắc lại.
- Lọc lấy nước thuốc uống vào mỗi buổi sáng trong ngày.
4.5. Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp
Chuẩn bị 50 gram mần ri khô, và tiếp tục thực hiện như sau:
- Rửa sạch sau đó cho vào ấm nấu với lượng nước vừa đủ.
- Đun sôi và chờ đến khi sắc lại còn khoảng 1/2.
- Lọc lấy nước thuốc, chia thành nhiều phần nhỏ để uống trong ngày.
4.6. Hỗ trợ chữa bệnh đau đầu, cảm sốt
Bài thuốc 1
Chuẩn bị 20 gram mần ri và thực hiện như sau
- Rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng để diệt khuẩn và sát trùng.
- Cho vào cối giã nát sau đó đắp lên vùng thái dương và trán để trị bệnh.
Bài thuốc 2
Chuẩn bị 700 gram mần ri bao gồm thân, lá và rễ.
Cách thực hiện như sau:
- Đem rửa sạch dược liệu để không còn bụi bẩn và vi khuẩn.
- Cho vào nồi nấu với với 5 lít nước, sau đó đem xông hơi trong khoảng 20 phút.
- Dùng khăn mềm lau khô mồ hôi sau khi xông sẽ thấy cải thiện triệu chứng.
4.7. Điều trị sưng hạch ở cổ, cạnh tai
Chuẩn bị lá mần ri tươi với một lượng vừa đủ.
Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch dược liệu sau đó đem ngâm trong nước pha loãng 10 phút để diệt khuẩn.
- Cho vào cối giã nát hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi đắp lên vùng bị sưng hạch.
- Thực hiện đều đặn trong vài ngày đến vài tuần sẽ thấy bệnh thuyên giảm và khỏi hẳn.
4.8. Hỗ trợ chữa viêm cầu thận mãn tính, ho hen
Chuẩn bị 40 gram mần ri hoa tím khô.
Cách thực hiện như sau:
- Đem hoa tím khô đi rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
- Cho vào ấm hãm cùng nước nóng để uống.
- Chờ cho đến khi hoạt chất ra hết thì lọc lấy nước uống, nên chia thành nhiều trong ngày và không để qua đêm.
5. Lưu ý khi sử dụng cây mần ri
Để đạt được kết quả điều trị cao nhất, đảm bảo an toàn đồng thời tránh các tác dụng không mong muốn thì khi sử dụng cây mần ri cần lưu ý một số điều sau đây:
- Không dùng cây mần ri để điều trị cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ sơ sinh, bởi vì một số thành phần trong thảo dược này có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Phải tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của thầy thuốc. Người bệnh không nên dùng hàm lượng quá nhiều trong ngày vì không đem lại kết quả tốt mà ngược lại còn gây phản tác dụng.
- Cần áp dụng các bài thuốc chữa bệnh một cách liên tục và đều đặn để đạt hiệu quả tốt nhất, vì khi dùng ngắt quãng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dược liệu của cơ thể và khiến cho bệnh tình thuyên giảm chậm.
- Nếu phát hiện cơ thể có các dấu hiệu bất thường như nổi mẩn ngứa, khó chịu, buồn nôn, mệt mỏi,... trong quá trình sử dụng thì cần ngưng ngay và đến các cơ sở khám chữa bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp hơn.
Trên đây là tất cả các thông tin về cây mần ri, bao gồm mô tả chung, tác dụng chữa bệnh, các bài thuốc hay và một số lưu ý cần thiết. Tuy nhiên, trước khi dùng dược liệu chữa bệnh, người bệnh nên tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và đạt kết quả điều trị cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.