Có thể cải thiện khớp sau khi tháo sụn chêm không là điều mà nhiều bệnh nhân quan tâm. Việc phục hồi sau phẫu thuật ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu rõ quá trình hồi phục, các phương pháp điều trị hỗ trợ và vai trò của vật lý trị liệu trong việc phục hồi sức khỏe khớp sau khi tháo sụn chêm.
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Chào bác sĩ. Gia đình tôi có người 38 tuổi, do chơi thể thao lúc 20 tuổi bị chấn thương và mất lớp sụn chêm đầu gối trái, thời điểm đó hướng điều trị của bác sĩ là tháo sụn chêm. Cho tôi hỏi bây giờ có cách điều trị để cải thiện khớp không? Xin cảm ơn!
Câu hỏi khách hàng ẩn danh
Chào bạn! Bạn cần khám bác sĩ chấn thương để xác định tình trạng khớp gối hiện tại. Nếu không đau, vẫn đi lại và làm việc tốt thì không cần điều trị gì bạn nhé.
Bạn có thể đến tại các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để bác sĩ tư vấn thêm nhé.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề cải thiện khớp sau khi tháo sụn chêm.
1. Sụn chêm là gì?
Sụn chêm là thành phần quan trọng của khớp gối, rách sụn chêm có thể xảy ra do chấn thương hoặc thoái hóa ở người lớn tuổi. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ cần theo dõi và tập luyện vật lý trị liệu để ổn định khớp gối. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc loại bỏ phần sụn chêm bị hỏng.
2. Khi nào cần tháo sụn chêm?
Phẫu thuật rách sụn chêm được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân còn trẻ, miếng sụn bị rách lớn, vùng rách nằm ở khu vực có máu nuôi và tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, gây khó khăn cho vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Phẫu thuật cũng được chỉ định cho bệnh nhân lớn tuổi khi miếng sụn đã rách lâu và hỏng hoặc nằm ở vùng không được cung cấp máu đầy đủ.
3. Có thể cải thiện khớp sau khi tháo sụn chêm không?
Sau khi xuất viện, bệnh nhân nên tiếp tục chương trình phục hồi chức năng dưới sự giám sát của chuyên viên vật lý trị liệu để tối ưu hóa quá trình hồi phục và giảm thiểu cơn đau còn lại. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, quá trình phục hồi chức năng và khả năng hoạt động cơ bản của bệnh nhân có thể kéo dài từ 3 tuần đến 3 tháng.
- Giai đoạn 1: Tập trung vào chữa lành, kiểm soát đau, sưng, kích hoạt cơ chân và phục hồi dáng đi bình thường.
- Giai đoạn 2: Tiếp tục thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, cải thiện linh hoạt và sức mạnh, duy trì dáng đi đúng. Đạp xe 15-30 phút mỗi ngày nhưng không chơi thể thao.
- Giai đoạn 3: Dưới sự chỉ định của chuyên viên vật lý trị liệu, bệnh nhân có thể bắt đầu chạy bộ bước nhỏ, tăng dần tốc độ, thực hiện bài tập thay đổi nhịp độ, nhảy qua, nhảy bật cao và rèn luyện sự nhanh nhẹn, đổi hướng với tốc độ khác nhau.
4. Các bài tập cải thiện khớp sau phẫu thuật
Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập sau trong 10 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 2 giờ, bao gồm:
- Nâng thẳng chân: Nâng chân lên, giữ 6 giây, hạ xuống và thả lỏng trong 6 giây. Lặp lại 10 lần.
- Gập duỗi và xoay cổ chân: Bài tập này giúp duy trì tuần hoàn bắp chân và ngăn ngừa cục máu đông. Nâng cao chân, gập duỗi bàn chân lên xuống 10 lần, sau đó xoay cổ chân 10 vòng mỗi chiều.
- Trượt gót chân: Co khớp gối đến 90 độ, giữ 10 giây, sau đó duỗi thẳng và thư giãn 10 giây. Lặp lại 10 lần.
- Gập hông-gối ở mép giường: Gập luân phiên hai chân, lặp lại 10 lần.

Sau khi tháo sụn chêm, việc cải thiện chức năng khớp hoàn toàn có thể đạt được nếu thực hiện đúng phương pháp phục hồi chức năng. Tuy nhiên, tiến độ hồi phục và kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng Vinmec. Rất mong có thể gặp bạn để tư vấn cụ thể hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.