Cascara là một loại thảo dược sử dụng hỗ trợ trong điều trị một số tình trạng bệnh lý. Vậy Cascara công dụng là gì và cách sử dụng loại thảo dược này như thế nào, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng Cascara
Cascara còn được gọi là cây hắc mai, cây hắc mai California, nó có tên khoa học Rhamnus purshiana.
Cascara được sử dụng như một loại thuốc nhuận tràng chữa táo bón, sỏi mật, bệnh gan và ung thư. Bạn có thể mua cascara giống như là một loại thực phẩm bổ sung, nó không phải thuốc.
Trong Cascara có chứa hoạt chất có tác dụng nhuận tràng và kích thích ruột. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thảo dược này.
2. Sử dụng Cascara như thế nào?
Dược liệu Cascara có các dạng bào chế sau đây:
- Viên nang.
- Dịch chiết.
- Trà.
- Thuốc rượu.
Sử dụng Cascara để làm thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón: Liều thường dùng là 20 - 30mg mỗi ngày. Bạn có thể ngâm 2g cascara thái nhỏ vào trong 150ml nước, đun sôi trong 5 - 10 phút. Dịch chiết xuất từ cây cascara được sử dụng với liều 2 - 5ml, 3 lần mỗi ngày.
Liều dùng của dược liệu cascara có thể khác nhau đối với từng bệnh nhân khác nhau. Liều lượng được tính dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe của bạn và một số vấn đề cần quan tâm khác.
3. Những lưu ý khi sử dụng Cascara
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Cascara, trong các trường hợp sau:
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
- Đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Dị ứng với bất kỳ hoạt chất nào của cây cascara hoặc dị ứng với các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác.
- Bất kỳ loại bệnh tật hoặc rối loạn nào khác.
- Bất kỳ loại dị ứng nào khác, như là dị ứng với thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hay động vật.
Chú ý không sử dụng thảo dược cascara cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai hay cho con bú cho đến khi có thêm nghiên cứu. Hoạt chất Cascara có thể không an toàn cho phụ nữ đang cho con bú, nó có thể truyền qua sữa mẹ và có thể khiến cho trẻ sơ sinh bị tiêu chảy.
4. Tương tác của Cascara với các loại thuốc khác
Thảo dược Cascara có thể tương tác với nhiều loại thuốc, thảo mộc và gây ảnh hưởng đến một số xét nghiệm như là:
- Thuốc nhuận tràng kích thích.
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc chống viêm.
- Xét nghiệm estrogen trong nước tiểu và trong huyết thanh 24 giờ.
- Xét nghiệm kiểm tra mức kali.