Cồn khô và cồn béo trong mỹ phẩm: Tốt hay xấu

Cồn hay còn gọi là alcohol, đây là một hợp chất hữu cơ chứa nhóm -OH gắn trực tiếp vào cacbon trong phân tử. Khi nhắc đến cồn, chúng ta thường nghĩ ngay đến cồn có trong bia rượu hoặc cồn được dùng trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên cồn còn được dùng rất phổ biến trong thành phần của các loại mỹ phẩm. Vậy cồn trong mỹ phẩm có tác dụng gì?

1. Phân loại cồn trong mỹ phẩm

Alcohol sử dụng trong mỹ phẩm thường được phân chia thành 2 loại khác nhau đó là cồn khô (drying alcohol) và cồn béo (fatty alcohol).

Cồn khô trong mỹ phẩm mang đặc điểm và tính chất tương tự loại cồn sử dụng trong rượu bia và thường có tên gọi như ethanol, methanol, ethyl alcohol, alcohol denat, isopropyl alcohol... Tác hại của cồn khô tương đối nhiều nên việc sử dụng cồn khô trong mỹ phẩm đôi lúc có thể gây hại cho da. Trong đó, loại cồn khô phổ biến nhất chính là ethanol vì đặc tính không màu, dễ bay hơi, gặp nhiều thấy trong đồ uống có cồn và cũng góp mặt trong nhiều loại mỹ phẩm khác nhau.

Cồn béo trong mỹ phẩm được xem là loại cồn mang lại nhiều lợi ích. Nó được sử dụng như một chất nhũ hóa (giúp phân tán dầu và nước tạo nên nền cho sản phẩm mỹ phẩm), chất làm mềm (dưỡng ẩm tự nhiên) và có vai trò làm đặc nền, dày sản phẩm. Một số loại cồn béo thông dụng và an toàn là cetyl alcohol, cetearyl alcohol, stearyl alcohol, behenyl alcohol và myristyl alcohol.

XEM THÊM: Cồn trong mỹ phẩm có tác dụng gì?

2. Cồn trong mỹ phẩm có tác dụng gì?

2.1. Cồn là dung môi hòa tan

Ethanol, một dạng cồn khô trong mỹ phẩm được xem là một dung môi hòa tan rất tốt nhiều thứ mà dung môi nước đơn thuần không làm được. Do đó, ethanol được sử dụng nhiều trong nước hoa vì nhiều tinh dầu thơm và este thường không hòa tan trong nước, nhưng có thể hòa tan trong cồn.

Một số thành phần chăm sóc da không phân cực dẫn đến khó hòa tan trong nước, nhưng ethanol ngược lại giúp chúng hòa tan dễ dàng.

Nhiều mỹ phẩm chăm sóc da sử dụng cồn glycol làm dung môi hòa tan (như propanediol, propylene glycol), nhưng do chúng không dễ bay hơi nên thường làm da sáng bóng (tình trạng này có thể tốt hoặc xấu tùy từng loại da).

2.2. Cồn trong mỹ phẩm làm dung môi chiết

Cồn là một dung môi đa năng nên chúng thường được sử dụng để chiết các thành phần, hoạt chất từ thực vật.


Cồn trong mỹ phẩm làm dung môi chiết
Cồn trong mỹ phẩm làm dung môi chiết

2.3. Cồn giúp làm sạch da

Nhiều loại toner và nước tẩy trang chứa cồn với mục đích giúp loại bỏ lipid, dầu và sáp ra khỏi bề mặt da. Ngoài ra, cồn trong mỹ phẩm còn được sử dụng trong các bước chuẩn bị da trước khi tiến hành điều trị thay thế da (peel da).

2.4. Cồn giúp bảo quản mỹ phẩm

Nồng độ cao của các chất cồn được sử dụng như một chất bảo quản mỹ phẩm, tuy nhiên vai trò này của cồn không còn phổ biến nữa.

Trong số các loại cồn khô trong mỹ phẩm, benzyl alcohol thường được sử dụng để tăng khả năng bảo quản nhiều sản phẩm khác nhau.

2.5. Cải thiện quá trình hấp thu mỹ phẩm

Đặc tính bay hơi nhanh của Ethanol giúp tăng khả năng hấp thu của các loại mỹ phẩm. Bên cạnh đó, cồn giúp công thức sản phẩm dễ trãi đều và thẩm thấu nhanh chóng, đồng thời tạo hiệu ứng làm mát. Tác dụng này của cồn thường biết đến ở các loại kem chống nắng giúp kết cấu của sản phẩm nhẹ hơn.

2.6. Nâng cao hiệu quả các thành phần khác

Ethanol giúp một số thành phần hoạt chất đi vào sâu bên dưới lớp da và nếu ở nồng độ cao có thể giúp tăng hiệu quả của chúng.

2.7. Tăng tính thấm các hoạt chất qua da

Ethanol thấm nhanh qua da người thông qua các cơ chế khác nhau. Đầu tiên, cồn là như một dung môi nên nó có thể làm tăng khả năng hòa tan của các hoạt chất. Hơn nữa, sự thẩm thấu của ethanol vào lớp sừng làm thay đổi tính chất hòa tan của hàng rào này dẫn đến tăng thẩm thấu các hoạt chất qua màng tế bào.

Ngoài ra, quá trình thẩm thấu nhanh của ethanol kết hợp với sự bay hơi nhanh của cồn có thể điều chỉnh hoạt động nhiệt động lực học của hoạt chất trong công thức. Khi ethanol bị bay hơi, nồng độ các chất trong mỹ phẩm có thể tăng lên vượt quá độ hòa tan và trở thành trạng thái quá bão hòa tạo động lực lớn hơn cho quá trình thẩm thấu.

Một giả thiết khác đã báo cáo ethanol như là dung môi kéo, khi thâm nhập vào da có thể mang (lôi kéo theo) các chất trong mỹ phẩm vào theo.

Ngoài ra, ethanol là một dung môi dễ bay có thể tăng chiết xuất một số phần lipid từ bên trong lớp sừng khi sử dụng ở nồng độ cao trong thời gian kéo dài và cải thiện tính thẩm thấu các hoạt chất qua da.

Cồn béo trong mỹ phẩm cũng có khả năng tăng cường thâm nhập các thành phần khác. Trong đó, cồn 1-octanol và 1-propranolol được xem là chất tăng cường hiệu quả cho axit salicylic và niacinamide (vitamin B3) ở da chuột trong một số thí nghiệm.

XEM THÊM: Mỹ phẩm chứa cồn có tốt không?


Ethanol thấm nhanh qua da người thông qua các cơ chế khác nhau
Ethanol thấm nhanh qua da người thông qua các cơ chế khác nhau

3. Vậy cồn là thành phần tốt hay xấu cho da?

Như phân tích ở trên thì cả 2 loại cồn khô và cồn béo trong mỹ phẩm đều mang lại nhiều tác dụng chăm sóc cho da. Vậy lý do gì nhiều người lại tránh, hạn chế sử dụng các mỹ phẩm có chứa cồn?

Theo nghiên cứu, trong 2 loại trên thì loại gây hại cho da là cồn khô trong mỹ phẩm. Nguyên nhân là việc nếu nồng độ quá cao, cồn khô làm mất đi lớp dầu và protein ở bề mặt, ảnh hưởng đến lớp màng giữ ẩm của da, gây khô, lão hóa sớm, kích ứng trong một số trường hợp và giảm khả năng tự bảo vệ của da mụn.

Vì những lý do đó mà người có làn da khô, nhạy cảm, dễ kích ứng và da mụn nên tránh sử dụng cồn khô trong mỹ phẩm, điển hình nhất là các loại nước hoa hồng nền cồn.

Tuy nhiên, nếu cồn được sử dụng ở nồng độ thấp hoặc ở các sản phẩm có công thức tốt chứa những thành phần dưỡng ẩm có thể dung hòa cồn thì việc xuất hiện cồn khô trong mỹ phẩm đôi khi còn có lợi cho da, đặc biệt là người có da dầu và da hỗn hợp thiên dầu.

Khi đó, cồn khô trong mỹ phẩm sẽ giúp các dưỡng chất thẩm thấu sâu hơn, khô nhanh hơn và tạo cảm giác khô thoáng cho làn da.

4. Nhận biết nồng độ cồn cao trong sản phẩm

Để nhận biết được nồng độ cồn khô trong bảng thành phần là cao hay thấp, người dùng hãy xem xét số thứ tự mà cồn khô xuất hiện trong bảng thành phần trên đó, nếu cồn khô được liệt kê ở gần cuối danh sách các thành phần chứng tỏ nồng độ cồn khô trong sản phẩm rất thấp, người dùng có thể an tâm khi sử dụng.

Còn nếu cồn khô xuất hiện trong khoảng thức tự 5 thành phần đầu tiên, lúc này nồng độ cồn khô khá cao vì vậy người dùng cần cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng sản phẩm này, đặc biệt lưu ý đối với những người có làn da khô, da nhạy cảm hoặc có tiền sử dị ứng với cồn.

Tuy nhiên nếu trong bảng thành phần của sản phẩm, cồn khô đứng ở 5 vị trí đầu nhưng bên cạnh đó lại có nhiều thành phần dưỡng ẩm khác giúp trung hòa lượng cồn khô này thì người dùng có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng, tuy nhiên vẫn không thể loại trừ trường hợp bị dị ứng với cồn, khi đó cần nên tránh xa cồn tuyệt đối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe