Co thắt trong cổ họng: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn co thắt cổ họng, khiến bệnh nhân bị sưng đau và khó nuốt. Đa phần các trường hợp thường không nghiêm trọng, tuy nhiên cần điều trị nếu co thắt cổ họng không khỏi hoặc đi kèm với các triệu chứng khác.

Dưới đây là những nguyên nhân gây co thắt cổ họng và phương pháp điều trị cho từng trường hợp:

1. Chứng ợ nóng

1.1. Nguyên nhân

Chứng ợ nóng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rối loạn co thắt cổ họng. Tình trạng này xảy ra khi axit dạ dày tăng lên trong thực quản và tràn vào cổ họng, cụ thể:

  • Bệnh nhân thường bị ợ nóng sau khi ăn quá no hoặc nằm xuống ngay sau khi ăn;
  • Một số thực phẩm và đồ uống có thể kích hoạt tình trạng ợ nóng, chẳng hạn như cà chua, thức ăn cay hoặc béo, rượu hoặc các món có nhiều axit, như cam quýt;
  • Ngoài ra, stress, hút thuốc lá và béo phì cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ợ nóng.

Mặc dù không nguy hiểm nhưng ợ nóng xuất hiện thường xuyên có thể là một dấu hiệu cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hay còn gọi là GERD.

1.2. Biểu hiện

Cổ họng của bệnh nhân sẽ cảm thấy đau hoặc nóng rát, đôi khi kèm theo khó nuốt. Tình trạng này thường xuất hiện bất cứ lúc nào và kéo dài từ vài phút đến hàng giờ. Nếu chứng ợ nóng khiến người bệnh bị rối loạn co thắt cổ họng, một số triệu chứng khác cũng thường xuất hiện kèm theo như sau:

  • Đau hoặc rát ở ngực sau bữa ăn, khi nằm hoặc khi cúi xuống;
  • Luôn có cảm giác đắng, chua, hoặc mặn bất thường trong miệng;
  • Cảm thấy như có thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc lồng ngực.

1.3. Điều trị

Để ngăn ngừa tình trạng này, bệnh nhân cần:

  • Tránh những món gây kích thích;
  • Không ăn ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ;
  • Trong lúc ngủ, nên kê cao đầu lên khoảng 15cm để giữ cho axit dạ dày không bị tràn lên thực quản và cổ họng.

Khi gặp các triệu chứng khó chịu, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để dùng một số loại thuốc kháng axit OTC (không kê đơn). Đối với cơn co thắt cổ họng dữ dội hoặc thường xuyên, bệnh nhân cần điều trị bằng các loại thuốc kê toa để kiểm soát axit dạ dày theo chỉ định của bác sĩ.

2. Co thắt cổ họng do dị ứng

2.1. Nguyên nhân

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nhanh và mạnh, thường là do:

2.2. Biểu hiện

Tình trạng này sẽ khiến cổ họng bị co thắt đột ngột, đôi khi kèm theo cảm giác khó nuốt, kéo dài từ vài phút hoặc hàng giờ kể từ khi bị sốc. Nếu nguyên nhân gây co thắt cổ họng là do phản ứng dị ứng, một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện kèm theo, bao gồm:

  • Huyết áp thấp;
  • Khó thở;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Ngứa miệng, mắt hoặc cổ họng;
  • Phát ban;
  • Da tái nhợt nhạt, xanh xao;
  • Đau dạ dày hoặc nôn.

2.3. Điều trị

Bệnh nhân bị sốc phản vệ cần được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu nhanh chóng. Bút tiêm tự động epinephrine là một trong những biện pháp điều trị khẩn cấp các phản ứng dị ứng, bao gồm cả sốc phản vệ. Tuy nhiên thuốc có thể hết tác dụng hoặc nhiều khả năng bệnh nhân sẽ tiếp tục gặp các phản ứng tiếp theo, do đó cần được đội ngũ y bác sĩ theo dõi sát tình hình.


Sốc phản vệ là tình trạng có thể gây co thắt cổ họng.
Sốc phản vệ là tình trạng có thể gây co thắt cổ họng.

3. Viêm amidan

3.1. Nguyên nhân

Đối với người chưa cắt amidan, bộ phận này có thể bị viêm do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

3.2. Biểu hiện

Viêm amidan làm cho amidan sưng và đau, khiến cổ họng cảm thấy rất đau kèm theo khó nuốt. Bên cạnh đó, các hạch bạch huyết ở cổ họng và cổ cũng có thể sưng lên.

Nếu viêm amidan khiến người bệnh bị rối loạn co thắt cổ họng, một số triệu chứng khác cũng thường xuất hiện kèm theo như sau:

  • Cổ họng đỏ;
  • Sốt;
  • Khàn giọng;
  • Có các mảng trắng hoặc vàng ở phía sau cổ họng;
  • Đau đầu;
  • Hôi miệng.

3.3. Điều trị

  • Viêm amidan do nhiễm virus:

Cần điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống nước ấm, ngậm viên trị đau họng và súc miệng bằng nước muối để giảm đau và co thắt cổ họng. Ngoài ra, uống Ibuprofen hoặc acetaminophen theo chỉ định của thầy thuốc cũng có tác dụng hạ sốt và giảm đau.

  • Viêm amidan do nhiễm trùng vi khuẩn:

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân.

  • Viêm amidan diễn tiến nặng:

Nếu viêm amidan xảy ra thường xuyên hoặc khiến bệnh nhân khó thở, cản trở nuốt thức ăn hoặc mất ngủ, nhiều khả năng phải cần phẫu thuật để loại bỏ amidan.

4. Bướu cổ


Bướu cổ là nguyên nhân gây co thắt cổ họng.
Bướu cổ là nguyên nhân gây co thắt cổ họng.

4.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bướu cổ là do tuyến giáp - một tuyến lớn có hình bướm nằm ở đáy cổ họng, bị sưng. Vai trò của tuyến giáp là tạo ra hormone làm cân bằng quá trình trao đổi chất. Khi tuyến giáp sưng to ra sẽ khiến cho cổ họng bị co thắt.

Một trong những yếu tố chính gây bướu cổ là do cơ thể không nhận đủ iốt từ chế độ ăn uống. Khoáng chất này giữ một vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone tuyến giáp.

Bướu cổ cũng có nguy cơ hình thành nếu tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone (Bệnh Graves) hoặc quá ít hormone (Bệnh Hashimoto).

Ngoài ta, tuyến giáp cũng có thể sản sinh ra các nốt gây sưng cổ họng. Hầu hết các trường hợp là không nguy hiểm, tuy nhiên rối loạn co thắt cổ họng đôi khi là dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp.

4.2. Biểu hiện

Nếu bướu cổ là nguyên nhân gây co thắt cổ họng, người bệnh cũng có thể gặp thêm một số triệu chứng sau:

  • Xuất hiện cục u dưới da cổ, có thể cảm nhận hoặc nhìn thấy;
  • Gặp khó khăn khi nuốt và thở;
  • Ho, giọng khàn.

4.3. Chẩn đoán

Nếu nghi ngờ bị bướu cổ, cần đến bệnh viện để kiểm tra khối u và làm một vài nghiệm để tìm ra nguyên nhân, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone tuyến giáp hoặc tìm kháng thể liên quan đến các bệnh tuyến giáp;
  • Siêu âm hoặc quét tuyến giáp;
  • Sinh thiết tuyến giáp để lấy ra một mẫu chất lỏng và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.

4.4. Điều trị

Các phương pháp điều trị bướu cổ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ và chỉ gây triệu chứng hơi sưng thì chỉ cần.

  • Điều chỉnh chế độ ăn có iốt:

Iốt rất dễ bổ sung vì chúng có mặt trong muối ăn, trong hải sản, rong biển, các sản phẩm từ sữa như sữa chua hoặc sữa và ngũ cốc mà con người vẫn ăn hàng ngày. Để hấp thu đủ iốt cho cơ thể, nên sử dụng muối iốt và ăn nhiều cá tươi hoặc hải sản, cũng như các món có rong biển như sushi. Ngược lại, hạn chế dùng những thực phẩm này nếu bác sĩ yêu cầu người bệnh cần cắt giảm iốt.

  • Dùng thuốc:

Một số loại thuốc vừa có thể làm giảm sưng, vừa điều chỉnh tăng hoặc giảm nồng độ hormone tuyến giáp để đưa chúng trở lại về mức bình thường.

Điều trị bằng phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp ung thư tuyến giáp, hoặc bệnh nhân có bướu cổ rất lớn gây cản trở hô hấp hoặc nuốt thức ăn. Bác sĩ có thể phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp tùy vào mỗi tình trạng cụ thể.

Tóm lại, một số nguyên nhân phổ biến gây rối loạn co thắt cổ họng bao gồm chứng ợ nóng, phản ứng dị ứng, viêm amidan hoặc bướu cổ. Mức độ nghiêm trọng sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi bệnh nhân, có trường hợp chỉ cần theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống, nhưng đôi khi phải dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Do đó, cần đến bác sĩ thăm khám khi thường xuyên bị co thắt cổ họng, kèm theo các triệu chứng khó chịu khác, từ đó tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe